Chung sức vì dòng Mê Kông

ThienNhien.Net – Ngày 01/12/2009 vừa qua, ngày cuối cùng Uỷ Ban Sông Mê Kông (MRC) kêu gọi ý kiến cộng đồng cho Đánh giá Môi trường Chiến lược của các con đập trên dòng chính Mê Kông, Liên minh Bảo vệ Sông Mê Kông đã gửi một bức thư tới những người đứng đầu Uỷ ban Mê Kông Quốc gia (NMC) của Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình tư vấn ở cấp quốc gia và địa phương về những lựa chọn phát triển cho dòng sông này.


Những hướng phát triển phải đảm bảo có sự tham gia của tất cả người dân sống ven sông, những người sẽ chịu ảnh hưởng nhất khi mà 11 con đập đang đề xuất xây dựng ở Lào, Campuchia và Thái Lan trên dòng chính của Sông Mê Kông được triển khai.

Bức thư cũng được gửi đến Ban thư ký MRC và các nhà tài trợ. Trong bức thư gửi chủ tịch Ủy ban Mê Kông quốc gia có kèm theo Lời kêu gọi “Cứu sông Mê kông” với 23.110 chữ kí của các cộng đồng dân cư sống trên lưu vực sông Mekong và khắp thế giới, được tập hợp từ tháng 3 năm 2009.

Lời kêu gọi “Cứu sông Mê kông” này cũng đã được gửi thư tới thủ tướng Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam vào ngày 19/10/2009, trong đó đề nghị thủ tướng các nước và các nhà tài trợ quốc tế lắng nghe ý kiến của người dân khu vực sông Mekong trong việc gìn giữ dòng chảy bình yên của dòng sông, đồng thời cũng cân nhắc những giải pháp khác ngoài đập thủy điện để đáp ứng nhu cầu về điện năng của khu vực một cách bền vững, tránh những tác động và tranh chấp xuyên biên giới.

Bức thư của Liên minh Cứu sông Mê Kông có đoạn: “Các con đập trên dòng chảy chính của sông Mê Kông có những tác động xã hội, môi trường, phá vỡ an ninh lương thực của khu vực và nền kinh tế, đồng thời đẩy lùi những nỗ lực đang triển khai để xóa đói giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ”.

“Chúng tôi cho rằng Uỷ ban Mê Kông Quốc gia của các nước cần khẩn trương thúc đẩy quá trình tư vấn mạnh mẽ và đáng tin cậy ở cả cấp quốc gia và địa phương về những lựa chọn phát triển cho con sông này, đồng thời đảm bảo sự tham gia của cộng đồng dân cư ở ven sông, những người sẽ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ dự án nào.”
– Liên minh Cứu sông Mê Kông –

 Bên cạnh đó, bức thư gửi tới NMC cũng nhấn mạnh việc thiếu các hành động mạnh mẽ ở cấp quốc gia và địa phương, gây trở ngại đối với công tác đánh giá môi trường chiến lược của MRC, vì thế: “Ban thư kí MRC đã không lắng nghe và đã đáp ứng những yêu cầu từ phía người dân và vẫn đánh giá về những con đập ngăn dòng chảy của sông Mê Kông một cách thiếu thực tế”.

Bức thư kiến nghị các chủ tịch của NMC, cũng như các thành viên cấp bộ của MRC lưu ý tới 23.110 chữ kí thể hiện nguyện vọng và những yêu cầu khác của người dân trong các động thái của mỗi chính phủ và MRC.

Liên minh Cứu Sông Mê kông cũng yêu cầu NMC và MRC đóng vai trò như chất xúc tác chính trong việc yêu cầu công bố tất cả các báo cáo của MRC về các con đập trên sông Mê kông do MRC và các nhà phát triển dự án thực hiện.

Cuối cùng, bức thư yêu cầu các NMC tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tham gia thảo luận chung giữa các cộng đồng dân cư ven sông của mỗi quốc gia về việc phát triển sông Mê kông và dự án xây dựng các con đập.

Cho tới nay, những báo cáo của MRC về dự án xây dựng con đập Don Sahong trên dòng chảy chính của sông Mê kông ở miền Nam nước Lào đang ở giai đoạn phát triển nhất song vẫn chưa được công bố dù đã được yêu cầu từ 2 năm trước. Cơ quan phát triển dự án của Malaysia, Mega First Corporation Berhad, cũng chưa công bố bất cứ văn bản dự án nào.

Liên minh Cứu sông Mê Kông là một mạng lưới bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các nhóm cộng đồng, các học giả, nhà báo, văn nghệ sĩ, ngư dân, nông dân, người dân của các nước trên lưu vực sông Mê Kông và trên thế giới có chung mối quan ngại về các hoạt động phát triển thủy điện trên dòng sông Mê Kông và chung mối quan tâm vì sự phát triển bền vững của dòng sông này.