Quảng Nam: Nơi đâu có vàng, nơi đó gian nan và nghèo khó – Kỳ 1

Kỳ 1: Sống trên đất “vàng”, dân vẫn nghèo 

ThienNhien.Net – Với diện tích đất rộng lớn, phì nhiêu, trong mấy năm trở lại đây các xã Tam Lãnh, Phước Kim, Phước Đức… thuộc tỉnh Quảng Nam được xem là mảnh đất “vàng” để phát triển kinh tế. Tuy được sống trên những mỏ vàng nhưng người dân nơi đây ngoài làm nông nghiệp họ chỉ biết đi làm cu li cho các chủ bường hay các công ty đã được nhà nước cấp phép, để rồi đời sống họ quanh năm vẫn nghèo khó. Mới đây, hơn 1.000 lao động bị Besra Việt Nam tạm cắt hợp đồng khiến nhiều người lâm cảnh thất nghiệp và tệ nạn vàng tặc đã bắt đầu bùng phát, trong đó có cả những người thuộc số lao động nói trên.

Những thân phận mót vàng tại Bồng Miêu Tam Lãnh (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Những thân phận mót vàng tại Bồng Miêu Tam Lãnh (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Nơi có trữ lượng vàng lớn nhất nước

Qua kết quả thăm dò cho thấy trữ lượng vàng ở mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh có trữ lượng khoảng 12.388kg, còn tại huyện Phước Sơn, mỏ vàng Phước Thành xã Phước Kim có trữ lượng khoảng 11.602kg và mỏ Đăk Sa, xã Phước Đức có trữ lượng 7.210kg. Mỏ vàng Bồng Miêu có hàm lượng 3-5 gam vàng/tấn quặng, còn tại Phước Sơn có đến 13 gam vàng/tấn quặng. Tại mỏ vàng Phước Sơn có công suất khai thác 1.000 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 92-95%, mỏ vàng Bồng Miêu công suất 500 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 88%.

Ngoài vàng, Quảng Nam được cho là tỉnh có tiềm năng tương đối lớn về khoáng sản, vừa phong phú về chủng loại, vừa đa dạng về nguồn gốc, đặc biệt là tài nguyên quặng phóng xạ (đi kèm trong 1 số khoáng sản như đất hiếm, than, graphit, photphat, pegmatit, đa kim…) với trữ lượng quặng nhiều nhất và chất lượng quặng tốt nhất cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 45 loại khoáng sản, một số khoáng sản có giá trị được phát hiện có trữ lượng lớn đã được thăm dò và đưa vào khai thác. Ông Nguyễn Tâm Miễn là kỹ sư địa chất, nguyên là giám đốc mỏ vàng Bồng Miêu cũng từng nhận định, Quảng Nam có trữ lượng vàng lớn nhất nước, Viện Địa chất khoáng sản Việt Nam đã thăm dò, đánh giá trữ lượng dự báo gần 30 tấn nhưng theo ông trữ lượng vàng ở Quảng Nam phải gấp hơn mười lần như vậy.

Thật khó tổng kết số lượng vàng đã được khai thác tại Quảng Nam từ trước đến nay. Bởi thời gian qua, ngoài những công ty có pháp nhân khai thác vàng thì hầu hết ở các huyện miền núi tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra khá rầm rộ. Do đó, khó mà kiểm đếm đã có bao nhiêu tấn vàng đã được làm ra, vận chuyển tiêu thụ nó như thế nào. Chỉ mới đây, khi Besra Việt Nam công bố số vàng mà họ lấy đi từ lòng đất Quảng Nam là 6,9 tấn. Điều đó cũng đã minh chứng trữ lượng vàng ở Quảng Nam cũng thuộc hàng đầu so với các địa phương khác trong cả nước.

