Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường: Nặng tính nghị quyết, chung chung, ít khả thi

ThienNhien.Net – Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bao gồm 19 chương và 160 điều, tăng thêm 04 chương và 24 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 19-9.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi không gian áp dụng của Luật, không chỉ trên “lãnh thổ” mà còn trên “thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế” của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; mở rộng khái niệm về môi trường; bổ sung thêm nguyên tắc coi bảo vệ môi trường là lĩnh vực được ưu tiên; làm rõ hơn một số nội dung bị nghiêm cấm trong bảo vệ môi trường.

Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), khác với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 giao Chính phủ quy định các dự án phải lập ĐTM, dự thảo Luật quy định cụ thể 03 nhóm dự án cần phải lập báo cáo ĐTM, gồm: (1) Nhóm dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (2) Nhóm dự án sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dữ trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh được xếp hạng; (3) Nhóm dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội do Chính phủ quy định.

Về bảo vệ môi trường trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, dự thảo bổ sung quy định mới về lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Đáng lưu ý, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc định kỳ quan trắc và đánh giá chất lượng nước và trầm tích của các lưu vực sông; vấn đề bảo vệ môi trường các lưu vực sông xuyên biên giới; việc xây dựng các cơ sở phát sinh chất thải vào các lưu vực sông phải xem xét tới khả năng chịu tải của các lưu vực sông. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo bảo vệ môi trường lưu vực sông; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong ban hành, hướng dẫn các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông; trong quan trắc, đánh giá môi trường các lưu vực sông liên tỉnh; bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường lưu vực sông nội tỉnh.

Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định về lập kế hoạch bảo vệ môi trường; áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi hoàn thành thực hiện các yêu cầu của báo cáo ĐTM hoặc đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ không thuộc nhóm phải lập ĐTM nhưng có phát sinh chất thải sản xuất.

Đặc biệt, đối với quản lý chất thải nguy hại, dự thảo Luật đã đưa ra 6 nguyên tắc trong quản lý; quy định bổ sung các điều kiện hành nghề xử lý chất thải nguy hại.

Liên quan đến nguồn lực về bảo vệ môi trường, dự thảo quy định: Ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường được bố trí từ nhiều nguồn chi khác nhau, bao gồm: sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, nguồn đầu tư phát triển bảo vệ môi trường công cộng, nguồn sự nghiệp khoa học và các nguồn chi hợp pháp khác. Tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường được sửa đổi theo hướng hỗ trợ thiết thực các hoạt động bảo vệ môi trường và theo định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, đây là một văn bản pháp luật đề cập đến rất nhiều lĩnh vực. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Nếu quy định thật đầy đủ thì có lẽ phải làm hẳn Bộ luật Môi trường”. Tuy nhiên, do “ôm” quá nhiều lĩnh vực nên dự luật có nhiều chương, điều “nặng tính nghị quyết, chung chung”, ít khả thi.

Ông Phan Trung Lý đề nghị, đối với một số lĩnh vực chỉ quy định trong luật này về mặt nguyên tắc, còn có thể xây dựng luật riêng (như về biến đổi khí hậu). Mặt khác – vẫn theo ông Lý – do “đụng” rất sát sườn với 14 – 15 luật khác, nên ban soạn thảo cần rà soát lại để có sự điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.