“Lỗ hổng” ở các khu công nghiệp – Kỳ 2

Bài 2: Dân khốn khổ vì… ô nhiễm

ThienNhien.Net – Hải Phòng là một trong những thành phố có tốc độ phát triển các KCN hết sức mạnh mẽ. Tuy nhiên, do quá trình giám sát, cấp phép, đánh giá tác động môi trường cho các doanh nghiệp đầu tư hoạt động chưa chặt chẽ, dẫn đến các KCN trên địa bàn gây ra ô nhiêm nghiêm trọng đe dọa trực tiếp đến đời sống người dân xung quanh KCN. Nhìn những ống khói bốc lên nghi ngút và cống nước thải ra đen ngòm, không ít người gọi nhà máy công nghiệp bằng cái tên không mấy thiện cảm “cỗ máy hành dân”.

Liên tục mất mùa

Thời gian gần đây hàng trăm người dân thôn Đồng Xuân, xã Hồng Phong (An Dương, Hải Phòng) liên tục viết đơn kêu cứu lên các cấp chính quyền phản ánh các nhà máy trong KCN Tràng Duệ xả chất thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sản xuất của người dân.
Anh Cao Đức Quyết, Trưởng thôn Đồng Xuân cho biết: Toàn thôn có 133 hộ, 468 nhân khẩu, 90% bà con sống nhờ làm ruộng. Hai năm nay, nhà máy ở KCN Tràng Duệ gây ô nhiễm khiến người dân rất lo lắng và bức xúc. Đơn và những kiến nghị đã được gửi đi xong cho đến nay các nhà máy vẫn không ngừng xả thải.

Khu ruộng bỏ hoang của người dân thôn Đồng Xuân do quá ô nhiễm
Khu ruộng bỏ hoang của người dân thôn Đồng Xuân do quá ô nhiễm

Có mặt tại cánh đồng thôn Đồng Xuân, hàng chục hộ dân tận tình dẫn chúng tôi ra tận ruộng lúa bị chết ở đầu làng để kiểm chứng việc xả thải gây ô nhiễm của các nhà máy trong KCN không phải do họ bịa đặt.

Chỉ tay lên ông khói cạnh cách đồng thôn Đồng Xuân, ông Cao Đức Vững bức xúc: “Hơn hai năm qua, trừ ngày chủ nhật là công nhân nghỉ sản xuất, còn lại cả ngày lẫn đêm, hầu hết các hộ dân trong thôn ở đây đều phải “cửa đóng then cài” vì mùi khói sơn, khói keo dán gỗ vừa hắc, vừa khét rất khó chịu”.

Để bày tỏ hết bức xúc, bà Mai Thị Lành (58 tuổi) dẫn chúng tôi ra tận ruộng mục sở thị một miệng cống thoát nước sau tường rào nhà máy chế sơn nằm trong khu CN Tràng Duệ thì thấy nước có màu đen đục chảy ra từ đây. Bà Lành có hơn 2ha đất trồng lúa và hàng chục héc ta của hơn 30 hộ dân gần đó nằm kẹt giữa KCN.

KCN Tràng Duệ (An Dương, TP Hải Phòng có tổng diện tích trên 600 héc ta, được xây dựng theo mô hình quần thể kiến trúc hiện đại gồm: KCN – Khu đô thị – Khu vui chơi giải trí và dịch vụ. Tổng vốn đầu tư 78 triệu USD. KCN này đi vào hoạt động từ năm 2010. Đến cuối tháng 5/2013, tỷ lệ “lấp đầy” KCN mới đạt được 26%. Phần lớn diện tích đất trong KCN Tràng Duệ nằm trong tình trạng bỏ hoang.

 

Bà Lành cho hay: “Hai năm nay, ruộng nhà tôi không gieo cấy được do nước thải làm ô nhiễm nguồn nước tưới. Tiếc đất, tiếc ruộng, chúng tôi tận dụng trồng ít rau muống tía, loại rau được xem là khỏe, chịu được bùn lầy, nhưng cũng không sống nổi. Cực chẳng đã, các hộ dân đã hò nhau khuân đất về để bịt miệng cống nhưng không ăn thua gì, nước thải vẫn rò rỉ, ngấm ra ngoài đen bẩn hết đồng ruộng”.

Bà Đoàn Thị Hằng trong thôn cho hay: “Nhà tôi có 7 sào ruộng dọc đê sông Lạch Tray những năm gần đây cũng để cỏ dại mọc um tùm, cấy xuống không được thu hoạch do khói bụi và nước bị ô nhiễm”.

Theo UBND xã Hồng Phong, Vụ mùa năm 2011 và 2012, hàng chục hec ta đất trồng lúa của người dân thôn Đồng Xuân thất thu vì nước thải gây ô nhiễm nguồn nước tưới. Sau khi lập biên bản, lãnh đạo khu CN Tràng Duệ đã thừa nhận và hứa sẽ bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì!? Để bảo vệ sức khỏe và mùa màng cho dân, UBND xã cũng đã nhiều lần có văn bản gửi chủ dự án và các cấp về tình trạng ô nhiễm khói, bụi, nước thải, đề nghị có giải pháp khắc phục nhưng cũng không thấy hồi âm!?

Người dân Đồng Xuân bày tỏ bức xúc, lo lắng khi môi trường quá ô nhiễm
Người dân Đồng Xuân bày tỏ bức xúc, lo lắng khi môi trường quá ô nhiễm

“Không dám ăn đám cưới vì… ô nhiễm”

Ô nhiễm môi trường dẫn đến nhiều hệ lụy xấu là điều khó tránh khỏi, nhưng từ câu chuyện ô nhiễm khiến mùa màng thất thu, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng bởi câu chuyện lạ mà có thật, đang diễn ra ở một làng quê này. Đó là, do quá ô nhiễm nên mỗi khi có tiệc tùng, đám cưới họ chỉ đến mừng xong rồi về chứ không dám nán lại ăn cơm.

Lý giải về hiện tượng lạ lùng này, ông Cao Đức Vững trong thôn Đồng Xuân cho biết, khói bụi của nhà máy gỗ, nước thải nhà máy sơn ô nhiễm đã đành. Nhưng bãi rác thải của xã ngay cạnh khu dân cư chất ngày một cao mà không có biện pháp xử lý khiến mùi hôi thối lan tỏa ra toàn vùng, dân chúng tôi không thể chịu nổi.

Đến thôn Đồng Xuân, người dân lại chỉ chúng tôi đến nhà ông Đỗ Văn Bằng (54 tuổi), bởi nhà ông Bằng nằm đúng hướng gió của ống thải của nhà máy, vì thế mỗi ngày nhà máy hoạt động ông thường gom được 4-5 túi bụi mùn cưa. Không chỉ vậy ông Bằng còn dùng bẫy dích được hàng túi ruồi nhặng bay từ bãi rác vào nhà.

“Bụi bặm nhà từ nhà máy tôi dùng bạt che ngoài hiên còn đỡ, chứ ruồi, nhặng đúng là khó đối phó, mỗi khi thời tiết thay đổi ruồi bay vào nhà nhiều đến nỗi khi ăn cơm tôi phải mắc màn”, ông Bằng tâm sự.

Ông Bằng cho biết thêm: “Đối phó với ruồi, nhặng, muỗi gia đình tôi đã phun nhiều hóa chất nhưng chỉ được vài hôm đâu lại vào đấy”.
Chuyện dở khóc dở cười không chỉ có nhà ông Bằng, đặc biệt vào khoảng tháng 6 dương lịch vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn C, trong thôn tổ chức đám cưới cho con trai, sau nhiều ngày tính toán, ông chọn ngày cưới vào chủ nhật, một trong những lí do ông chọn ngày này vì muốn tránh khói bụi nhà máy KCN. Ông C có phần yên tâm khi: Đối phó với khói bụi cơ bản tạm ổn, để đối phó với ruồi, nhặng ông đã mua và phun nhiều hóa chất xung quanh vườn cách đó vài ngày để tránh bọn ruồi làm hỏng bữa ăn.

“Những tưởng khi bày mâm cỗ bà con họ hàng sẽ có bữa ngon lành, ai dè lúc đánh chén không hiểu sao chúng lại “tự tập” nhiều vô kể. Rất nhiều người trong đám sau khi mừng cưới xong đã xin phép ra về”- Ông C buồn rầu nhớ lại.

Được biết, không chỉ nhà ông Bằng, ông C khốn khổ vì ô nhiễm mà hầu hết các hộ trong thôn đều nằm trong tình cảnh tương tự.
Theo chỉ dẫn của người dân, men theo con đê chừng vài trăm mét là bãi chôn lấp rác của địa phương, bằng cảm quan chúng tôi nhận thấy, rác đổ dọc triền đê, cùng với mùi hôi thối khó chịu là ruồi nhặng đậu kín đen các bụi cây, lùm cỏ. Theo chính quyền sở tại cho biết, theo đúng quy trình và tiết kiệm chi phí, khi ô chứa rác được đổ đầy thì đơn vị mới tiến hành lấp đất. Điều đó đồng nghĩa với việc các hộ dân xung quanh còn phải hứng chịu ô nhiễm.

Theo quy định, tất cả các nhà máy hoạt động ở KCN phải trải qua khâu thẩm định đánh giá tác động của môi trường trước khi vào hoạt động. Không hiểu vì lý do gì mà các công ty gây ô nhiễm nghiêm trọng vẫn hoạt động bình thường mà không hề bị cơ quan chuyên trách xử lý.

Để giảm thiểu ô nhiễm khói bụi và nước thải, các cơ quan chuyên trách cần sơm vào cuộc và có biện pháp cải thiện môi trường để người dân thôn Đồng Xuân sớm ổn định cuộc sống…

Thời gian gần đây trên địa bàn Hải Phòng, Hải Dương, xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng người dân tụ tập đông người vây các  nhà máy gây ô nhiễm. Điển hình sự việc xảy ra cuối tháng 6, đầu tháng 7/2013 vừa qua, hàng trăm dân thôn Châu Xá (xã Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương) tục trực phong toả đường vào nhà máy sản xuất hoá chất Pro Niken ở Hải Dương làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe bà con nông dân. Vụ việc diễn biến ngày càng phức tạp,bất ổn, lãnh đạo huyện Kinh Môn vào cuộc thì phát hiện nhà máy trên với hàng loạt sai phạm như: Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; DN không có quyết định giao, cho thuê đất, chủ đầu tư không có quyết định chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh Hải Dương; không có đánh giá tác động môi trường…

(còn nữa)