Ai kiểm soát dòng Mê Kông?

ThienNhien.Net – Hệ thống sông Mê Kông hiện vẫn giữ được phần lớn dòng chảy tự do và tiềm năng đáng kể cho việc phát triển thủy điện và thủy lợi. Tuy nhiên, việc phát triển các tiềm năng này sẽ mang lại hậu quả đối với nguồn tài nguyên tự nhiên của con sông và các cộng đồng sống phụ thuộc vào nó. Song rốt cuộc, ai mới là người có tiếng nói quyết định liên quan đến số phận của dòng sông? Bài viết dưới đây của Ts. Carl Middleton – giảng viên Chương trình nghiên cứu phát triển quốc tế, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan – sẽ dành để phân tích vấn đề này.

Năm 2011, thông qua MRC, bốn nước hạ lưu sông Mê Kông đã công bố báo cáo cho giai đoạn hai của Kế hoạch phát triển lưu vực sông. Được soạn thảo theo các nguyên tắc của quản lý tổng hợp tài nguyên nước, Kế hoạch đã này tổng hợp các quy hoạch sử dụng tài nguyên nước hiện tại cho mục đích cấp nước, tưới tiêu, thủy điện và phòng chống lũ lụt, đồng thời cân nhắc các ảnh hưởng theo các tiêu chí về kinh tế, môi trường và xã hội nhằm phác ra các kịch bản về phân bổ nguồn nước sau 20 đến 50 năm tới.

Mặc dù cũng thừa nhận những yếu tố chưa chắc chắn do thiếu thông tin và kiến thức, báo cáo vẫn có ý nghĩa quan trọng ở chỗ đã làm rõ hậu quả của các hình thức phát triển cơ sở hạ tầng từ quan điểm kinh tế, xã hội và môi trường. Chẳng hạn, theo một kịch bản thì đến năm 2030 nếu có 1,6 triệu ha được mở rộng cho mục đích tưới tiêu và nhu cầu cấp nước, cộng với việc có thêm 30 đập phụ lưu và không có đập dòng chính thì giá trị hiện tại ròng sẽ tăng 8 tỷ USD và sẽ có thêm 650.000 việc làm, song cái giá phải trả là giảm 10% sản lượng cá đánh bắt, ảnh hưởng tới 5 điểm nóng môi trường và gây tác động tiêu cực tới 1,4 triệu người dân.

Các viễn cảnh này đặt ra một câu hỏi, vậy trên thực tế ai kiểm soát dòng chảy? Nói cách khác, ai là người ra quyết định, vì lợi ích của ai, ai phải chịu rủi ro và quan trọng là tiếng nói của ai không được lắng nghe?

Chính phủ kiểm soát dòng chảy?

Dưới quan điểm về toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, nhà nước tuyên bố quyền quản lý tất cả các nguồn tài nguyên nằm trên lãnh thổ của mình. Khi quyết định các vấn đề liên quan đến nguồn nước cả trong biên giới của mình và cả trên lãnh thổ quốc gia láng giềng ở những dòng sông liên quốc gia, lẽ thường các quốc gia vẫn theo đuổi “lợi ích quốc gia”.

Vì lợi ích quốc gia liên quan tới hàng loạt các lợi ích chính trị và xã hội khác, các chính phủ sẽ phải cân nhắc đến các vấn đề an ninh truyền thống như toàn vẹn lãnh thổ cũng như an ninh phi truyền thống như an ninh kinh tế, lương thực và môi trường.

Tuy nhiên, ngay cả trong nội bộ một chính phủ, các bộ ban ngành có chức năng riêng trong quản lý nguồn nước cũng có những quan điểm đa dạng, thậm chí mâu thuẫn và cạnh tranh lẫn nhau về nguồn tài nguyên và mức độ ảnh hưởng – ví dụ giữa các bộ chịu trách nhiệm về thủy điện, bộ chịu trách nhiệm về thủy lợi và bộ chịu trách nhiệm về thủy sản.

Trong khu vực Mê Kông – với sự phát triển có thể dự liệu trước của các dự án thủy điện – có một điều đã được thừa nhận rộng rãi hiện nay là các quyết định được đưa ra bởi các bộ chịu trách nhiệm về năng lượng, bởi các công ty điện lực và cuối cùng bởi người tiêu dùng nguồn điện sẽ có ảnh hưởng chính yếu lên quản lý nguồn nước.