 

Mỏ vàng Đaksa của Công ty vàng Phước Sơn là một trong những nơi có trữ vàng lớn (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Mỏ vàng Đaksa của Công ty vàng Phước Sơn là một trong những nơi có trữ vàng lớn (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Nghèo trên đất vàng

Thế nhưng điều đáng nói, được sống ngay trên mảnh đất của mình – nơi có những mỏ vàng với trữ lượng hàng đầu cả nước, thế nhưng người dân vẫn nghèo. Như tại huyện Phước Sơn được Trung ương, tỉnh đầu tư hàng trăm tỉ đồng để thực hiện nhiều chương trình như quy hoạch phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp; khai hoang, phục hóa đất sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn: “Phước Sơn là huyện mà đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%, người dân thiếu đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn, thiếu phương tiện sản xuất lại không có kinh nghiệm làm ăn, nguy cơ tái nghèo cao”. Bởi vậy, dù dự báo địa chất thăm dò trữ lượng vàng tại xã Phước Thành là trên 14 tấn, Phước Kim 7 tấn, Phước Hiệp 9 tấn. Riêng tại Phước Đức lên đến 7.000 tấn. Nhưng đa số họ là dân nghèo, ngoài làm nông họ đi mót vàng hay đi làm thuê cho các mỏ vàng ngay trên quê hương mình. Càng đáng buồn đây là những địa phương có tỉ lệ hộ nghèo khá cao. Cụ thể, trừ Thị trấn Khâm Đức có tỷ lệ hộ nghèo 21,85%, hầu hết các xã của huyện Phước Sơn có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% và có đến 93,55% số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Một số xã có tỉ lệ hộ nghèo cao như xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc, Phước Chánh, Phước Công, Phước Năng, Phước Hòa kể cả Phước Đức – nơi có trữ lượng vàng rất lớn nhưng toàn huyện tỉ lệ hộ nghèo là 53,72%.

Theo ông Phạm Thế Quyền – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn: “Con em Phước Sơn có việc làm chủ yếu nhờ làm việc cho Công ty vàng Phước Sơn, ở đó có 900 lao động thì con em Phước Sơn chiếm hơn 70%. Nhờ làm ở đây nên người dân có nguồn thu nhập để thoát nghèo. Nhưng hiện nay công ty này đã tạm đóng cửa, người dân lại lâm vào cảnh thất nghiệp”.

Còn tại huyện Phú Ninh, nơi có mỏ vàng Bồng Miêu, từ thời người Chămpa xưa đã phát hiện và khai thác vàng ở khu mỏ này. Họ đặt tên Bồng Miêu, có nghĩa là “Cánh đồng vàng”, do bởi ở đây vàng có rất nhiều trong quặng đá. Thế nhưng sống ngay trên cánh đồng vàng nhưng trải qua bao đời người dân nơi đây vẫn chưa thể thoát nghèo. Cụ thể, theo báo cáo của MTTQ huyện Phú Ninh, đến nay huyện hộ nghèo còn 7,44%, cận nghèo 10,22%. Đáng chú ý, xã Tam Lãnh, nơi có mỏ vàng Bồng Miêu, là xã có diện tích gần 7.000ha, dân số 7.800 người nhưng đất nông nghiệp chỉ có 176ha. Hiện hộ nghèo còn đến 11%. Người dân nơi đây quanh năm ngoài làm nông, lâm nghiệp họ còn sống bằng nghề mót vàng. Đã không ít lần người dân tứ xứ đổ về đây cùng dân địa phương tiến hành khai thác vàng trái phép.

Còn tình hình hộ nghèo ở Quảng Nam, mới đây trong lần về tham dự kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII kỳ họp thứ 11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bằng nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, tỉnh Quảng Nam phải phấn đấu đạt tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện miền núi giảm thêm khoảng 4%/năm; các huyện đồng bằng giảm thêm 2%/năm. Vì tỷ lệ nghèo toàn tỉnh trên 13% vẫn cao hơn bình quân chung của cả nước. Đã thế mới đây, Besra Việt Nam tuyên bố đóng cửa hai nhà máy khai thác vàng lớn nhất nước tại Quảng Nam và tạm thời chấm dứt hợp đồng với trên 1.000 lao động là người địa phương, đa số người này là lao động phổ thông, dân tộc miền núi, khó khăn trong tìm việc làm. Nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn tại một số địa phương nhiều hộ sẽ tái nghèo. Đó là chưa kể những vụ sập hầm vàng, hay núi lở chôn vùi rất nhiều thân phận đi mót vàng.