2011 tiếp tục là năm nóng kỷ lục

ThienNhien.Net – Thế giới đang ngày càng nóng lên và năm 2011 lại tiếp tục được ghi nhận là một trong những năm nóng kỷ lục. Kết luận này được nêu lên trong bản báo cáo mà Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mới công bố cuối tháng 11 vừa qua. Và nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng nóng lên được cho là do chính hoạt động của con người.

Báo cáo cũng đồng thời cảnh báo rằng sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu rất có thể sẽ dẫn tới ngày càng nhiều các đợt lũ lụt, hạn hán và vô số kiểu thời tiết khắc nghiệt khác.

Con đường chính thuộc Đại lộ Roxas (Metro Manila) ngập chìm trong nước lũ sau cơn bão Nesat ngày 27/9/2011 (Ảnh: theo Reuters)

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, một cơ quan của Liên Hợp quốc (UN), 13 năm có nhiệt độ trung bình cao nhất đều rơi vào khoảng thời gian 15 năm kể từ năm 1997.

Sang đến năm nay, nhiệt độ toàn cầu được ghi nhận là cao thứ 10 so với mức kỷ lục và cao hơn bất kỳ năm nào trước đó chịu ảnh hưởng từ hiện tượng La Nina, một hiệu ứng khí hậu đặc trưng bởi nhiệt độ lạnh bất thường của đại dương thường xuất hiện ở vùng nhiệt đới châu Á – Thái Bình Dương, Nam Mỹ và châu Phi.

Cũng theo báo cáo của WMO thì năm 2011 là năm mà kích thước biển băng Bắc cực giảm xuống mức thấp chỉ sau mức kỷ lục, còn khối lượng băng ở mức nhỏ nhất.

Tổng thư ký WMO, ông Michel Jarraud, cũng cho biết: “Nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển đã đạt những mức cao mới. Tình trạng này sẽ sớm đẩy nhiệt độ trung bình Trái đất tăng thêm từ 2° – 2,4°C”.

Sự gia tăng các đợt nóng là điều mà các nhà khoa học Liên Hợp quốc cho là tất yếu sẽ xảy ra trong thế kỷ này, kéo theo lượng mưa lớn hơn, lũ lụt nhiều hơn, lốc xoáy mạnh hơn, sụt lở đất thường xuyên hơn và hạn hán khắc nghiệt hơn trên khắp hành tinh.

Đáng nói hơn, nếu các chính phủ không kiềm chế được lượng phát thải thì từ nay đến hết thế kỷ, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể sẽ tăng thêm từ 3° – 6°C như dự doán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dẫn tới những hệ lụy chưa chưa từng có mà điển hình là các sông băng tan chảy, nước biển dâng và nhiều quốc đảo nhỏ bị nhấn chìm.

Báo cáo trên được công bố trùng với thời điểm diễn ra các cuộc hội đàm về khí hậu của Liên Hợp quốc tại Durban (Nam Phi) nhằm cố gắng đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính – thủ phạm chính gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu.