Phát triển vốn rừng ở Tây Nguyên: Để người dân "nuôi" rừng

Giao rừng đến tận tay người dân là một cách bảo vệ rừng hữu hiệu. Điều này thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền và nhân dân trong công cuộc bảo vệ vốn quý của đất nước, đồng thời góp phần nâng cao đời sống kinh tế của các cộng đồng cư dân. Biện pháp nói trên đã và đang được tiến hành tại Tây Nguyên một cách hiệu quả.

Còn nhiều điểm “nóng”

Những năm gần đây, nhiều huyện, xã ở Tây Nguyên còn xảy ra những điểm nóng về tình trạng vi phạm lâm luật, trong đó phổ biến là tình trạng chặt phá rừng lấy đất sản xuất và đất ở. Thậm chí, ở một số nơi, cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, trong các khu bảo tồn thiên nhiên cũng bị xâm lấn; nhiều vụ phá rừng có tổ chức với cả chục người tham gia, lâm tặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng bảo vệ rừng. Một vài doanh nghiệp ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông còn lợi dụng chính sách đầu tư của địa phương để xin thuê đất rừng triển khai dự án, nhưng thực chất là phá rừng, bán đất để trục lợi.

Tài nguyên rừng và diện tích đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ ngày càng suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một phần không nhỏ diện tích rừng ở địa bàn này chưa thực sự có chủ, hoặc có chủ nhưng chủ rừng chưa làm hết trách nhiệm trong việc giữ rừng. Ví như ở huyện Krông Bông, đây là địa phương được xem là giữ rừng khá tốt ở tỉnh Đắc Lắc, toàn huyện có hơn 83 nghìn héc-ta rừng và đất rừng, vậy mà hiện còn tới hơn 31 nghìn héc-ta rừng và đất rừng chưa có chủ, chiếm tới 37%. Nguyên nhân nữa là do tình trạng tại một số địa phương còn thiếu đất ở, đất sản xuất, cộng với áp lực về đất ở, đất sản xuất của dân di cư tự do mới đến lập nghiệp dẫn tới nhiều cánh rừng bị xâm lấn, chặt phá và sang nhượng trái phép, nhất là trong những tháng mùa khô. Đứng trước áp lực dân di cư tự do ngày một tăng, và tình trạng người dân địa phương, khai phá trái phép đất rừng để làm nương rẫy nên nhiều xã trên địa bàn các huyện Đắc R’Lấp, Đắc G’Long, Đắc Song đã xảy ra những điểm nóng về phá rừng. Từ năm 2004 đến nay, mỗi năm tỉnh Đắc Nông để mất hơn 300ha rừng với hàng chục vụ vi phạm lâm luật phải khởi tố.

Gắn lợi ích của dân với rừng

Tìm hiểu công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, ở đâu rừng được giao cho dân, cho cộng đồng và gắn lợi ích thiết thực của dân với rừng thì ở đó rừng được bảo vệ tốt hơn. Có nhiều chủ trang trại còn mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trồng được hàng chục héc-ta rừng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Hành lang pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ rừng của nước ta không thiếu, nhưng điều cốt yếu là tổ chức thực hiện thế nào cho có hiệu quả lại tùy thuộc vào cách làm của mỗi địa phương. Chính phủ đã ban hành các nghị định, quyết định chỉ đạo khá chặt chẽ công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, như: Nghị định số 163 về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Quyết định số 178 về quyền lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình và cá nhân được giao đất, được thuê nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; Quyết định số 304 về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên.

Về việc giao khoán rừng tới từng hộ dân, Đắc Lắc là tỉnh sớm triển khai mô hình này, và đã thực hiện thí điểm đạt hiệu quả ở huyện Ea H’leo trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắc, việc giao đất giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng là mô hình cần nhân rộng, bởi tính hiệu quả cao, rừng thực sự có chủ. Tính đến nay, tỉnh Đắc Lắc đã giao được hơn 81 nghìn hécta rừng từ Chương trình 661 cho 3.244 hộ, trong đó có 1.946 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; và giao hơn 12 nghìn hécta rừng theo Quyết định 178 cho 1.944 hộ, trong đó có 1.054 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Mới đây, tỉnh Đắc Lắc đã khảo sát thực tế ở 5 huyện là Krông Bông, Krông Búc, Ea Ka, Ea H’leo và Lắc. Kết quả cho thấy, từ năm 1999 đến nay, 5 huyện này đã giao được 23.160 ha rừng và đất rừng cho 995 hộ gia đình, 47 nhóm hộ và 16 cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ.

