Liên hợp quốc kêu gọi giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nạn đói

Trong bối cảnh vấn đề an ninh lương thực đang ngày càng nóng lên trên thế giới, Liên hợp quốc đã phải lên tiếng kêu gọi thổi luồng sinh khí mới cho hệ thống đa phương bảo vệ hòa bình để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nạn đói.

700 triệu người lâm vào nạn đói

Năm 2022, thế giới ghi nhận 250 triệu người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực khẩn cấp, con số cao nhất được ghi nhận những năm gần đây. Trong số 250 triệu người nêu trên, có khoảng 376 nghìn người ở 7 quốc gia trong tình cảnh thiếu ăn, trong khi 35 triệu người khác ngấp nghé ngưỡng này. Theo Báo cáo thường niên về an ninh lương thực của của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm 2022 chứng kiến khoảng 700 triệu người lâm vào nạn đói, tăng 122 triệu người so với trước đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) Francesco Rocca cảnh báo: “Thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có khi mà biến đổi khí hậu và Covid-19 đang đẩy các cộng đồng đến giới hạn của họ. Nếu chúng ta không cùng nhau hành động ngay lập tức thì nạn đói sẽ ập đến. Tình trạng mất an ninh lương thực do thời tiết khắc nghiệt đã trở nên trầm trọng hơn bởi Covid-19. Các hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn không chỉ do Covid-19 mà còn do sức khỏe người dân suy kiệt, trong đó có nguyên nhân do nạn đói và không đủ dinh dưỡng gây ra”.

Người dân Syria sống trong các trại tị nạn do chiến tranh đang phải đối mặt với nguy cơ bị đói

So với các khu vực khác trên thế giới, châu Phi là một trong những vùng trũng đáng báo động nhất về an ninh lương thực. Số liệu của FAO cho biết, châu Phi phải nhập khẩu tới 85% nhu cầu lúa mì và các nước phụ thuộc lớn nhất là Tanzania, Côte d’Ivoire, Senegal và Mozambique. Tại các nước như Botswana, Lesotho, Mauritius và Cape Verde, nhập khẩu gạo, lúa mì và ngô chiếm hơn 40% nhu cầu.

Một trong những nguyên nhân gây giảm sút sản lượng lương thực là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Sự gia tăng các loại hình thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, bão lũ… làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp, tác động tiêu cực tới sản lượng lương thực ở nhiều quốc gia trên thế giới, làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực. Không những thế, các cú sốc khí hậu ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn, khiến những người bị ảnh hưởng không có thời gian để phục hồi giữa các thảm họa. Đơn cử, một đợt hạn hán chưa từng có ở vùng Sừng châu Phi đã đẩy ngày càng nhiều người đến mức báo động về tình trạng mất an ninh lương thực, với nạn đói hiện đã xuất hiện ở Somalia.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng thiếu ăn và nạn đói là xung đột và mất an ninh. Xung đột vũ trang phá hủy hệ thống lương thực, làm lung lay sinh kế, khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa, rơi vào những hoàn cảnh khó khăn và đói khổ. Theo thống kê, nhóm 7 quốc gia có nhiều người dân đói ăn nhất đều là những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang hoặc bạo lực cực đoan. 5 nước gồm Afghanistan, Haiti, Somalia, Nam Sudan và Yemen thường xuyên nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nguy cơ mất an ninh lương thực cũng đang rất cao ở các nước có xung đột tại vùng Sahel, Madagascar và CHDC Congo. Cơ quan Phát triển liên chính phủ Ðông Phi (IGAD) cho biết, hơn 29 triệu người ở khu vực này đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực.

Ngược lại, mất an ninh lương thực lại gây bất ổn, có thể dẫn đến xung đột. Nghiên cứu gần đây của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy, tình trạng mất an ninh lương thực (đi kèm với những bất ổn có sẵn, tâm lý tuyệt vọng do nghèo đói và bất bình đẳng gây ra cùng với các vấn đề quản trị) khiến con người có xu hướng bạo lực hơn hòa bình. Thêm vào đó, một khi thiếu nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, mức độ cạnh tranh sẽ gia tăng và tình trạng di dân để tìm nguồn nước cũng xảy ra nhiều hơn trong khi xung đột và nạn đói lan rộng.

Vì mục tiêu thế giới không còn nạn đói vào năm 2030

Thế giới đã đặt ra mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030. Điều này đòi hỏi nỗ lực của tất cả các nước. Trước hết là củng cố hòa bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh nhằm tạo môi trường cho các quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Cần tăng cường hợp tác quốc tế để khắc phục các cuộc khủng hoảng; ủng hộ các nỗ lực bình ổn xung đột, tái thiết hậu xung đột ở các “điểm nóng” trên thế giới. Bảo đảm các bên xung đột tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, trong đó có việc bảo vệ các cơ sở cần thiết cho sự sống của người dân như kho lương thực, hệ thống nước và các cơ sở cần thiết cho sản xuất và phân phối lương thực. Đồng thời, tìm các cách giảm thiểu tác động của xung đột đối với những nhóm dễ bị tổn thương nhất, nhất là với phụ nữ và trẻ em gái.

Trên thực tế, biến đổi khí hậu với những tác động nghiêm trọng từ nạn lũ lụt, hạn hán kéo dài và thường xuyên hơn đang làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu. Do vậy, một nền nông nghiệp “thông minh” được kỳ vọng giúp người nông dân tăng khả năng thích ứng hơn với tình trạng biến đổi khí hậu khó dự báo. Theo đó, nền nông nghiệp “thông minh” cần được phát triển với sự đa dạng hóa vụ mùa, bảo tồn các khu vực nông nghiệp có mức tiêu thụ nước thấp nhằm đối phó với sự gia tăng tình trạng khí hậu cực đoan dẫn tới mất mùa, thiếu nước sản xuất. Theo thời gian, giải pháp này giúp các gia đình có được nguồn thu bù đắp.

Thế giới cũng cần quan tâm đến việc giảm lãng phí lương thực. Theo thống kê, có khoảng 1/3 số lượng lương thực trên thế giới bị thất thoát và lãng phí hàng năm. Lãng phí lương thực cũng làm lãng phí các nguồn tài nguyên. Giảm bớt sự lãng phí sẽ là giải pháp cơ bản, cấp thiết, trong đó cần nâng cao ý thức từ chính mỗi người dân. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng cần đưa ra cam kết giảm lãng phí lương thực ở cấp độ quốc gia.

Đi liền với đó là sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế với các nước đang phải đối mặt với nạn đói. Nhu cầu nhân đạo đã “tăng vọt” vào năm 2021 và 2022 do đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine cũng như những tác động toàn cầu của nó. Theo WFP, cơ quan này cần tới 20 tỷ USD để cung cấp viện trợ lương thực cho những người có nhu cầu nhưng chỉ huy động được khoảng 10-14 tỷ USD trong vài năm qua do đóng góp của các nhà tài trợ giảm mạnh. Chính vì thế, hồi tháng 3-2023, WFP đã buộc phải cắt giảm khẩu phần ăn từ 75% xuống 50% với các cộng đồng ở Afghanistan đang đối mặt với nạn đói ở mức độ khẩn cấp. Đến tháng 5-2023, WFP buộc phải cắt giảm lương thực cho 8 triệu người, chiếm 66% số người mà WFP đang hỗ trợ. Còn hiện nay, con số người được tài trợ chỉ còn 5 triệu.

Một trong những vấn đề cấp bách nữa là cần sớm khôi phục Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen mới bị đình trệ hồi tháng 7 vừa qua nhằm khôi phục xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine. Nga và Ukraine là những nhà cung cấp hàng đầu các mặt hàng lương thực chính như lúa mì, ngô và dầu hướng dương. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Thế giới hiện phụ thuộc vào những nguồn cung cấp này và vẫn phải như vậy trong nhiều năm tới. Kể từ khi thỏa thuận này được ký kết, gần 33 triệu tấn ngũ cốc đã được Ukraine xuất khẩu, góp phần chống lại tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.