Công trình phát thải ròng bằng 0: Cần sự hợp lực của các doanh nghiệp

Việt Nam đang từng bước thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững này cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp trong cộng đồng.

Sáng ngày 14/12, Bộ Xây dựng phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) tổ chức Hội thảo đào tạo với chủ đề “Thúc đẩy phát triển công trình phát thải ròng bằng 0 – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp khuyến nghị cho Việt Nam” tại khách sạn Sheraton, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu, nhà khoa học và doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về hiện trạng phát triển hiện nay và xác định những hướng mới cũng như đề xuất các biện pháp mới để chung tay thực hiện mục tiêu cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26).

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây Dựng khẳng định biến đổi khí hậu là thách thức lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050… nhằm thực hiện hóa các mục tiêu khí hậu. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng, là đối tượng trực tiếp tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh”, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh nhấn mạnh.

Việt Nam nằm trong ‘top 3’ về chuyển đổi năng lượng tái tạo trong khu vực. Trong ảnh: Toàn cảnh dự án điện gió Nam Bình 1 với chín trụ tuabin đã hoàn thành việc lắp đặt. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận nhấn mạnh mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 mang đến nhiều thách thức, song cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong cộng đồng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để đầu tư vào các hoạt động như xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình xanh… góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh tại Hội thảo, ông Ronald Bohlander, Tham tán phụ trách Biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết một trong những thành tựu lớn nhất tại Hội nghị COP26 là việc hình thành “Thỏa thuận Glasgow” giữa 192 quốc gia nhằm cam kết giảm phát thải khí nhà kính, giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng thêm quá 1,5 độ C.

Ông Ronald Bohlander, Tham tán Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

“Là một trong những quốc gia tiên phong trong công cuộc xây dựng cơ chế để giảm phát thải khí nhà kính, tôi mong rằng Hội thảo sẽ là diễn đàn để các diễn giả, chuyên gia từ nhiều quốc gia cùng chia sẻ những kiến thức, bài học kinh nghiệm để góp phần chung tay giảm thiểu những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn thế giới,” Tham tán Khí hậu Ronald Bohlander chia sẻ.

Chia sẻ tại Hội thảo về định hướng giải pháp kỹ thuật hướng tới không carbon ròng, bà Phan Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu và áp dụng những phương pháp thiên nhiên, cung cấp năng lượng tái tạo tại chỗ như tấm pin mặt trời, máy bơm nhiệt… để loại bỏ lượng lớn khí carbon thải ra.

Bà Phan Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Công trình xanh Việt Nam chia sẻ về định hướng giải pháp kỹ thuật về khử carbon tại Hội thảo. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

“Ngoài ra, để giảm thiểu carbon hàm chứa trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và tối ưu hiệu quả vật liệu, tái sử dụng vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguyên liệu thô, vật liệu và cấu kiện có hàm lượng carbon thấp như gạch không nung, tấm nhựa tái chế… cũng sẽ góp phần loại bỏ carbon tại nguồn phát thải,” bà Phan Thu Hằng cho biết.