Các bộ năng lượng, với vai trò trung tâm trong cung cấp năng lượng cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa thì xét về mặt chính trị nói chung là có ảnh hưởng hơn các bộ chịu trách nhiệm quy hoạch tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, quá trình quy hoạch ngành điện và quy hoạch lưu vực sông hiện nay không được liên kết chặt chẽ khi mà quy hoạch ngành điện chỉ cân nhắc hời hợt các ảnh hưởng về mặt môi trường và xã hội của phát triển thủy điện khi đưa ra quyết định, đặc biệt là hậu quả của các tác động tích lũy trên một lưu vực sông.

Xét theo quan điểm rộng hơn về quản lý nguồn nước, quy hoạch lưu vực của các dự án thủy điện thiếu sự phối hợp; việc xây dựng và vận hành của các dự án chủ yếu được chi phối bởi nhu cầu điện năng của đô thị và các trung tâm công nghiệp hơn là những cân nhắc về sinh thái và phát triển bền vững lưu vực.

010813_AikiemsoatsongMk

Thị trường kiểm soát dòng chảy?

Khu vực Mê Kông đã chứng kiến một sự thay đổi trong sản xuất điện năng: từ chỗ các chính phủ chi phối việc sản xuất điện năng đến vai trò ngày càng tăng của khu vực tư nhân. Chẳng hạn, tại Lào, các công ty năng lượng và xây dựng cùng các nhà đầu tư tài chính chủ yếu từ Thái Lan , Việt Nam và Trung Quốc cạnh tranh để giành được các thỏa thuận nhượng quyền thủy điện từ chính phủ rồi sau đó bán điện ở trong nước hay sang các nước láng giềng Thái Lan hoặc Việt Nam.

Việc các công ty giành được quyền triển khai dự án cũng mang lại lợi ích cho các cổ đông. Ví dụ, sau thông báo của chính phủ Lào về lễ động thổ đập thủy điện Xayaburi, giá cổ phiếu của nhà phát triển dự án Ch. Karnchang đã tăng 5,7%, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2011. Nói cách khác, sự mong đợi của cổ đông đối với các dự án mới và có lợi nhuận là động cơ quan trọng đối với nhiều công ty xây dựng và năng lượng.

Tất nhiên là các chính phủ vẫn đứng đằng sau với các chính sách, quy định pháp luật hướng dẫn quy trình ra quyết định cho quy hoạch nguồn nước và năng lượng ở mỗi quốc gia, cũng như cho toàn khu vực đối với các dự án có tác động xuyên biên giới. Tuy nhiên, trong các quá trình ra quyết định còn nhiều điều chưa rõ ràng, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Các quốc gia thường cân nhắc “lợi ích quốc gia” song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô, vì vậy cũng có quan hệ đối tác gần gũi với các công ty xây dựng và năng lượng có ảnh hưởng trong việc định hình quy hoạch nước và năng lượng.

Như vậy, nhìn chung nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thị trường năng lượng quốc gia và khu vực thông qua các chính sách và quy định xác định quy tắc tiếp cận thị trường.

Thị trường điện là độc quyền về bản chất nên mặc dù có thể giả thiết rằng người tiêu dùng điện chi phối thị trường này thì trên thực tế, vì nhiều nguyên do họ có rất ít lựa chọn, đặc biệt là đối với người tiêu dùng cá nhân trong nước.

Người dân quản lý dòng chảy?

Trong số 60 triệu người sống trên hạ lưu sông Mê Kông, ước tính có 29,6 triệu người sống và lao động trong vòng 15 km cách con này và 2,1 triệu là các cộng đồng ven sông sống trong vòng 5 km quanh con sông. Các vùng đất ngập nước, thủy sản tự nhiên và các nguồn tài nguyên nước khác, bao gồm nước cho sinh hoạt và nông nghiệp thương mại, đặc biệt quan trọng đối với sinh kế của họ và đồng thời cũng có ảnh hưởng tới toàn bộ dân số của khu vực thông qua các thị trường từ địa phương đến khu vực và xa hơn nữa. Chính vì vậy, cũng không khó khăn gì để hiểu tại sao Mê Kông thường được gọi là “dòng sông của sự sống”.

