Lãnh đạo giới doanh nghiệp kêu gọi hành động vì khí hậu toàn cầu

Giám đốc điều hành công ty Ingka Investments tình trạng nắng nóng kỷ lục ở nhiều nơi trên thế giới trong mùa Hè vừa qua đã một lần nữa chứng minh các bên liên quan cần có hành động khẩn cấp.

Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) cần đẩy nhanh hành động bảo vệ khí hậu toàn cầu thông qua bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, đồng thuận với các quy tắc thị trường carbon và cung cấp thêm tài chính cho các thị trường mới nổi.

Đây là thông điệp mà lãnh đạo các doanh nghiệp đưa ra tại sự kiện Reuters IMPACT diễn ra tại London (Anh) từ ngày 6-7/9 với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà tư tưởng để thảo luận các giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Giám đốc điều hành công ty Ingka Investments, ông Peter Van der Poel đánh giá tình trạng nắng nóng kỷ lục ở nhiều nơi trên thế giới trong mùa Hè vừa qua đã một lần nữa chứng minh các bên liên quan cần có hành động khẩn cấp, trong đó cần có sự đồng hành của doanh nghiệp, chính phủ và các cơ quan quản lý.

Băng trôi trên sông băng ở gần Kulusuk, Greenland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông Poel, việc hạn chế dần nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch là vấn đề gây nhiều tranh cãi, song nếu không dỡ bỏ chính sách trợ cấp đối với loại nhiên liệu này sẽ gây khó khăn và tốn kém hơn cho việc phát triển nhiên liệu tái tạo ở một số quốc gia.

Trong khi nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc mua tín dụng và bù đắp lượng khí thải từ hoạt động của họ thì thị trường tín dụng carbon tự nguyện vẫn chưa mở rộng quy mô, một số bị cản trở do sự không chắc chắn về chất lượng của một số tín dụng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Reuters IMPACT kêu gọi các bên tăng cường sự hiểu biết, hợp tác chặt chẽ để các doanh nghiệp có thể sắp xếp kế hoạch đầu tư một cách hiệu quả và chắc chắn.

Cùng ngày, Hội nghị thượng đỉnh châu Phi về khí hậu tại Kenya đã kết thúc và ra tuyên bố chung, trong đó nêu bật yêu cầu thay đổi toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu và hối thúc cộng đồng quốc tế ủng hộ thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng hối thúc các nước phát triển, vốn là những nước xả thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, tôn trọng các cam kết đã đưa ra, trong đó có việc cung cấp 100 tỷ USD/năm cho năng lượng sạch và hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.