Làn sóng chiếm dụng đất đai vượt tầm kiểm soát

ThienNhien.Net – “Người ta không cần tới một khẩu súng để giết người. Chỉ cần lấy đi thực phẩm của một ngôi làng bằng cách phá hủy đất canh tác và hoa mầu chính là đang đẩy dân làng đến chỗ chết đói”. Câu nói này của ông Alfred Brownell thuộc tổ chức Green Advocates (Liberia) tưởng cũng chẳng có gì là thái quá khi dành để phác lộ khoảng tối đằng sau hiện tượng đang được mô tả như một “trào lưu” lan rộng trên toàn cầu hiện nay – Land-grabbing (tạm dịch là chiếm dụng đất đai*).

Land-grabbing là từ được dùng để nói đến hiện tượng đất đai ở các quốc gia nghèo bị các nhà đầu tư nước ngoài mua/thuê lại với diện tích lớn, để lại hậu quả cho những người nông dân vốn vẫn dựa vào đất đai mà sinh sống.

Điều này, theo báo cáo Our land, our lives (Tạm dịch: Đất đai của chúng tôi, cuộc sống của chúng tôi) của Tổ chức Oxfam mô tả, thì đã “vượt tầm kiểm soát, để lại cái giá đắt khó chấp nhận cho những cộng đồng bị ảnh hưởng”.

Lan rộng làn sóng đầu tư vào đất đai ở các nước nghèo

Giá lương thực bùng nổ được coi là nguyên nhân dẫn đến làn sóng đầu tư nước ngoài vào đất đai tại các quốc gia nghèo. Theo thống kê, từ giữa năm 2008-2009, các thương vụ trao đổi đất nông nghiệp với các nhà đầu tư nước ngoài ở các quốc gia đang phát triển tăng vọt tới 200%.

Báo cáo của Oxfam đã dẫn ra những số liệu đáng giật mình để chứng minh cho sự lan rộng của hiện tượng này. Theo đó, riêng trong thập kỷ qua (2000-2010) số đất bị mua hoặc thuê lại trên toàn cầu đã tương đương tám lần diện tích của vương quốc Anh.

Trong các năm 2000-2010, tại các quốc gia nghèo, diện tích đất bị các nhà đầu tư nước ngoài trưng mua/thuê cứ sáu ngày lại bằng diện tích của London.

Trong khi đó, theo tính toán của Oxfam thì số đất bị chiếm dụng trong khoảng năm 2000-2010 có khả năng nuôi sống một triệu người, tương đương với số người hiện vẫn ôm bụng đói lên giường mỗi đêm.

Ảnh: Slowfoodireland.com
Ảnh: Slowfoodireland.com

Điều đáng nói là trên thực tế nguồn lợi đầu tư đất đai rất hiếm khi mang lại lợi ích cho người dân địa phương hoặc giúp họ chống lại đói nghèo.

Cụ thể, thống kê cho thấy 2/3 các thương vụ đất nông nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài là tại các đất nước có nạn thiếu đói trầm trọng. Tuy nhiên, nghịch lý là hầu như diện tích đất này không được sử dụng để nuôi sống người dân ở những quốc gia này hoặc đi vào thị trường địa phương đang vô cùng cần lương thực.

Diện tích đất này thường hoặc sẽ bị bỏ hoang chờ tăng giá để bán lấy lãi hoặc được canh tác chỉ để xuất khẩu và thường để sản xuất xăng sinh học.

Điều đáng lo ngại nữa là đất đai thường được bán hoặc cho thuê với giá rẻ mạt, không đúng với giá trị thực của nó. Theo các khảo sát, các nhà đầu tư đất đai nước ngoài chỉ trả giá thuê từ 7 cent và nhiều nhất là khoảng  100USD/ha mỗi năm. Và sự dao động giá cả này lại chẳng hề liên quan gì tới chất lượng đất đai mà chỉ do thiếu quy chế điều chỉnh.

Các tác động của hiện tượng chiếm dụng đất đai lên các cộng đồng bị ảnh hưởng đã được chứng minh bao gồm vi phạm quyền con người, đẩy người dân vào cảnh cơ cực, mất sinh kế trong khi không có đền bù… và có thể còn có những tác động khác chưa được hiểu rõ.

Cũng theo đánh giá của Oxfam, các nước có thể chế bảo vệ quyền lợi về đất đai yếu hơn thường là đối tượng để các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến để mua hoặc thuê đất. IMF cho biết các dự án đầu tư có liên quan đến chiếm dụng đất quy mô lớn diễn ra tại các nước “đội sổ” về Chỉ số Quản trị Thế giới (Word Governance Indicator) như Angola nhiều hơn tới 33% so với các nước nằm ở tốp giữa như Brazil.

