Rùa tai đỏ đe dọa môi trường

Mặc dù Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới đã liệt kê rùa tai đỏ là một trong 100 sinh vật xâm hại nguy hiểm cho môi trường tự nhiên và cảnh báo việc quản lý loại rùa này. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản chính thức của cơ quan chức năng Việt Nam cho phép nhập và nuôi rùa tai đỏ. Thế nhưng, từ lâu rùa tai đỏ đã có mặt ở Việt Nam và đến nay được nhiều người “vô tư” nuôi như vật nuôi kiểng mà không hề có bất kỳ khuyến cáo nào để kiểm soát chúng.

Mua dễ như mua cá kiểng

Tại điểm bán kiểng, vật nuôi cảnh trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM), khi được hỏi mua rùa tai đỏ, bà chủ tiệm gật đầu không một chút dè dặt. Theo lời bà chủ này, do rùa đẹp và giá khá rẻ nên nhiều người mua về nuôi làm cảnh hoặc phóng sinh.

“Có người còn tin là nếu phóng sinh rùa tai đỏ thì vừa sống thọ vừa… gặp vận đỏ, vì vậy những ngày rằm lớn không ít người mua từ năm đến 10 con rồi cho vào các hồ trong chùa hoặc thả xuống sông, rạch” – bà chủ tỉnh bơ nói.

Qua điểm bán cá cảnh kế bên, một người đàn ông đang gạ bán “lô hàng” rùa tai đỏ. Sau khi bà chủ đồng ý mua với giá xa cạ 40 ngàn đồng/con, ông khách này liền lấy trong giỏ ra hơn chục con. “Đợt triều cường vừa rồi làm ngập những cái hồ trong chùa, do vậy rùa tai đỏ thoát ra ngoài, tôi bắt được” – ông ta cho biết.

Bà chủ điểm bán cá cảnh cho biết thêm, đa số rùa tai đỏ bán tại đây được mua lại từ những người ở các tỉnh và quận, huyện ven thành phố. Trên các tuyến đường vào nội thành TP.HCM, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều người bán rùa tai đỏ. Rùa được bỏ trong hồ kiếng có nước hoặc để trong lồng.

Diệt rùa bản địa, gieo vi khuẩn thương hàn

Trao đổi với TS Nguyễn Tuần, Trưởng phòng Sinh học Thực nghiệm (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2), được biết ở Việt Nam rùa tai đỏ được phát hiện trong Hồ Gươm (Hà Nội) vào năm 1997.

Tuy nhiên, chúng đã có mặt ở TP.HCM trước năm 1994 và được dùng làm vật nuôi cảnh. Khí hậu Việt Nam ấm áp nên rất phù hợp cho sự phát triển mạnh mẽ của loài rùa này. “Đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức của cơ quan chức năng cho phép nhập và nuôi rùa tai đỏ. Có thể chúng đã được đưa vào Việt Nam bằng con đường không chính thức” – ông Tuần nghi ngờ.

Cũng theo ông Tuần, các nhà khoa học trong nước đã lên tiếng cảnh báo mức độ nguy hại của rùa tai đỏ. Phó GS Hà Đình Đức đã có kiến nghị diệt toàn bộ rùa tai đỏ ở Hồ Gươm vì có thể làm cạn kiệt nguồn thức ăn của rùa truyền thống đang sinh sống tại hồ.

“Nguy cơ mà rùa tai đỏ gây ra là cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, đưa đến phá vỡ cân bằng sinh thái. Một số ý kiến nghiên cứu còn cho thấy tác hại của rùa tai đỏ ngang bằng với ốc bươu vàng, chuột hải ly, cá hoàng đế, cây mai dương. Chưa kể rùa còn mang vi khuẩn Salmonella gây hại đối với con người” – ông Tuần nói.

Theo khuyến cáo của ông Tuần, người dân không nên nuôi rùa tai đỏ làm cảnh. Những ai đã nuôi phải thật cẩn trọng, không để thoát ra ngoài. Khi không muốn nuôi nữa thì giết chết. “Đặc biệt là không được phóng sinh rùa tai đỏ vào các thủy vực tự nhiên như sông hồ, đầm lầy… để tránh những tác hại xảy ra đối với hệ sinh thái” – ông Tuần nhấn mạnh.