Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 23/04, Bộ Xây dựng có tờ trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đến 2020 và tầm nhìn đến 2050.

Mục tiêu chiến lược phát triển vùng là phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng theo mô hình tập trung đa cực, với TP.HCM là đô thị hạt nhân, bán kính 30 km và 5 cực phát triển, hướng tới là một đô thị phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế.

Mở rộng không gian đô thị và công nghiệp

Phạm vi vùng TP.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang với diện tích 30.404 km2, bán kính ảnh hưởng từ 150-200km. Dự kiến đến năm 2020: dân số trong vùng khoảng 20 – 22 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 16 – 17 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 77 – 80%.

Đến năm 2050: dân số trong vùng khoảng 28 – 30 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 25 – 27 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%.

Hiện nay, diện tích đất tự nhiên toàn vùng TP.HCM là 30.404 km2. Dự kiến quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2020: khoảng 180.000 – 210.000 ha; đến năm 2050: khoảng 250.000 – 270.000 ha. Quy mô đất đai công nghiệp tập trung đến năm 2020: khoảng 30.000 – 40.000 ha; đến năm 2050: khoảng 50.000 – 70.000 ha.

Vùng sẽ thiết lập các đường vành đai đô thị 1,2 và vành đai cao tốc 3 quanh vùng trung tâm; có các trục đường kết nối các trục cao tốc hướng tâm nối vùng trung tâm và các trung tâm tiểu vùng.

Theo đề án, sẽ không thành lập thêm các khu công nghiệp trong vùng trung tâm bán kính 30 km, chuyển đổi tính chất các khu công nghiệp hiện nay thành các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch có hàm lượng kỹ thuật cao.

Vùng hạt nhân hình thành một trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa, khoa học nghệ thuật tầm quốc tế. Không gian công nghiệp – dịch vụ các vùng đối trọng gắn với các đô thị hạt nhân tiểu vùng bao gồm Phú Mỹ, Long Khánh, Mỹ Phước – Chơn Thành, Trảng Bàng, Mỹ Tho – Long An. Các không gian này phát triển linh hoạt, nhưng có sự kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Hạ tầng kỹ thuật, xã hội chất lượng cao

Đề án này cũng rất chú trọng về xây dựng hạ tầng xã hội. Theo đó, hệ thống mạng lưới bệnh viện tuyến 1 được bố trí ở các điểm đô thị và trung tâm huyện lỵ (quy mô từ 50 – 200 giường bệnh).

Hệ thống mạng lưới bệnh viện tuyến 2 là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở trung tâm tỉnh lỵ (quy mô từ 300 – 1.000 giường bệnh). Hệ thống bệnh viện tuyến 3 là mạng lưới bệnh viện Trung ương đạt tiêu chuẩn ngoại hạng bố trí tại TP.HCM và Biên Hòa – Đồng Nai.

Ngoài ra sẽ phát triển nhà ở thương mại tập trung mật độ cao tại vùng trung tâm từ vành đai 2. Vùng từ đường vành đai 2 đến đường vành đai 3: phát triển theo các đô thị mở rộng và trung tâm đô thị gắn với các khu công nghiệp và vùng sinh thái.

Các vùng đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung: phát triển tập trung cao ở các đô thị trong vùng và phát triển mở rộng tại các vùng xung quanh, theo cơ chế chính sách linh hoạt, nhà giá rẻ gắn liền với mở rộng đất đai.

Trung tâm TP.HCM và trung tâm thành phố. Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm dịch vụ – tài chính – thương mại quốc tế; các đô thị Bà Rịa, Long Khánh, Tam Phước, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Chơn Thành, Trảng Bàng, Mỹ Tho sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ cấp quốc gia – cấp vùng.

Không mở rộng phát triển thêm các cảng trên toàn đoạn sông Sài Gòn và có kế hoạch di dời các cảng phù hợp với quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu (nhóm số 5); đầu tư xây dựng phát triển khu Cảng Cát Lái, khu Hiệp Phước để phục vụ di chuyển các cảng trong nội thành và đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực, các khu công nghiệp, khu chế xuất sau cảng, các nhà máy, cơ sở sản xuất ven sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Soài Rạp; xây dựng cảng tổng hợp Nhà Bè phục vụ việc di chuyển các cảng trong nội thành và phục vụ Khu công nghiệp Hiệp Phước; xây dựng bến tàu khách tại trung tâm khu bến Nhà Rồng – Khánh Hội; nghiên cứu xây dựng bến ca nô, tàu khách tại Cần Giờ phục vụ du lịch và khai thác tuyến Vũng Tàu – Cần Giờ – TP.HCM….; lập dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai để có thể triển khai xây dựng sau năm 2010.

Bên cạnh đó, trong vùng sẽ xây dựng hệ thống thoát nước thải đô thị và các khu công nghiệp đồng bộ; xây dựng các khu liên hợp xử lý rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp cho các đô thị lớn mang tính chất liên vùng.

Tại TP.HCM cùng với các thành phố loại 1: xây dựng 2-3 khu nghĩa trang nhân dân, quy mô 200-300 ha. Còn tại các đô thị độc lập, các huyện, thị khác cần quy hoạch 1 khu nghĩa trang nhân dân tập trung quy mô 20-50 ha.