Phụ nữ tạo ra ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn nam giới

Theo nghiên cứu, các mặt hàng và khối lượng tiêu dùng của “giới mày râu” là nguồn tạo ra khí nhà kính trung bình nhiều hơn 16% so với những sản phẩm mà chị em phụ nữ tiêu thụ.

Phụ nữ có lối sống thải ra ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn nam giới. (Nguồn: Unsplash)

Theo nghiên cứu của một nhà kinh tế từ ngân hàng Banque de France, phụ nữ có lối sống thải ra ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn nam giới, nhưng lại là những nạn nhân chịu thiệt thòi hơn của tình trạng biến đổi khí hậu.

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn thông tin từ chuyên gia Oriane Wegner cho biết các mặt hàng và khối lượng tiêu dùng của “giới mày râu” là nguồn tạo ra khí nhà kính trung bình nhiều hơn 16% so với những sản phẩm mà chị em phụ nữ tiêu thụ.

Đơn cử, đàn ông có nhiều khả năng đi du lịch bằng xe tự lái đến các điểm nghỉ mát xa hơn; tương tự, nam giới cũng “chịu trách nhiệm” về lượng khí thải CO2 liên quan đến máy bay nhiều hơn so với nữ giới.

Chế độ ăn uống cũng có thể đóng một vai trò, với hàm lượng thịt tiêu thụ tỷ lệ thuận với khối khí phát thải, trong khi theo một cuộc khảo sát tại Thủy Điển năm 2021, 2/3 số người ăn chay (67%) là phụ nữ.

Vào năm 2021, mỗi nam giới độc thân thải ra trung bình 10 tấn khí nhà kính so với chỉ hơn 8 tấn của 1 phụ nữ sống một mình.

“Về phía phụ nữ, chúng tôi quan sát thấy chi tiêu liên quan đến hàng hóa và dịch vụ có mức phát thải thấp hơn, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồ nội thất và quần áo,” bà Oriane Wegner giải thích.

Ở chiều hậu quả của biến đổi khí hậu, nam giới và nữ giới cũng không “bình đẳng.”

Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, 80% số người buộc phải rời bỏ nhà cửa do thời tiết cực đoan là phụ nữ và tỷ lệ tử vọng của nữ giới cũng cao hơn nam giới trong thiên tai, với ví dụ tham chiếu là cơn bão Katrina năm 2005 ở Mỹ.

Bà Oriane Wegner kết luận các chính sách quốc gia và quốc tế sẽ được cải thiện về hiệu quả nếu tính đến các yếu tố về giới trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.