Kiểm soát nhiều mục tiêu trong điều kiện bất định

Để các cá nhân, tổ chức, địa phương và các quốc gia có cùng một góc nhìn giúp lợi ích chung đạt được tốt nhất mà không gây tổn thương đến lợi ích riêng, việc đặt các bài toán khác nhau vào bối cảnh phát triển là quan trọng…

Khi nghiên cứu các mô hình kinh tế, giả định “trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi” thường được đặt ra như tiền đề cơ bản. Nhưng tiếc thay cuộc sống lại chưa bao giờ là như vậy. Khi người ta đang bận giải quyết một vấn đề hóc búa thì ngoài kia các vấn đề khác cũng nghiêm trọng không kém tiếp tục diễn tiến và có vẻ như đang ngày càng thay đổi nhanh hơn trong một thế giới bất định.

Một lò sấy cà phê thủ công ở Đắk Nông đang nhả khói ra môi trường. Ảnh: N.K

Các quốc gia, các địa phương, các doanh nghiệp, thậm chí là các cá nhân thường dùng phương pháp định lượng thông qua một vài chỉ số nhất định để đo lường mọi hiện tượng và sự việc diễn ra trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Điều này là dễ hiểu và khá hợp lý vì chỉ những thước đo ấy mới giúp người ta định vị được bản thân và định hướng được lộ trình tiếp theo mà họ cần theo đuổi.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các chỉ số đánh giá ấy cũng có thể đóng vai trò của một la bàn hoàn hảo để giúp cả xã hội đi đúng hướng. Vì cuộc sống vốn được quyết định bởi rất nhiều yếu tố phức tạp không thể định lượng bởi một vài chỉ số được tính toán rõ ràng và tường minh.

Kiểm soát nhiều vấn đề nghiêm trọng xảy ra cùng một lúc và có sự cộng hưởng, giao thoa lẫn nhau khiến nhà quản lý khó lòng giải quyết thấu đáo và dứt điểm. Lúc này đây, việc cân nhắc giữa đánh đổi một vài thiệt hại để có được lợi ích cần ưu tiên với khả năng phối hợp để có thể kiểm soát việc đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu trong cùng một giai đoạn đầy tính bất định cần được cân nhắc.

Đánh đổi giữa các yếu tố cần theo đuổi

Trong những năm qua, vấn đề biến đổi khí hậu, sự xuất hiện của dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế… đang khiến các địa phương và tổ chức phải đối diện với bài toán đánh đổi hóc búa.

Những tỉnh nghèo, ít lợi thế về vị trí địa lý và nguồn nhân lực sẽ khó phát triển kinh tế do không thể thu hút được nguồn vốn đầu tư và không phải là sự lựa chọn lý tưởng để đặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, đây lại là những nơi có điều kiện môi trường và tài nguyên thiên nhiên khá lý tưởng do chưa bị con người khai thác quá mức và tỷ lệ phát thải cũng ít hơn vì quy mô doanh nghiệp còn quá nhỏ.

Các địa phương này sẽ có khuynh hướng muốn đánh đổi môi trường và tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế thông qua chấp nhận để các doanh nghiệp với hình thức kinh doanh mang đặc điểm xả thải lớn vào hoạt động, quyết định chặt phá rừng nguyên sinh để có đất vận hành các mô hình kinh doanh tạo công ăn việc làm và đem lại nguồn thu ngân sách.

Cần thành lập chính quyền vùng và liên vùng với đầy đủ sức mạnh và công cụ quản lý để phát huy tốt vai trò và đảm bảo đề cao mục tiêu phát triển dựa trên lợi ích chung của cả vùng chứ không bị chia nhỏ theo quan điểm của từng địa phương.

Trong một vị thế đối trọng khác ở các thành phố, sự phát triển quá mức của nền kinh tế cùng với vấn đề di cư ồ ạt khiến dân số tăng lên quá mức đáp ứng của hạ tầng, vấn đề môi trường lại đáng báo động khi tỷ lệ phát thải vượt ngưỡng và không gian xanh quá ít ỏi.

Lúc này đây, sự trong lành của bầu không khí và các tài nguyên tự nhiên lại là thứ đang thiếu thốn và cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Ở các đô thị lớn, thu nhập cao, cơ hội thu hút nguồn vốn và hoạt động kinh doanh nhiều cho phép địa phương được quyền từ chối các mô hình sản xuất kinh doanh có đặc điểm gây ô nhiễm môi trường để lựa chọn những hoạt động có tỷ lệ phát thải thấp hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi được quyền lựa chọn thì môi trường vẫn là một yếu tố khá xa xỉ mà những nơi này khó lòng mua lại được bằng tiền. Có những thứ một khi đã đánh đổi rồi thì khó lòng có lại được.