Trên khu vực Mê Kông, hoạt động của xã hội dân sự là khác nhau giữa các quốc gia, phụ thuộc vào sự cho phép của không gian chính trị. Ở nhiều khu vực, người dân đã cố gắng tìm cách tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan tới nguồn nước và năng lượng, từ các kế hoạch sử dụng nước ở địa phương đến quá trình hoạch định khu vực với mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Trong khi cũng có những ví dụ thành công về sự tham gia của người dân trong quản trị nguồn nước, đặc biệt là ở Thái Lan với sự tham gia của người dân trong quy hoạch ngành điện, thì ở trường hợp các cơ sở hạ tầng lớn, sự tham gia mờ nhạt của công chúng đang che giấu những bất bình đẳng chính trị sâu sắc hơn trong quá trình ra quyết định về quy hoạch nguồn nước và năng lượng.

Chẳng hạn, kế hoạch xây dựng con đập trên dòng chính của sông Mê Kông đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của các tổ chức xã hội dân sự. Trong khi những người ủng hộ dự án, bao gồm nhà phát triển dự án, Bộ Năng lượng Thái Lan và Chính phủ Lào, đã khẳng định rằng dự án sẽ đảm bảo an ninh năng lượng của Thái Lan và góp phần phát triển kinh tế ở Lào thì các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khu vực, mạng lưới của các cộng đồng địa phương và các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các tác động môi trường và tổn thất về xã hội, văn hóa từ dự án, bao gồm cả an ninh lương thực và sinh kế. Tuy nhiên, dù không có một thỏa thuận khu vực rõ ràng hoặc sự đồng thuận khoa học về tác động của dự án, Dự án vẫn đã được triển khai.

Chia sẻ công bằng

Có rất nhiều nhân tố khác có tiếng nói trong việc kiểm soát dòng chảy, tuy nhiên bao giờ cũng có một số nhân tố có ảnh hưởng đáng kể hơn các nhân tố khác.

Lũ lụt theo mùa mang lại lợi ích quan trọng cho các cộng đồng ven sông và các nền kinh tế của cả khu vực, mặc dù thảm họa lũ lụt có thể mang lại những tổn thất và làm trầm trọng thêm đói nghèo. Rất nhiều người nghèo nhất khu vực sống phụ thuộc chủ yếu vào lũ và nguồn tài nguyên mà lũ mang lại. Đó là những người sẽ trải nghiệm trực tiếp sự mất mát nếu nhịp lũ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nó thay đổi do phát triển cơ sở hạ tầng, ngay cả khi thay đổi này có thể kích thích tăng trưởng kinh tế quốc gia và mang lại lợi ích cho nhiều người khác bao gồm nhà phát triển dự án, các cổ đông của họ, các nhà đầu tư tài chính, chính phủ và cả người sử dụng điện hoặc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm từ các chương trình tưới tiêu.

Các nhà phát triển dự án đang có xu hướng thực hiện các chương trình bồi thường và tạo sinh kế cho những người buộc phải tái định cư hoặc sống gần dự án với các mức độ thành công khác nhau. Tuy nhiên, những người gián tiếp bị ảnh hưởng, những người thường sống xa dự án và sẽ phải chịu sự suy thoái (chứ không phải sự tàn phá) nguồn tài nguyên thiên nhiên thì hiếm khi được thừa nhận và đền bù. Đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng cần khắc phục.

Rõ ràng rằng để quản lý nguồn nước một cách công bằng và bền vững thì cần tập trung hơn vào quản trị công bằng và bền vững nguồn năng lượng. Bởi vì quy hoạch năng lượng tác động lên cả xã hội, không chỉ đơn giản là vấn đề kỹ thuật phải đảm bảo an ninh năng lượng với hiệu quả kinh tế tối đa mà còn là vấn đề bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Cải cách quy hoạch năng lượng cần bao gồm việc cân nhắc sâu hơn đối với các lựa chọn tiết kiệm hơn là kinh doanh điện, cụ thể là vấn đề về hiệu quả năng lượng và quản lý nhu cầu điện năng.

Cuối cùng, việc đưa ra quyết định hợp lý và công bằng về vấn đề quan trọng này chỉ có thể được đảm bảo nếu tất cả các bên liên quan đều được quyền có một tiếng nói bình đẳng trong việc cân nhắc một cách thấu đáo hơn ý nghĩa của việc đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong lưu vực sông Mê Kông và vai trò mà dòng sông này nên nắm giữ.