Sóng thần trên dòng Mê Kông?

ThienNhien.Net – Thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản với hệ quả là sự cố nghiêm trọng ở lò phản ứng hạt nhân Fukushima đã chứng tỏ rằng, các tác động tiêu cực từ thảm họa tự nhiên do hoạt động địa chấn của vỏ trái đất đang bị chính các công trình mà con người xây dựng làm cho trầm trọng hơn. Thảm họa ở Nhật bản đồng thời cũng như một hồi chuông cảnh báo đối với các dự án đập thủy điện, vốn được lịch sử ghi nhận là một trong những nguyên nhân gây ra các chấn động địa chất. Trong bối cảnh đó, chuỗi đập thủy điện trên dòng Mê Kông không khỏi khiến người ta lo lắng về nguy cơ động đất mà chúng có thể mang lại.

Toàn cảnh dòng Mê Kông tại vùng Tam giác Vàng, tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan. Ảnh: Bangkokpost.com

Nguy cơ địa chấn từ các con đập thủy điện…

Lưu vực Mê Kông dường như không có mối liên hệ trực tiếp nào với những gì mới xảy ra ở Nhật Bản, song đây cũng có thể là một địa điểm tiềm ẩn nguy cơ thảm họa tự nhiên, nếu các biện pháp phòng ngừa thích hợp không sớm được đưa ra.

Bởi lẽ, một số đập thủy điện đã được xây dựng ở thượng nguồn dòng chính của sông tại tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, trong khi một vài con đập khác đang được xây dựng hoặc đã được lên kế hoạch, tạo thành bậc thang các hồ chứa thủy điện dọc khắp chiều dài con sông.

Các nước ven sông hạ lưu Mê Kông, mặc dù về mặt nguyên tắc bị ràng buộc pháp lý nhiều hơn với tư cách là thành viên của Ủy hội sông Mê Kông, song cũng đã lên kế hoạch xây dựng các con đập trên dòng chính con sông.

Dự án thủy điện Xayaburi ở Bắc Lào là con đập đầu tiên được đề xuất xây dựng hiện đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu, các tổ chức dân sự, đặc biệt là ở Thái Lan, với lời kêu gọi nghiên cứu cẩn trọng để loại bỏ hoàn toàn các tác động tiềm ẩn về xã hội và môi trường.

Tương tự như vậy, một loạt các đập nước đã hoặc đang được xây dựng thêm ở thượng lưu  của con sông trên lãnh thổ Trung Quốc cũng là một hồi chuông cảnh báo nguy cơ địa chấn trên lưu vực Mê Kông.

Về mặt địa chất, Vân Nam nằm trong một khu vực rất dễ xảy ra địa chấn, với nhiều trận động đất xảy ra hàng năm. Một trong những cơn địa trấn đáng chú ý nhất gần đây là trận động đất có cường độ 5,8 độ richter xảy ra ngày 10/03/2011, gây ra nhiều tổn thất về người và của.

Ngày 23/2/2011, một cơn địa chấn có cường độ 4,6 cũng đã đi qua khu vực Xayaburi của Lào, nơi con đập đầu tiên trên hạ nguồn dòng chính Mê Kông được dự kiến xây dựng, gây ra một số thiệt hại về cơ sở hạ tầng, thậm chí ở cả một số tỉnh của nước láng giềng Thái Lan.

Gần đây nhất, các số liệu về tác động của trận động đất ngày 24/3 tấn công miền bắc Myanmar và có thể cảm nhận được ở khắp miền bắc Thái Lan và Lào, vẫn đang được thu thập.

… chưa được đánh giá đúng mức

Cho đến nay tác động của động đất đến các con đập và ảnh hưởng của các hồ chứa lên địa chất vẫn khá chìm lắng trong các phân tích và nghiên cứu đánh giá tác động tổng thể của các công trình đập nước.

Ngay cả bản Đánh giá Môi trường Chiến lược về thủy điện dòng chính Mê Kông (SEA) do MRC ủy thác thực hiện mới đây cũng không đề cập đến khía cạnh địa chất/địa chấn với các rủi ro tiềm ẩn và các hậu quả đi kèm của nó.

Xác suất xảy ra một trận động đất mạnh tấn công một trong số các đập thủy điện lớn, đặc biệt nằm ở phần thượng lưu của dòng Mê Kông, khiến cho nó bị sụp đổ là nhỏ. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, khối lượng nước khổng lồ giữ lại phía sau con đập sẽ ồ ạt đổ xuống, tạo ra một cơn lũ lớn trên dòng sông. Các con đập khác nằm ở các bậc thang thủy điện phía dưới có thể sẽ bị vỡ vì không chịu được cơn lũ này, tiếp tục tăng lượng nước xả xuống hạ nguồn. Trong trường hợp xấu nhất, thảm họa này có thể tạo ra hiệu ứng sóng thần dạng domino cho vùng hạ lưu. Một kịch bản như vậy có thể mang lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho các cộng đồng nằm trên đường tàn phá của cơn “đại hồng thủy” trên sông Mê Kông.

