Protein P63: Kiểm soát chất lượng trứng người

Bài viết dưới đây được đăng tải trên báo Khoa học & Đời sống, số 95, ra ngày 27/11/2006 (Tiêu đề do ThienNhien.Net đặt). Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc.

Nhóm nghiên cứu tại đại học Y khoa Harvard vừa phát hiện ra vai trò chủ chốt của Protein P63 trong việc phát hiện và loại bỏ các trứng hỏng trong giai đoạn phát triển để đảm bảo chỉ quả trứng hoàn toàn khỏe mạnh mới gặp được tinh trùng để thụ tinh. Phát hiện này sẽ giúp ích trong việc điều trị vô sinh, vấn đề đang có xu hướng gia tăng ở phụ nữ.

P63 – nhân viên KCS quá trình “sản xuất” con người.

Trứng người, hay noãn bao, bắt đầu phát triển từ trước khi chúng ta sinh ra, sau đó tiếp tục hoàn thiện qua quá trình phân bào giảm nhiễm (dạng phân chia tế bào mà kết quả sau cùng là tạo ra một quả trứng chín mang bộ nhiễm sắc thể). Quá trình phân bào giảm nhiễm kéo dài trong nhiều năm và kết thúc vào trước giai đoạn dậy thì để đảm bảo mọi phụ nữ khi đến giai đoạn này đều có khả năng sinh nở. Những nghiên cứu ở đại học Y khoa Harvard trên trứng chuột cho thấy, chính đây là thời điểm mà P63 bắt đầu phát huy tác dụng.

Về cơ bản, P63 có cấu trúc rất giống một người anh em gần gũi của nó là P53. Tuy nhiên, vai trò của hai loại Protein này lại hoàn toàn khác nhau. P53 là Protein kìm hãm sự phát triển của khối u, trong khi P63 làm nhiệm vụ kiểm soát và loại bỏ các trứng không đủ tiêu chuẩn. Nó xác định mức độ hư hỏng của ADN trong noãn bào và quyết định liệu có thể “cho qua” hay nên tiêu diệt trước khi chúng có thể được thụ tinh để không truyền các đột biến bất lợi cho thế hệ kế tiếp. Nói một cách khác, P63 chính là nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình “tái sản xuất” con người. Sự có mặt của nó góp phần giảm những rủi ro về mặt di truyền trước khi một con người được sinh ra.

Hiểu biết mới về nguyên nhân gây vô sinh

TS Mc Keon, thành viên của nhóm nghiên cứu cho rằng, P63 đã âm thầm làm công việc bảo vệ trứng trước ảnh hưởng của đột biến từ hơn 800 triệu năm. Thế nhưng cho đến bây giờ, vai trò công lao của nó mới được ghi nhận. Tuy vậy, phát hiện muộn màng này cũng đã làm sáng tỏ nhiều thắc mắc xung quanh việc làm thế nào mà buồng trứng có thể kiểm soát được chất lượng của trứng để đảm bảo rằng những “sản phẩm hỏng hóc” sẽ không bao giờ được xuất xưởng.

Quá trình tạo ra một quả trứng khỏe mạnh phức tạp hơn nhiều so với việc tạo tinh trùng, vì giai đoạn phát triển của trứng diễn ra trong một thời gian rất dài ở buồng trứng trước khi chúng đủ trưởng thành đề được giải phóng.

Nghiên cứu kỹ hoạt động của P63 sẽ cho phép tìm ra những biện pháp để can thiệp sớm vào việc kiểm soát chất lượng trứng. Một mặt, chúng ta có thể hạn chế tốt hơn tỉ lệ dị tật ở trẻ sơ sinh có liên quan đến những sai sót ADN ở trứng từ trước khi thụ tinh. Mặt khác, chúng ta có thể tìm ra những biện pháp điều trị hiệu quả hơn đối với những trường hợp phụ nữ vô sinh do chất lượng trứng kém.