Hà Nội: vẫn loay hoay xử lý nước thải

Hà Nội đang hô hào chỉnh trang đô thị nhưng nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện vẫn vô tư xả thẳng vào hệ thống sông, mương.

Trên 90% không qua xử lý

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong số 500.000m3 nước thải/ngày đêm thì có tới 100.000m3 nước thải thuộc các cơ sở công nghiệp, bệnh viện được thải qua hệ thống cống và tiêu thoát xuống bốn con sông của TP là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu.

Bà Nguyễn Thị Phương, nhà cạnh mương Thái Hà (Q.Đống Đa), than phiền: “người dân quanh khu vực này đã quá quen với cảnh đủ mùi hôi thối bốc lên từ hệ thống thoát nước chung của TP. Bây giờ nước có đen thêm hay thối hơn thì người dân cũng chẳng còn sức mà kêu nữa”.

Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải đang rất bức thiết. Khi báo cáo Thành ủy về công tác thoát nước, ông Dục cảnh báo nguồn nước thải qua xử lý chiếm một tỉ lệ quá khiêm tốn, chỉ 5-7% và không thấm vào đâu so với lượng nước các đơn vị thải ra mỗi ngày, khiến các sông, mương ô nhiễm rất nặng nề. Hơn 90% lượng nước thải còn lại đều chưa qua xử lý.

Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội cho biết theo kết quả quan trắc phân tích cho thấy hiện bốn con sông trên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các chỉ tiêu ô nhiễm như BOD5, COD, NO3, dầu mỏ luôn vượt tiêu chuẩn cho phép.

Theo đánh giá của TP, trong số gần 400 nhà máy xí nghiệp, hơn 15.000 cơ sở sản xuất tư nhân mới chỉ có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp, 39 cơ sở dịch vụ có trạm xử lý nước thải. Đặc biệt, chỉ có 6/42 bệnh viện lớn đầu tư hệ thống xử lý nước thải, còn lại thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của TP.

Còn quá nhiều khó khăn

UBND TP Hà Nội cho biết, hiện lượng nước thải của các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn mới chỉ chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, tình trạng xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn lại quá thấp. Toàn TP mới có bốn trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với tổng công suất xử lý khoảng 48.500m3/ngày đêm. Như vậy vẫn còn gần 400.000m3 nước thải sinh hoạt chưa được xử lý.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, nước ở các sông, mương tiêu thoát đều bị ô nhiễm bẩn hữu cơ và chất rắn lơ lửng, đặc biệt vào mùa khô tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn. Hệ quả của việc tiêu thoát nước thải qua đập Thanh Liệt đổ vào sông Nhuệ trong những tháng mùa khô đã gây ra tình trạng ô nhiễm một loạt sông như sông Nhuệ và sông Đáy, ảnh hưởng xấu tới việc cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực thị xã Phủ Lý (Hà Nam).

UBND TP cho biết, khi nguồn nước thải không thể thoát qua đập Thanh Liệt, năm 2006 TP Hà Nội đã chỉ đạo cho đóng đập Thanh Liệt vào các tháng mùa khô để tránh ô nhiễm cho các khu vực sông ngoài Hà Nội. Theo đó, nguồn nước thải trong những tháng mùa khô được tiêu thoát chủ yếu qua hệ thống hồ điều hòa Yên Sở rồi bơm thoát ra sông Hồng.

Vẫn theo UBND TP Hà Nội, việc giải quyết và hạn chế tình trạng ô nhiễm còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với các bệnh viện các kế hoạch xử lý môi trường thường gắn với kế hoạch đầu tư phát triển và luôn có khó khăn về kinh phí. Với các cơ sở công nghiệp thì mục tiêu xử lý ô nhiễm lại liên tục có sự thay đổi. Nhiều cơ sở trong thời gian chờ di chuyển qua địa điểm mới vẫn tiếp tục sản xuất và không chịu đầu tư xử lý nước thải.