Quảng Ngãi: Nhiều thủy điện mắc sai phạm

Đã đi vào vận hành thương mại nhiều năm nhưng hàng loạt thủy điện có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều vướng mắc kéo dài

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 33 dự án thủy điện, tổng công suất hơn 667 MW, trong đó, 16 dự án đã vận hành, 4 dự án đang xây dựng, 8 dự án đang chuẩn bị đầu tư, 5 dự án chưa lựa chọn nhà đầu tư. Ở những dự án đã vận hành có không ít dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Chưa làm xong nghĩa vụ, đã vội vận hành

Điển hình, dự án thủy điện Đăk Đrinh (huyện Sơn Tây) có công suất 125 MW, đã đi vào hoạt động thương mại 8 năm nhưng đến nay còn nhiều hộ dân có đất bị thu hồi từ 10 năm trước vẫn chưa được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

Thủy điện Đăk Ba (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) dù chưa đền bù, thiếu hàng loạt thủ tục nhưng vẫn được đưa vào vận hành

Theo đại diện UBND xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây), hiện tại khu vực lòng hồ thuộc địa phận xã này còn lại 9,5 ha thuộc 45 thửa đất chưa đền bù, trong khi toàn bộ diện tích đất này đã ngập chìm trong lòng hồ từ lâu. Ngoài ra, liên quan thủy điện Đăk Đrinh, hiện còn 0,56 ha đất thuộc đường dây 110 KV qua địa bàn huyện Sơn Hà nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện công tác thu hồi dù chủ đầu tư đã xây dựng trụ, kéo dây tải điện đấu nối vào hạ tầng lưới điện để hòa điện lưới quốc gia… Những tồn tại, bất cập trong bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án khiến nhiều cán bộ, lãnh đạo huyện Sơn Tây bị xử lý trách nhiệm, truy tố.

Tương tự, tại dự án thủy điện Đăk Ba, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chủ trương đầu tư vào năm 2015 với tổng số vốn 1.085 tỉ đồng, nhà đầu tư là Công ty CP Bách Thiên Lộc. Đến tháng 1-2023, thủy điện Đăk Ba hoàn thành toàn bộ các hạng mục và đi vào vận hành thương mại, với sản lượng phát điện đã đạt trên 40 triệu KWh.

Đáng nói, dù đã đi vào hoạt động khá lâu nhưng phần lớn diện tích của dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Cụ thể, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất các hạng mục với tổng diện tích 134.528 m2. Ngoài ra, hạng mục tuyến cụm đầu mối, đường thi công vận hành với tổng diện tích hơn 101.136 m2; hạng mục kênh xả nhà máy với diện tích hơn 3.548 m2; hạng mục đập tiếp nước diện tích 29.843 m2… cũng chưa hoàn thành công tác cho thuê đất, bồi thường đất.

Tương tự, ở dự án thủy điện Kà Tinh (huyện Trà Bồng, nơi xảy ra sự cố sạt lở núi vùi lấp tổ máy phát điện số 1 khiến một nam kỹ sư vận hành nhà máy tử vong) do Công ty CP Thủy điện Trà Bồng đầu tư, dù đã đi vào hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thuê đất đối với 5,75 ha.

Đại diện nhà đầu tư cho biết đã làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi để hoàn tất việc thu hồi đất, song đến nay vẫn chưa thể thực hiện do nhiều vướng mắc.

Yêu cầu xử lý dứt điểm

Bên cạnh các sai phạm liên quan về thủ tục đất đai, nhiều dự án thủy điện còn để xảy ra các sai phạm khác, như tiến hành khởi công nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục, chưa được cơ quan chức năng cho phép. Đơn cử như dự án thủy điện Sơn Liên 1 (huyện Ba Tơ) do Công ty TNHH Sông Liên làm nhà đầu tư. Ở dự án này, nhà đầu tư đã tự ý đào múc và đổ hàng ngàn mét khối đất, đá lấn ra lòng sông Liên khiến con sông bị lệch dòng chảy.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định xử phạt doanh nghiệp 90 triệu đồng và yêu cầu phải đưa số đất, đá đổ sai này đến nơi đổ thải đúng quy định, trả nguyên hiện trạng sông Liên như ban đầu.

Ông Võ Văn Rân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, cho biết một số đại diện nhà đầu tư nêu những khó khăn, vướng mắc đang gặp liên quan các thủ tục pháp lý, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất và xử lý tài sản công của các dự án thủy điện… “Tuy nhiên, tôi cho rằng những tồn tại, bất cập này phát xuất từ việc nhà đầu tư làm quá chậm về thủ tục hành chính, chưa nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trong trình hồ sơ, chưa quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ” – ông Rân nói.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận để xảy ra chuyện này có cả trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Đối với doanh nghiệp, chưa có trách nhiệm, chưa quan tâm trong xử lý các vấn đề liên quan trong khi tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ rất nhiều về cơ chế, thủ tục từ đầu tư dự án cho đến khi đi vào hoạt động. Đặc biệt, các doanh nghiệp không rõ về thủ tục, nôn nóng triển khai dự án, một số dự án triển khai trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19… nên các tồn tại không được giải quyết thấu đáo, kịp thời.

Phải bảo đảm quyền lợi của dân

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định, chủ trương về đất đai, hoàn thiện việc thuê đất, bồi thường thu hồi đất để bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng dự án cũng như quy định của pháp luật; phải xử lý dứt điểm những tồn tại. Các doanh nghiệp phải thể hiện trách nhiệm, chung tay cùng các cơ quan liên quan để xử lý.

Bài và ảnh: Từ Trực

Nguồn: