Tác động đập dòng nhánh có thể lớn hơn dòng chính Mê Kông?

ThienNhien.Net – Bên cạnh 11 đập thủy điện lớn được đề xuất xây dựng trên dòng chính Mê Kông, người ta còn biết tới 41 con đập đang được xây trên các dòng nhánh với thời gian hoàn thành dự kiến trong vòng 4 năm tới cùng 10 – 37 đập thủy điện khác có thể được triển khai trên dòng nhánh trong giai đoạn từ 2015 – 2030. Tuy nhiên, trái với quan điểm thông thường về tác động của đập dòng chính, một nghiên cứu mới đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) lại chỉ ra rằng, tác động tiêu cực mà những con đập dòng nhánh Mê Kông gây ra đối với đa dạng sinh học của các loài cá cũng như vấn đề an ninh lương thực còn có thể lớn hơn cả đập dòng chính.

“Lâu nay, việc phát triển thủy điện trên các dòng nhánh Mê Kông thường không phải chịu sự giám sát gắt gao như những “người anh em” được đề xuất xây trên dòng chính bởi hầu hết mọi sự chú ý đều tập trung vào những con đập lớn, điển hình là câu chuyện về đập Xayaburi tại Lào. Theo đó, tác động của những con đập dòng nhánh cũng rất ít khi được nghiên cứu” – nhà khoa học môi trường Guy Ziv thuộc Đại học Stanford (Hoa Kỳ), tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Những đập trên dòng nhánh Mê Kông có thể gây hại nhiều hơn cho sự đa dạng sinh học của các loài cá so với đập dòng chính (Ảnh: PNAS)

Dựa trên những phân tích từ việc sử dụng mô hình di cư của cá, Guy Ziv và các cộng sự đi tới khẳng định, nếu đồng loạt xây dựng tất cả các con đập đã được đề xuất thì sẽ làm giảm 51% sản lượng cá ở Mê Kông và đe dọa sự sống của 100 loài cá di cư tại khu vực này.

Đặc biệt, khi tập trung đánh giá tác động của 27 đập dòng nhánh mà số phận của chúng hiện nay vẫn chưa được quyết định, nhóm đã đưa ra kết luận đầy kinh ngạc khi cho rằng mức độ suy giảm đa dạng sinh học các loài cá cũng như những tổn thất trong sản xuất mà 27 con đập gây ra còn lớn hơn cả tác động của những con đập được đề xuất xây trên dòng chính thuộc hạ lưu vực.

“Chúng ta sẽ không thấy có khác biệt gì lớn nếu tính riêng lẻ từng con đập, nhưng gộp chung cả 27 đập lại thì tác động mà chúng gây ra sẽ vô cùng thảm khốc” – Guy Ziv nhận định.

Vì sao lại khẳng định như vậy? Ông giải thích: Vì đơn giản khi tính đếm tác động, ta không chỉ căn cứ vào những đoạn sông có đập ngăn trở đường di cư của cá mà còn phải xác định sẵn trong số 27 điểm xây đập sẽ có nhiều điểm được coi là hành lang cá quan trọng của cả lưu vực, như hệ thống sông 3S ở Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và miền Trung Việt Nam chẳng hạn.

Hệ thống sông 3S vốn bao gồm ba chi lưu lớn của dòng Mê Kông là các sông Sê San, Sê Kông, Srê Pôk. Và chỉ cần tiến hành duy nhất dự án xây đập thủy điện Hạ Se San 2 ở Campuchia là đã có thể làm giảm 9,3% sinh khối cá toàn lưu vực.

Được biết, ngoài việc sử dụng mô hình di cư của cá, nhóm nghiên cứu còn tạo ra một “ma trận đơn giản” giúp quyết định nên xây đập nào trên dòng Mê Kông. Công cụ này sẽ ước tính sự suy giảm sản lượng cá theo từng cấp độ phát điện khác nhau của mỗi con đập, đồng thời phân loại đập theo khả năng đánh đổi của chúng.

Tuy mới là bước khởi đầu, chưa đánh giá được toàn diện tác động tiềm tàng của các đập dòng nhánh đối với vấn đề môi trường và kinh tế lưu vực, song kết quả nghiên cứu cũng đã phần nào hé lộ “lỗ hổng” trong Hiệp định Mê Kông 1995 – không yêu cầu các nước thành viên triển khai tham vấn đối với các dự án phát triển trên dòng nhánh – và đòi hỏi cần có sự thay đổi về mặt chính sách. Đã đến lúc Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ tiến trình phát triển thủy điện trên cả vùng lưu vực nhằm mục đích cuối cùng là hướng tới một thập kỷ Mê Kông xanh và bền vững.