Tính đường đắp đập, ngăn sông

ThienNhien.Net – Do bị các nhà máy thủy điện (NMTĐ) ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn chặn dòng, giữ nước khiến các dòng sông bị nhiễm mặn nặng, tỉnh Quảng Nam phải chi tiền tỷ đắp đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện để lấy nước tưới cho hàng ngàn héc-ta lúa. Từ việc này, Đà Nẵng cũng đã tính đến chuyện đắp đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ và đang thuê đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu, lập phương án xây đập ngăn sông Cu Đê để lấy nước thô sản xuất nước sinh hoạt cấp cho người dân thành phố.

Đắp đập ngăn mặn

Trong năm 2013, trước tình hình nhiễm mặn sông Cầu Đỏ kéo dài và ở mức cao, Cty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) đã kiến nghị Sở Xây dựng và UBND TP Đà Nẵng đắp đập ngăn sông Cầu Đỏ để khai thác thêm nguồn nước sông Túy Loan cho 2 nhà máy nước lớn nhất Đà Nẵng là Cầu Đỏ và Sân Bay sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Theo đó, tiến hành đắp đập tạm bằng đất băng qua sông Cầu Đỏ tại vị trí sau cửa thu nước sông của Nhà máy nước Cầu Đỏ (tính từ phía thượng lưu).

Đập tạm này có kết cấu bằng đất đỏ và đóng cọc cừ larsen với khối lượng đất đắp khoảng 11.000m3, thi công trong 15-20 ngày, kinh phí từ 5-7,5 tỷ đồng… và sẽ phá vào mùa mưa để thoát lũ, nên chỉ triển khai xây dựng trong trường hợp khẩn cấp. Cơ sở để DAWACO đưa ra kiến nghị này là chi phí sản xuất nước sinh hoạt phát sinh do nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn trong 2 năm 2012 và 2013 là 22,4 tỷ đồng.

Về lâu dài, theo DAWACO, hiện nguồn nước tại thượng lưu sông Vu Gia – Thu Bồn đã có thay đổi do suy kiệt nguồn nước, biến đổi khí hậu, lượng mưa giảm trên diện rộng. Lượng nước từ sông Yên về sông Cầu Đỏ phụ thuộc hoàn toàn vào việc vận hành các NMTĐ trong hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, không còn phụ thuộc đơn thuần vào chế độ bán nhật triều như trước đây. Về lâu dài, do điều kiện nguồn nước suy kiệt, tình trạng nhiễm mặn có khả năng xảy ra liên tục trong năm, có thể xây dựng một đập ngăn mặn vĩnh cửu tại phía sau vị trí thu nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Đập có kết cấu mềm, cho nước tràn qua thân đập vào mùa lũ và tự động đóng lại để ngăn mặn, giữ ngọt cho các nhà máy lấy nước sản xuất nước sinh hoạt với kinh phí đầu tư khoảng từ 80-100 tỷ đồng. Phương án đắp đập ngăn sông Cầu Đỏ có ưu điểm là thu thêm được nguồn nước từ sông Túy Loan, giảm chi phí sản xuất nước (so với bơm nước về từ đập dâng An Trạch thông qua Trạm bơm phòng mặn An Trạch), ổn định nguồn nước và an toàn cho hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, phương án này có thể có một số hạn chế như: ảnh hưởng đến việc thoát lũ, giao thông đường thủy và chi phí đầu tư xây dựng lớn. Vì vậy, để quyết định đầu tư cần phải có nghiên cứu đánh giá chi tiết.

Từ thành công và hiệu quả ngay lập tức của việc đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện (Quảng Nam), DAWACO kiến nghị đắp đập ngăn sông Cầu Đỏ và Cu Đê để chủ động nguồn nước thô sản xuất nước sinh hoạt.
Từ thành công và hiệu quả ngay lập tức của việc đắp đập ngăn mặn giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện (Quảng Nam), DAWACO kiến nghị đắp đập ngăn sông cầu Đỏ và Cu Đê để chủ động nguồn nước thô sản xuất nước sinh hoạt.  

Chi thêm tiền tỷ để có nước ngọt

Theo kế hoạch, Nhà máy nước Hòa Liên được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2014 với công suất 120.000m3/ngày, sử dụng nguồn nước sông Cu Đê từ đập thủy điện Sông Bắc 2 thuộc Dự án Thủy điện Sông Nam – Sông Bắc với tuyến ống dẫn nước thô dài 16km. Tuy nhiên, theo DAWACO, do chủ đầu tư Dự án Thủy điện Sông Nam – Sông Bắc là Công ty CP Geruco – Sông Côn chậm triển khai xây dựng, nhất là công trình đập thủy điện Sông Bắc 2 nên có khả năng không có điểm thu nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên, cần sớm có giải pháp kịp tiến độ với tiến độ xây dựng nhà máy nước. DAWACO và các Sở, ngành đã thống nhất đề xuất xây dựng đập để thu nước sông Cu Đê ở phía hạ lưu cầu Phò Nam.

Vị trí này có ưu điểm là tăng thêm gần 30km2 lưu vực, trong đó có tăng thêm lưu vực suối Bàu Bàng, tăng thêm nguồn nước và phù hợp với quy hoạch chung của thành phố. Kết cấu công trình xây dựng là đập dâng điều tiết bằng cửa van nên có khả năng thoát lũ tốt, không gây ngập phía thượng lưu, đồng thời ngăn mặn, ngọt hóa đoạn sông phía thượng lưu công trình. Hiện Công ty Kajima (Nhật Bản), đơn vị tư vấn đã hoàn tất khảo sát, thiết kế sơ bộ công trình thu nước (đập dâng) với khái toán kinh phí đầu tư hơn 61 tỷ đồng, trạm bơm nước thô tại vị trí hạ lưu cầu Phò Nam và tuyến ống nước thô dẫn về nhà máy nước theo tuyến đường ĐT601.