Dân số thế giới cán mốc 8 tỷ người: Động lực và thách thức

Vào lúc 1 giờ 29 phút ngày 15-11, bé gái Venice Mabansag chào đời tại Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial ở Manila (Philippines).

Sẽ không có gì đáng nói, nếu như sự ra đời của em không phải là một dấu mốc quan trọng được cả thế giới chờ đón: Venice là công dân thứ 8 tỷ của toàn cầu.

Phát biểu với giới truyền thông, Giám đốc Ủy ban Dân số và Phát triển Philippines, bà Lyneth Therese Monsalve bày tỏ hy vọng bé Venice “sẽ là biểu tượng của sự phát triển trong tương lai”. Theo bà, dấu mốc này vừa là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đồng thời cũng mang tới không ít thách thức trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2023. (Trong ảnh: Một khu chợ ở Kolkata, Ấn Độ). Ảnh: Getty Images

Con số 8 tỷ người là một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Nó cho thấy một nguồn lực to lớn, nguồn lao động dồi dào để thế giới thực hiện những mục tiêu về phát triển con người, thúc đẩy kinh tế-xã hội. CNN dẫn tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho hay: “Đây là dịp để tôn vinh sự đa dạng và tiến bộ đồng thời xem xét trách nhiệm chung của nhân loại đối với hành tinh này”. Ông Guterres cũng khẳng định, dấu mốc này cho thấy một câu chuyện thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, là minh chứng rõ nét nhất cho những đột phá về khoa học-công nghệ, y học, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp gia tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, đồng hành với những thuận lợi mà quy mô dân số 8 tỷ người đem lại, không thể không nhắc tới những thách thức nó đặt ra ở phạm vi toàn cầu. Đó là nó có thể tạo ra những tác động mạnh mẽ tới an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; tạo áp lực nặng nề lên môi trường tự nhiên, hệ sinh thái, kéo theo nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Những cuộc khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu… vừa qua đang đe dọa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Những tác động mà chúng gây ra có thể sẽ còn trầm trọng hơn một khi quy mô dân số thế giới không ngừng gia tăng.

Trong phạm vi mỗi quốc gia, sự gia tăng dân số chắc chắn sẽ gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng, nền tảng phúc lợi xã hội, các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, làm gia tăng bất bình đẳng xã hội cũng như mức độ phân hóa giàu-nghèo.

Không loại trừ khả năng dân số tăng nhanh kết hợp với biến đổi khí hậu sẽ gây ra tình trạng di cư hàng loạt và tạo nguồn cơn cho các cuộc xung đột trong những thập kỷ tới, CNN dẫn lời các chuyên gia cho biết. Áp lực về tài nguyên sẽ đặc biệt khó khăn ở các quốc gia châu Phi, nơi dân số dự kiến sẽ bùng nổ. Đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của khí hậu và cần được hỗ trợ tài chính ở mức cấp thiết.

AP dẫn báo cáo của LHQ cho biết, 8 quốc gia có tốc độ gia tăng dân số lớn nhất thế giới từ nay đến năm 2025 gồm: Ấn Độ, Congo, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Tại Nigeria, trong 3 thập kỷ tới, dân số quốc gia Tây Phi này dự kiến sẽ tăng từ 216 triệu lên 375 triệu người, biến nước này thành quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới sau Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ. Cũng theo báo cáo của LHQ, dân số thế giới sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ vào năm 2030; 9,7 tỷ vào năm 2050; 10,4 tỷ vào năm 2080 và duy trì con số này cho đến năm 2100.

Trên thực tế, dân số gia tăng khiến nhiều người dân ở các nước đang phát triển có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong khi các chính phủ phải vật lộn để cung cấp đủ lớp học và việc làm cho số lượng thanh niên đang tăng lên nhanh chóng. Tình trạng mất an ninh lương thực thậm chí còn trở thành một vấn đề cấp bách hơn. Dân số tăng nhanh đồng nghĩa với việc nhiều người phải tranh giành nguồn nước khan hiếm, nhiều gia đình phải đối mặt với nạn đói khi biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến sản xuất cây trồng ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo Tiến sĩ Srinath Reddy, Chủ tịch Quỹ Y tế công cộng Ấn Độ: “Có một áp lực lớn hơn đối với môi trường, làm gia tăng những thách thức đối với an ninh lương thực cũng như biến đổi khí hậu… Giảm bất bình đẳng trong khi tập trung vào thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu nên là trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách của chúng ta”. Có thể thấy, con người luôn là nhân tố quyết định trong mọi cuộc chơi. Bởi vậy, nếu thế giới cùng chung tay tập trung đầu tư, khai thác và phát huy tiềm năng, sức mạnh của 8 tỷ người, hy vọng chúng ta có thể sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.