Trồng nho biển: Một vốn nhưng có đến mấy lời

Viện Hải dương học Nha Trang vừa nuôi trồng thành công rong nho, còn gọi là nho biển, có thể dùng như một loại rau cao cấp. 1 kg nho biển hiện có giá 20.000 đồng nhưng nếu xuất khẩu, giá có thể lên tới cả chục USD/kg. Hơn nữa, trồng rong nho có thể làm sạch môi trường nước bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, đặc biệt tại các khu vực nuôi tôm.

Theo TS. Nguyễn Hữu Đại, Trưởng phòng Thực vật Biển, Viện Hải Dương học Nha Trang, loại rong nho này là nguồn thực phẩm có giá trị và cung cấp nhiều vitamin A, C và các nguyên tố vi lượng như sắt, i-ốt, canxi…

 TS. Nguyễn Hữu Đại
 TS.Nguyễn Hữu Đại bên bể nuôi trồng rong nho.

Rong nho rất dễ nuôi trồng. Chúng mọc trên nền đáy là đất bùn cát, tại vùng biển có độ mặn cao, ở những vũng vịnh kín sóng, nước trong. Rong nho chỉ có thể phát triển ở nhiệt độ nóng. Với nhiệt độ dưới 22oC, rong nho có thể ngừng phát triển.

Rong nho không chỉ đem lại nguồn lợi rau xanh làm phong phú bữa ăn mà còn có thể làm sạch môi trường nước do khả năng hấp thụ chất hữu cơ.

Hiện nay toàn bộ vùng biển miền Trung, tôm không còn được nuôi nhiều, nhiều ao nuôi tôm sẽ bị bỏ hoang. Môi trường nước nơi đây thường bị ô nhiễm bởi nhiều chất hữu cơ từ thức ăn dư thừa. Rong nho có khả năng hấp thụ rất nhanh các chất hữu cơ này, và làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường nước ở các khu vực đó.

Đặc biệt, sau khi được sử dụng làm tác nhân chống ô nhiễm môi trường, rong nho vẫn có khả năng sử dụng bình thường, không độc đối với người sử dụng.

Rong nho tăng trưởng rất nhanh, mỗi ngày dài thêm khoảng 2cm. Điều khá thú vị là, trong môi trường nhiều chất hữu cơ (phì dưỡng), rong nho càng phát triển mạnh. Sau 2 tháng nuôi trồng, rong nho có thể thu hoạch, sau đó người dân thu hoạch tỉa rong nho.

 thu hoạch rong nho

 Sau 2 tháng, rong nho có thể cho thu hoạch.

Công đoạn xử lý sau thu hoạch chủ yếu là giữ cho rong nho đạt được độ cứng. Khi thu hoạch, rong nho cần được rửa sạch nước biển, cắt bỏ phần nhánh và rễ.

 rong nho

 Xử lý sau thu hoạch: Rửa sạch bằng nước biển, cắt lấy phần giống chùm nho và đóng gói.

Phần giống như chùm nho để đạt được thành thương phẩm, phải có chiều dài trên 5cm. Rong tươi có thể lưu hành trên thị trường trong vòng 1 tuần đến 10 ngày.

 rong nho

Rong nho thành phẩm chỉ lấy phần giống chùm nho. 

Trong khuôn khổ đề tài cấp bộ: “Cơ sở khoa học cho việc phát triển trồng rong nho biển ở Việt Nam”, từ năm 2006-2007, rong nho đã được trồng thành công tại Cam Ranh, Hòn Khói – Ninh Hoà.

 rong nho

Rong nho Nhật Bản có thể phát triển tại vùng biển Hòn Khói.  

Hiện nay, trên thị trường Nhật Bản, một gói rong nho được bảo quản trong nước hay bằng muối có giá 9,9USD/120gam. Còn rong nho dạng tươi có giá 60 – 70USD/kg. Các nhà khoa học ở Viện Hải dương học hy vọng phát triển rong nho trên thị trường với giá 20.000 đồng/kg và người dân có thể sử dụng rong nho thay rau xanh.

 rong nho gói

Rong nho đóng gói tại Nhật Bản có giá 9,9USD/120gam. 

Tại một số quán ăn theo kiểu Nhật ở TP.HCM, hiện đã có món trộn salát rong nho với giá khoảng 35.000 đồng/đĩa.

 rong nho salad

Sa lát rong nho tại TP.HCM 

Ở Việt Nam, rong nho tập trung nhiều ở đảo Phú Quý, nhưng kích thước vô cùng nhỏ, chỉ bằng 1/3 -1/4 rong nho tại Okinawa, Nhật Bản.

 rong nho

Rong nho ở đảo Phú Quý

Rong Nho (Caulerpa lentilifera) còn được gọi là trứng cá Hồi xanh (green caviar) hay nho biển (sea grapes). Rong Nho rất được ưa chuộng và sử dụng như một loại rau xanh trong các món salad tại một số nước châu Á như Nhật Bản, Philippine

Việc nuôi trồng loài rong này ngày càng phát triển ở các nước Nhật Bản, Philippine, Thái Lan…. Philippine đã có khoảng 400 hecta ao đìa tại Cebu được trồng rong Nho. Tại Nhật Bản, từ năm 1986, rong nho đã được trồng thành thương phẩm tại Okinawa.

Ở Việt Nam, mới đây vào năm 2006, các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang đã tìm thấy rong nho tại đảo Phú Quý (Phan Thiết). Tuy nhiên, kích thước của loài rong nho này rất nhỏ, bằng 1/3-1/4 so với loài rong có nguồn gốc Nhật Bản.

* Ảnh: TS. Nguyễn Hữu Đại