Trên thực tế, lịch sử từng ghi nhận những trận động đất mà thủ phạm là các hồ chứa, do trọng lượng của khối lượng lớn nước bị giữ lại phía sau đập tạo thêm áp lực lên các lớp địa chất phía dưới, tạo chấn động tại khu vực lân cận.

Chính vì vậy, nghiên cứu về cách thức tương tác giữa các địa chấn tự nhiên với các địa chấn do hồ chứa gây ra là hết sức cần thiết để đưa ra các cảnh báo sớm.

Phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ trước khi quá muộn

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phòng chống động đất ở các khu vực đập trên sông Mê Kông – cả với những con đập đang được xây dựng cũng như những con đập đã được lên kế hoạch, và đâu là tiêu chuẩn thiết kế chống động đất được áp dụng cho các dự án này?

Như đã đề cập ở trên, khả năng xảy ra động đất ở Mê Kông là khá nhỏ. Tuy nhiên, các chấn động trên vỏ trái đất trên toàn cầu gần đây với những hậu quả kinh hoàng mà nó để lại đã cho thấy rằng các dự đoán về những hiện tượng như vậy rất có thể sai lầm. Tóm lại, thật trớ trêu là hiện chỉ có duy nhất một điều chắc chắn là sự… không chắc chắn. Vì vậy, cần đặc biệt thận trọng để lường trước những sai sót từ các cảnh báo.

Ý tưởng này không có nghĩa là phải hủy bỏ hoàn toàn các dự án đập. Tuy nhiên, bất kỳ quyết định xây dựng nào cũng phải được đưa ra sau khi đã phân tích kỹ càng tất cả các lựa chọn khả thi, đánh giá cẩn trọng các điều kiện xung quanh vị trí đập, bao gồm cả các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ; đồng thời bảo đảm rằng các biện pháp bảo vệ thích hợp được lồng ghép trong xây dựng, thiết kế và cải tạo công trình.

Sau trận động đất nghiêm trọng 8 độ Richter xảy ra ngày 12/5/2008 tại tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc, một số chuyên gia Trung Quốc và các nhà hoạt động môi trường đã đệ trình tới chính phủ Trung Quốc một thỉnh nguyện thư, đề nghị chính phủ đánh giá lại độ an toàn của các dự án đập quy mô lớn, đặc biệt là ở khu vực hoạt động địa chấn tích cực như Tứ Xuyên và Vân Nam, đồng thời công bố kết quả nghiên cứu cho công chúng.

Đặc biệt, sau trận động đất mới đây ở Vân Nam, một thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã đề nghị chính phủ lưu ý tới điều kiện địa chất và địa chấn phức tạp ở một số khu vực của Trung Quốc và cẩn trọng khi đưa ra các quyết định liên quan đến phát triển thủy điện tại đó.

Thêm nữa, sự hợp tác giữa các bên liên quan trong một quốc gia ven sông cũng như giữa các quốc gia cùng lưu vực về chia sẻ thông tin và kinh nghiệm là vô cùng quan trọng. Các cuộc thảo luận mở với sự tham gia rộng rãi của công chúng về các nguy cơ tiềm ẩn và lợi ích của các dự án hạ tầng tại các vùng địa chất thiếu ổn định cũng cần được quan tâm xúc tiến.

Ngoài ra, các kế hoạch dự phòng và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ cũng phải được tính đến. Theo đó, các hệ thống cảnh báo khẩn cấp cùng với các cuộc diễn tập sơ tán định kỳ phải được triển khai với cả các nhà vận hành đập và với những người dân có thể bị ảnh hưởng. Hoạt động này cần thực hiện thường xuyên như hoạt động diễn tập sơ tán vùng ven biển, diễn tập phòng cháy trong các tòa nhà và trình diễn thao tác an toàn cho mỗi chuyến bay.

Các hệ thống bảo vệ được đưa ra phải có hiệu quả về chi phí, có khả năng đối phó với  nhiều nguy cơ bao gồm cả sóng thần, lũ lụt, các hoạt động địa chấn tự nhiên hoặc địa chấn từ hệ quả của các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, trên tất cả, điều đáng lo ngại là cuộc sống, sinh kế, tài sản của khoảng 60 triệu người ở lưu vực sông Mê Kông đang bị đe dọa vì chính các dự án phát triển thủy điện.