WB cũng thừa nhận rằng điểm chung giữa các quốc gia có các hợp đồng chuyển nhượng đất đai quy mô lớn là còn yếu kém trong bảo vệ quyền về đất đai ở nông thôn.

Hơn nữa, các chính phủ có đất đai bị chiếm dụng lại thường thiếu ý chí chính trị và khả năng để buộc các nhà đầu tư ngoan cố phải hoạt động vì quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, cũng có một số chính phủ ra tay hành động bằng cách đình chỉ chuyển nhượng đất đai như Campuchia, Lào, Mozambique, Brazil, Tanzania, Indonesia, Papua New Guinea và Argentina.

Nhân tố quan trọng có thể chặn đứng làn sóng này

 (*) Tuyên bố Tirana của Liên minh đất đai Quốc tế  đã định nghĩa “land grabbing” là các hoạt động trưng mua, chuyển nhượng đất đai có một hoặc nhiều đặc điểm sau:
• Vi phạm quyền con người, đặc biệt là quyền bình đẳng của phụ nữ;• Không dựa vào sự đồng thuận trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin của những người sử dụng đất bị ảnh hưởng;

•Không dựa vào sự đánh giá toàn diện, hoặc thiếu chú trọng các tác động xã hội, kinh tế, môi trường, bao gồm cả tác động về giới;

• Không dựa trên hợp đồng minh bạch cho thấy những cam kết rõ ràng và ràng buộc pháp lý về các hoạt động, tuyển dụng nhân công và chia sẻ lợi ích;

• Không dựa trên các quy hoạch mang tính dân chủ cao, được giám sát độc lập với sự tham gia có ý nghĩa của các bên liên quan.

Trong khi trách nhiệm đối với hiện tượng land-grabbing nằm trong tay của rất nhiều nhân tố: từ chính phủ các nước đang phát triển và phát triển đến khu vực tư nhân thì Ngân hàng thế giới vẫn là nhân tố lớn nhất có ảnh hưởng hơn bất cứ nhân tố nào khác có thể tạo nên sự thay đổi.

Oxfam cho rằng WB đóng vai trò vô cùng quan trọng trong land-grabbing theo nhiều cách. Thứ nhất, WB với tư cách là nguồn hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các đầu tư đất đai. Thứ hai, với tư cách là nhà tư vấn chính sách cho chính phủ các nước đang phát triển và cuối cùng là với tư cách người đặt ra “luật chơi” cho các nhà đầu tư.

Đầu tư của WB vào nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua: từ 2,5 tỷ năm 2002 lên 6-8 tỷ USD năm 2012. Điều này được Oxfam nhìn nhận là một bước tiến đáng hoan nghênh song cũng đồng thời làm trầm trọng thêm các rủi ro, thổi bùng lên những xung đột sâu hơn với các nhà sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ nếu các đầu tư hậu thuẫn cho việc chiếm dụng đất quy mô lớn.

Trên thực tế, WB vốn chẳng xa lạ gì với các vụ bê bối về đất đai từ các dự án đầu tư của mình. Chỉ tính riêng năm 2008, đã có 21 đơn khiếu nại chính thức từ các cộng đồng bị ảnh hưởng do đầu tư của WB dẫn đến việc vi phạm quyền về đất đai, đẩy người dân đến chỗ mất sinh kế.

Từ nhận định đó, Oxfam đã kêu gọi WB hành động để chấm dứt tình trạng land-grabbing bằng cách đóng băng tạm thời 6 tháng các nguồn đầu tư liên quan đến chiếm dụng đất quy mô lớn để tạo điều kiện cho các tiến bộ quan trọng về quyền về đất đai, quản trị đất đai, minh bạch, tham vấn cộng đồng và an ninh lương thực.

Đồng thời, báo cáo cũng kêu gọi WB xem xét lại các đầu tư hiện tại của Nhóm Ngân hàng Thế giới có liên quan hoặc có thể gây ra tình trạng chiếm dụng đất, cam kết cải thiện các chính sách và hoạt động có liên quan dựa trên kết quả xem xét này.

Kinh tế toàn cầu theo dự đoán sẽ phát triển gấp 3 lần đến năm 2050, đi đôi với nhu cầu gia tăng về nguồn tài nguyên quý hiếm và đất đai. Khi đó đất đai, vốn đã bị đặt dưới áp lực của biến đổi khí hậu, nước ngầm suy kiệt, sẽ càng chịu sức ép hơn và mâu thuẫn trực tiếp với nhu cầu cần nhiều đất hơn để nuôi sống dân số toàn cầu đang gia tăng.

Điều này đòi hỏi những hành động khẩn cấp để ngăn chặn land-grabbing trước khi nó vượt quá xa khỏi tầm kiểm soát.