"Làng bụi" ở Hòa Bình

Từ cuối tháng 2/2007 người dân các xóm Nước Vải, Vé, Tân Lập (Lương Sơn, Hòa Bình) dựng rào chặn đường, cấm xe vận tải đất đá lưu thông, ngăn doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn hoạt động bởi không còn chịu nổi cảnh sống trong khói bụi mù mịt nơi đây.

“Đặc sản”: Bụi!

Từ giữa những năm 1990, các xóm Nước Vải, Vé, Tân Lập (Lương Sơn, Hòa Bình) trở thành nơi tập trung của các doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá xây dựng và Nhà máy xi măng Lương Sơn (nay là CTCPXM Vinaconex Lương Sơn). Kể từ đó, hàng trăm hộ dân ở 3 xóm phải sống chung với khói, bụi từ các nguồn phát thải của nhà máy này và các doanh nghiệp sản xuất khai thác đá xây dựng trên địa bàn.

Ông Bạch Văn Nẫm, Trưởng xóm Nước Vải cho biết: “Trước đây mỗi tháng thu 3 – 4 lượt chè thì nay giỏi lắm cũng chỉ hái được một lượt. Chưa kể, tiêu thụ chè rất khó bởi nước chè của Tân Vinh thường đục do vẩn bụi”.

Không riêng cây chè, tất cả các loại cây trồng đều không phát triển được, năng suất sụt giảm, thậm chí mất trắng (trong khi thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu trông vào vườn tược). Ông Nẫm buồn bã nói: “Giờ mấy xóm này chỉ có đặc sản là… bụi mà thôi!”.

Theo những người dân địa phương, trong số các doanh nghiệp sản xuất đóng trên địa bàn, thì CTCPXM Vinaconex Lương Sơn gây ảnh hưởng nhiều nhất. Vì khi Nhà máy xi măng hoạt động, cũng là lúc có khói, bụi nhiều nhất, cảm thấy ngột ngạt, khó chịu nhất.

Anh Quách Văn Ngọc ở xóm Nước Vải cho biết: “Khi nhà máy này hoạt động, chỉ sau ít giờ tất cả mọi thứ trong nhà đều bị phủ một lớp bụi. Quần áo giặt xong phải phơi trong nhà để tránh bụi”.

Những năm qua người dân ở 3 xóm đã nhiều lần kiến nghị CTCPXM Vinaconex Lương Sơn thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm làm giảm thiểu sự phát thải khói bụi ra môi trường xung quanh.

Tại hội nghị giải quyết kiến nghị của nhân dân xóm Nước Vải ngày 9/6/2006, CTCPXM Vinaconex Lương Sơn đã thừa nhận: ô nhiễm môi trường tại khu vực xóm Nước Vải là có thật.

Đền tiền, đã đủ?

Kể từ ngày 21/2/2007 hàng chục người dân ở các xóm trên đã tự dựng rào chặn đường, cấm xe vận tải đất đá lưu thông, không cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn hoạt động. Đồng thời yêu cầu các đơn vị bồi thường những tổn thất về kinh tế do khói, bụi gây ra trong năm 2005 – 2006. Trong đó, CTCPXM Vinaconex Lương Sơn là đơn vị chịu trách nhiệm chính về tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại khu vực xung quanh.

Ngày 25/07/2006, UBND huyện đã ra quyết định thành lập tổ công tác (trong đó có đại diện của CTCPXM Vinaconex Lương Sơn), xác định mức độ bồi thường thiệt hại cây cối, hoa màu do ô nhiễm môi trường của CTCPXM Vinaconex Lương Sơn gây ra trong quá trình sản xuất.

Theo báo cáo ngày 25/12/2006 về việc xác minh mức độ thiệt hại do ô nhiễm môi trường của CTCPXM Vinaconex Lương Sơn và Công ty cổ phần sản xuất đá xây dựng (CTCPSXĐXD) Lương Sơn của tổ công tác, mức độ ô nhiễm, tỷ lệ ô nhiễm, phạm vi ô nhiễm đã được tổ công tác xác định đối với từng khu vực, từng hộ dân của từng xóm.

Qua đó đã xác định được tổng số thiệt hại, tổng giá trị thiệt hại và xác định đối với từng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm chi trả đền bù trong 2 năm (2005 – 2006) cho 176 hộ dân ở 3 xóm là hơn 732 triệu đồng. Trong đó, phần trách nhiệm phải chi trả đền bù thiệt hại của CTCPXM Vinaconex Lương Sơn là hơn 631 triệu đồng, CTCPSXĐXD chịu trách nhiệm chi trả đền bù thiệt hại là hơn 101 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại báo cáo ngày 1/2/2007 tổ công tác đã kiến nghị UBND việc chia sẻ trách nhiệm trong việc đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong đó có một phần do bụi đường của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong khu vực cùng với CTCPXM Vinaconex Lương Sơn và CTCPSXĐXD Lương Sơn gồm 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thái Thịnh, công ty TNHH Rạng Đông, công ty TNHH Vinh Quang, Tổ hợp Hải Đăng, mỗi doanh nghiệp phải chi trả 7 triệu đồng đền bù cho dân; Giảm 20% số tiền thiệt hại đền bù cho dân để bù vào chi phí do không phải thu hoạch sản phẩm.

Như vậy, tổng số tiền đền bù cho cả 2 năm (2005 – 2006) là hơn 586 triệu đồng. Trong đó, phần phải chịu của CTCPXM Vinaconex Lương Sơn là hơn 504 triệu đồng. Số tiền của 4 doanh nghiệp tham gia đóng góp là 28 triệu đồng sẽ được chia đều cho CTCPXM Vinaconex Lương Sơn và CTCPSXĐXD Lương Sơn để hỗ trợ đền bù cho dân.

Tuy vậy, tại thông báo ngày 23/2/2007, UBND huyện Lương Sơn lại kết luận: CTCPXM Vinaconex Lương Sơn hỗ trợ thiệt hại trong 2 năm với tổng số tiền là 360 triệu đồng, CTCPSXĐXD Lương Sơn hỗ trợ 50 triệu đồng thời gian hỗ trợ là 1 năm. Như vậy tổng số tiền hỗ trợ cho 3 xóm bị ảnh hưởng khói, bụi đến sản xuất là 438 triệu đồng.

Theo kết luận của UBND huyện, các doanh nghiệp phải chịu đền bù ở mức 438 triệu đồng là trên cơ sở tính toán của tổ công tác tại báo cáo ngày 25/12/2006 trừ đi các chi phí công lao động, vật tư, phân bón của các hộ dân đầu tư cho cây trồng. Với kết luận đó, đã tiếp tục thổi bùng lên những bức xúc trong quần chúng nhân dân. Bởi theo ông Nẫm và những người dân thì mức đền bù đó không thấm vào đâu so với những thiệt hại mà họ phải gánh chịu trong những năm qua.

Không đồng ý với mức chi trả tiền đền bù thiệt hại đó nên từ ngày 21/02/2007 cho đến nay người dân vẫn tiếp tục ra rào cổng không cho nhà máy hoạt động.

Nhiều người dân Lương Sơn cho rằng, việc đền bù chỉ là việc nhỏ trước mắt, mà việc cần phải làm ngay là Công ty cổ phần xi măng Vinaconex Lương Sơn và các doanh nghiệp sản xuất đá đóng trên địa bàn phải có giải pháp thay đổi. Bởi cứ phải sống chung với khói, bụi như thế này, không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế cho cả người dân và doanh nghiệp mà vấn đề sức khoẻ con người mới thực sự là điều đáng lo ngại.