Kết hợp nhiều mục tiêu khi nhìn phạm vi thực hiện ở tầm rộng hơn

Nếu nhìn trong phạm vi của một tỉnh thành thì quyết định đánh đổi như trên là có thể chấp nhận được vì khi tài nguyên và môi trường dồi dào, việc đánh đổi một phần để có được lợi ích về kinh tế cho xã hội sẽ giúp cân bằng lại cuộc sống còn khó khăn của người dân. Ngược lại, khi kinh tế phát triển quá mức thì môi trường lại cần được quan tâm hơn.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ quốc gia, thậm chí là cả thế giới thì sự lựa chọn này rất nguy hiểm vì kết quả cuối cùng sẽ là thực trạng những lá phổi xanh mát cuối cùng, những môi trường trong lành hiếm hoi và dư địa phát thải còn sót lại cũng sẽ dần bị thôn tính. Ranh giới hành chính của vị trí địa lý đang làm suy yếu sức mạnh chung của cả nước và cả nhân loại.

Nếu mỗi địa phương, khu vực và quốc gia cứ khăng khăng nhìn bài toán kinh tế – xã hội của mình dưới góc nhìn riêng và ai cũng chỉ muốn đứng ở mặt phẳng của mình để giải quyết vấn đề sao cho thu nhập của bản thân lớn nhất mà không nhìn đến điểm cân bằng chung thì lợi ích của một tập thể sẽ đạt mức thấp nhất.

Ở Việt Nam, qua một giai đoạn nỗ lực từ thời kỳ Đổi mới đến nay để giúp kinh tế đất nước phát triển và cải thiện đời sống của người dân, chỉ tiêu GRDP và thu nhập bình quân đầu người luôn được gọi tên như một thước đo quan trọng đánh giá thành tựu và sự thành công của các địa phương.

Tuy nhiên, khi một số thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội đã đạt đến ngưỡng và dư địa phát triển kinh tế đang hẹp dần thì môi trường lại nổi lên như một vấn đề có tính khẩn cấp cần được quan tâm nghiêm túc. Nhưng yếu tố này lại chưa được định lượng hóa và ít được đề cao, đặc biệt ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam.

Quy luật bàn tay vô hình cho rằng mỗi cá nhân luôn biết lựa chọn những gì tốt nhất để tối đa hóa lợi ích của mình từ đó giúp thị trường tự động đạt đến trạng thái tốt nhất. Tuy nhiên, sự tốt nhất ở đây được đo lường bằng thước đo lợi ích kinh tế, cụ thể là tiền, chứ chưa xem xét các yếu tố thuộc về những mặt phẳng khác như môi trường và văn hóa. Và đó là điều khiến các trục trặc liên tục xảy ra.

Làm sao để đạt được đa mục tiêu trên phạm vi cả nước?

Để các cá nhân, tổ chức, địa phương và các quốc gia có cùng một góc nhìn giúp lợi ích chung đạt được tốt nhất mà không gây tổn thương đến lợi ích riêng, việc đặt các bài toán khác nhau vào bối cảnh phát triển là quan trọng. Không thể có một cách thức đo lường chung áp dụng cho tất cả các địa phương có năng lực phát triển và điều kiện tự nhiên khác nhau.

Do đó, đã đến lúc chúng ta nên nghĩ đến việc chuyên môn hóa vai trò của các cá nhân và địa phương chứ không chỉ tập trung thúc đẩy kinh tế qua một số chỉ tiêu được đo lường bằng tiền.

Ở mỗi bối cảnh khác nhau của mỗi tỉnh thành, các chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục,… nên được đặt thêm các trọng số khác nhau tùy thuộc vào vai trò, bối cảnh và mức độ phát triển. Và việc đánh giá mức độ thành công hay thành tựu của các tỉnh thành cũng nên được tính toán theo các trọng số riêng.

Có như vậy, các nơi ấy mới có động cơ thực hiện đúng vai trò và sứ mệnh của mình chứ không chỉ chăm chú đạt được các mục tiêu kinh tế để rồi phải đánh đổi những yếu tố mà sau này cho dù có tiền cũng không thể mua được.

Cần nhìn nhận rằng ranh giới địa lý đang khiến cho góc nhìn và động cơ của các địa phương bị chia nhỏ và giảm đi sức mạnh của việc phát huy các thế mạnh riêng. Để giải quyết vấn đề này có hai cách.

Một là giảm mức độ phân chia manh mún các đơn vị hành chính về mặt địa lý thông qua tăng diện tích của một tỉnh thành để tăng tính liên kết và khả năng nhìn nhận cục diện ở quy mô rộng hơn.

Hai là cần thành lập chính quyền vùng và liên vùng với đầy đủ sức mạnh và công cụ quản lý để phát huy tốt vai trò và đảm bảo đề cao mục tiêu phát triển dựa trên lợi ích chung của cả vùng chứ không bị chia nhỏ theo quan điểm của từng địa phương.