Các khu bảo tồn không gây nên đói nghèo

ThienNhien.Net – Nghiên cứu kéo dài cả thập kỉ của Vườn quốc gia Kibale thuộc Uganda mới đây đã bác lại quan điểm cho rằng các vườn quốc gia và các khu bảo tồn chính là căn nguyên gây nên tình trạng đói nghèo dọc các vùng tiếp giáp.

“Sẽ dễ gây hiểu lầm nếu bạn chứng kiến nhiều người nghèo sống cạnh vườn quốc gia, nhưng khi bạn xét đến sự thay đổi trong tổng tài sản của họ, bạn sẽ thấy những người nghèo sống cạnh vườn quốc gia bị mất mát ít hơn so với những người nghèo sống cách xa đó”, Jennifer Alix-Garcia, Phó Giáo sư Kinh tế Nông nghiệp và Ứng dụng tại Trường Đại học Wisconsin (Hoa Kỳ), đồng tác giả nghiên cứu lý giải.

“Rõ ràng vườn quốc gia đã mang lại nguồn bảo hiểm cho cuộc sống của người dân, họ có thể khai thác lâm sản ngoài gỗ, bán củi, bán lá tranh, vốn là những thứ được lấy từ vườn”, Jennifer Alix-Garcia cho biết thêm.

Một trong những loài tinh tinh ở Vườn quốc gia Kibale, Uganda (Ảnh: guideforafrica.com)

Trái với nhận định nêu trên, các nhà phê bình từ trước đó đã đưa ra cáo buộc cho rằng vườn quốc gia làm trầm trọng hơn tình trạng đói nghèo bằng cách cắt đứt mọi nhu cầu tiếp cận cần thiết đối với đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, Vườn quốc gia Kibale cấm mọi hình thức săn bắn, khai thác gỗ, sản xuất than củi, và cả canh tác nông nghiệp trong phạm vi ranh giới.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Vườn quốc gia Kibale được thực hiện trong 10 năm (1996 – 2006) trên 252 hộ gia đình sống gần Kibale đã không tìm thấy bằng chứng cho thấy Vườn đã tạo ra cái bẫy nghèo đói. Ngược lại, sau 10 năm, mức sống của những người Uganda cư trú cạnh Vườn còn thịnh vượng hơn. Tính đến năm 2006, các hộ gia đình đã gây dựng được những ngôi nhà khang trang với vật liệu lợp mái tốt hơn, có nhiều vật nuôi hơn, thu được nhiều hoa lợi, được dùng nước sạch, và còn thuê được cả nhân công.

Đặc biệt, nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa vị trí cư trú của các hộ gia đình với khả năng gây ra nghèo đói và quyết định từ bỏ ruộng đất của họ. Theo đó, khoảng cách xa từ Vườn quốc gia Kibale làm tăng khả năng từ bỏ trang trại lên 13%, đặc biệt là những khu đất nhỏ nằm cạnh những khu rừng công bị suy thoái hoặc bị tàn phá nghiêm trọng. Khoảng cách từ Vườn cũng có mối tương quan nghịch với xu hướng các hộ gia đình rơi vào đói nghèo, do đó, không có lý nào lại khẳng định vườn quốc gia là nguyên nhân gây nên nghèo đói. Thậm chí, chính khả năng khai thác nguồn sinh kế từ vườn quốc gia đã góp phần cản trở sự nghèo đói cho các gia đình.

Dù vậy, nghiên cứu cũng thừa nhận, hiện vẫn còn 10% gia đình ở vào tình trạng nghèo đói sâu và bị buộc phải chuyển dời khỏi mảnh đất của họ. Nguyên nhân của thực trạng này có thể là do sự thiếu công bằng trong việc tiếp cận tới các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tín dụng. Bằng chứng hữu hình là tình trạng bất bình đẳng tại khu vực được khảo sát có dấu hiệu tăng nhanh, thể hiện bằng hệ số Gini – thước đo tiêu chuẩn của sự bất bình đẳng– tăng tới 9,5%, từ 0,42 năm 1996 lên 0,46 năm 2006.

Theo nhóm nghiên cứu, người nghèo thường sống dựa vào các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ trong các khu bảo tồn, vườn quốc gia; do đó, cuộc sống của họ đặc biệt bị tổn thương nếu nạn phá rừng thêm tàn khốc. Vì chỉ có thể khai thác hợp pháp cá, mật ong, và lá tranh nên 74% số người được hỏi đã thừa nhận, chính việc khai thác lâm sản ngoài gỗ bất hợp pháp từ vườn quốc gia đã giúp họ tránh được tình trạng phải bán đất trong thời điểm khó khăn.

Nghiên cứu cho rằng, việc cho phép tiếp cận hạn chế nguồn lâm sản ngoài gỗ của vườn là một hướng đi đúng và sẽ giúp người nghèo chống lại nghèo đói, mặc dù nó không phải là giải pháp hữu hiệu giải quyết nạn đói nghèo trong phạm vi tổng thể cũng như mức độ đói nghèo ở vùng nông thôn.

“Nếu bạn quan tâm tới phúc lợi của những người sống xung quanh vườn quốc gia thì bạn không nên giả định rằng các khu vực này đã giam họ trong nghèo đói”.  – Lisa Naughton, Giáo sư địa lý Trường Đại học Wisconsin-Madison, một trong những tác giả thuộc nhóm nghiên cứu khẳng định.

Các vườn quốc gia và khu bảo tồn không có lỗi trong sự đói nghèo của người dân sống lân cận, trong khi có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng này, như đất đai ngày càng khan hiếm, các khu rừng bị chặt phá, suy thoái và bị tư nhân hóa… Đó chính là kết luận và thông điệp mà các tác giả của báo cáo nói trên muốn truyền đạt.

Vườn quốc gia Kibale nằm ở phía tây Uganda. Vườn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các cánh rừng ở Đông Phi và là nơi trú ẩn của nhiều loài động vật quý, đặc biệt phía nam của Vườn kết nối với Vườn quốc gia Queen Elizabeth, cung cấp hành lang di cư dài 180 km cho các loài động vật hoang dã.Kibale cung cấp nơi trú ẩn cho một số loài dễ tổn thương. Theo nghiên cứu, số lượng loài khỉ colobus đen-trắng quý hiếm (Colobus guereza) trong khu vực rừng bên ngoài Vườn quốc gia đã giảm từ 81 xuống còn 21 cá thể, loài khỉ colobus đỏ (Procolobus rufomitratus) cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì chỉ còn lại 16 cá thể so với 126 cá thể từ hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, ở bên trong Vườn Kibale thì số lượng các loài vẫn giữ ở mức an toàn, trong khi số lượng khỉ colobus đen-trắng tiếp tục tăng nhẹ thì số lượng loài khỉ colobus đỏ cũng được đảm bảo ổn định.Không chỉ là môi trường sống quan trọng đối với các loài khỉ colobus, Kibale còn là ngôi nhà của 13 loài động vật linh trưởng, trong đó riêng quần thể tinh tinh đã lên đến cả nghìn con. Bên cạnh đó, Vườn cũng là môi trường sống quan trọng của các quần thể báo, trâu châu Phi, lợn hoang Nam Phi, rắn sừng, và voi, những loài thường di chuyển giữa Kibale và Vườn quốc gia Queen Elizabeth.