Thái Lan không cần điện từ Xayaburi

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới công bố ngày 03/12 đã khẳng định Thái lan có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai của đất nước mà không cần tới nguồn điện từ các con đập gây tác động môi trường như thủy điện Xayaburi.

Bản Quy hoạch Phát triển Năng lượng Thay thế do các chuyên gia năng lượng của Thái Lan thực hiện dựa trên việc phân tích bản Quy hoạch Phát triển Năng lượng hiện tại (PDP 2010) và xu hướng tiêu dùng năng lượng trong lịch sử của Thái Lan. Kết quả nghiên cứu khẳng định Thái Lan không cần bất cứ nguồn điện nhập khẩu nào, và cũng không cần tới nguồn đầu tư bổ sung từ năng lượng than đá và nguyên tử.

Các tác giả của nghiên cứu trên cho biết PDP hiện tại của Thái Lan không liên kết với các xu hướng về nhu cầu điện trong lịch sử và do đó đã phát triển quá nhiều nhà máy điện một cách bất hợp lý.

Nghiên cứu cho thấy dự báo nhu cầu năng lượng trong 20 năm tới đã bị vượt tới 13.200 MW điện, tương đương với nguồn năng lượng từ 10 con đập cỡ Xayaburi.

Chính vì thế, nghiên cứu kết luận rằng Thái Lan không cần tới nguồn năng lượng từ đập Xayaburi trên sông Mê Kông để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai của đất nước và rằng, đầu tư vào nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo và đồng phát (co-generation)* có thể giảm mức phí cho người tiêu dùng điện tới 12% vào năm 2030 và bớt được khoản đầu tư 67 tỷ USD.

Khu vực dự kiến xây đập Xayaburi (Ảnh: ThienNhien.Net)

Nhìn vào xu hướng sử dụng điện trong 25 năm qua, các tác giả báo cáo cũng đưa ra một dự báo nhu cầu thực tế hơn tới năm 2030. Họ nhận thấy rằng hơn 20 năm qua dự báo nhu cầu điện năng chính thức của Chính phủ Thái luôn luôn vượt quá nhu cầu năng lượng thực tế, gây ra khoản đầu tư lãng phí và khiến người tiêu dùng điện phải trả tiền cao hơn.

“Nghiên cứu này cho thấy chính phủ Thái đã đi ngược lại lợi ích của người tiêu dùng điện Thái Lan trong thỏa thuận nhập khẩu điện với chính phủ Lào. Điện từ đập Xayaburi không chỉ không cần thiết cho nhu cầu điện tương lai mà còn đắt hơn các nguồn năng lượng thay thế. Thái Lan rất cần một tương lai năng lượng thông minh. Chính phủ Thái vì vậy nên hủy bỏ ngay lập tức cam kết mua điện từ Xayaburi và các con đập dòng chính Mê Kông khác và nên áp dụng một quy trình minh bạch và dân chủ để xác định nhu cầu năng lượng tương lai”, Pianporn Deetes thuộc Tổ chức sông ngòi Quốc tế nhận định.

Sau khi giảm mức dự báo nhu cầu, các tác giả của nghiên cứu trên nhận thấy rằng ngành năng lượng cần thêm 14. 387MW năng lượng nữa tới năm 2030 để duy trì 15% lượng dự trữ. Và để đạt được con số này Thái Lan có thể triển khai các dự án năng lượng tái tạo và đồng phát, các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm và bằng cách kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hiện tại.

“Quy trình lập quy hoạch năng lượng của Thái Lan hiện tại có nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng. Tiếp cận hợp lý hơn đối với việc dự báo nhu cầu tương lai, kết hợp với đầu tư vào các lựa chọn năng lượng sạch và rẻ hơn không chỉ khiến hóa đơn điện của người tiêu dùng rẻ hơn mà còn giảm khí thải nhà kính của Thái Lan và các chất gây ô nhiễm khác. Thái Lan không cần đến các dự án tác động môi trường như các đập dòng chính Mê Kông, than đá và điện hạt nhân” – Một tác giả của nghiên cứu, bà Chuenchom Sangarasri Greacen khẳng định.

Chưa hết, kết quả nghiên cứu còn cho thấy PDP thay thế có thể giúp giảm lượng phát thải CO2 tính theo đầu người của Thái Lan 7,7% vào năm 2030 so với mức tăng 75% theo PDP 2010.


*Đồng phát (còn gọi là điện nhiệt kết hợp) là việc sử dụng động cơ nhiệt hoặc máy điện đồng thời tạo ra cả điện và nhiệt hữu ích. (Theo Wikipedia)