Điều đáng mừng là trong tổng diện tích rừng đã giao ở 5 huyện trên, tỷ lệ rừng bị phá và đất rừng bị lấn chiếm thấp: 175,6 ha rừng bị phá (chiếm 0,76%), 200 ha đất rừng bị lấn chiếm (chiếm 0,8%) và không xảy ra tình trạng cháy rừng. Trong đó có những cộng đồng dân cư ở huyện Ea H’leo giữ rừng khá tốt, điển hình như mô hình của buôn Ta Ly, xã Ea Sol, có 67 hộ được giao quản lý bảo vệ 1.127,5ha rừng từ năm 2001 đến nay. Để bảo vệ diện tích rừng được giao, buôn Ta Ly lập ra Đội bảo vệ rừng với 110 thành viên, chia làm 3 tổ luân phiên tuần tra kết hợp chăm sóc rừng, nên rừng phát triển tốt. Tháng 6-2006, buôn Ta Ly tổ chức khai thác thử nghiệm 500 cây gỗ, thu được 616 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, bà con cộng đồng buôn Ta Ly được hưởng lợi 283 triệu đồng. Theo nhận xét của anh Rmal Lơ, Đội trưởng đội quản lý rừng buôn Ta Ly thì: “Mô hình giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý, hưởng lợi đã giúp bà con có thêm việc làm, tăng thu nhập để ổn định đời sống. Khi lợi ích bà con gắn với rừng, thì bà con có trách nhiệm hơn”. Cũng theo Rmal Lơ, nếu bà con sống được bằng công việc quản lý, bảo vệ rừng, thì không có lý do gì lại đi phá rừng!

Tỉnh Lâm Đồng có 602 nghìn héc-ta rừng và đất rừng, đạt tỷ lệ độ che phủ 61,5% (độ che phủ cao nhất Tây Nguyên), đến nay tỉnh này đã giao khoán được gần 300 nghìn héc-ta, trong đó có 200 nghìn hécta giao cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý, chăm sóc với gần 9 nghìn hộ dân tham gia. Thực hiện Quyết định 304, đến nay tỉnh Đắc Nông đã giao được 6.268ha rừng cho 450 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ quản lý, bảo vệ. Việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ quản lý, bảo vệ tuy mới được tỉnh Đắc Nông triển khai thí điểm, nhưng kết quả cho thấy rừng được bảo vệ khá tốt, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân đã thực sự làm cho họ gắn bó và có trách nhiện với rừng hơn.

Có thể nói, Quyết định số 304 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra hướng mới cho phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Tây Nguyên. Được biết, theo kế hoạch trong thời gian tới, toàn vùng Tây Nguyên sẽ giao khoán 134.467,9ha rừng cho 5.940 hộ, với tổng kinh phí khoảng 98,14 tỷ đồng. Việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo Quyết định số 304 của Thủ tướng Chính phủ cho các hộ gia đình và cộng đồng buôn làng ở Tây Nguyên không những giữ được rừng mà còn góp phần giải quyết việc làm và khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Thực hiện các chính sách giao đất, giao rừng hợp lý, gắn quyền lợi người dân với rừng, như hưởng lợi trực tiếp từ rừng, nâng định mức giao khoán quản lý bảo vệ rừng sao cho người dân có thể sống bằng nghề rừng, khi ấy rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Bên cạnh đó, với đặc thù về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ bao đời nay gắn bó chặt chẽ với rừng; bà con Ê-đê, Gia-rai, Ba-na cũng như M’Nông, K’ho… thường có luật tục hết sức độc đáo, nhằm giáo dục, vận động mọi thành viên trong cộng đồng tham gia giữ rừng. Đây cũng là những điểm mạnh, những lợi thế cần khai thác trong cuộc chiến giữ rừng và phát triển tài nguyên rừng ở Tây Nguyên.