Chặn đường tiêu thụ động vật hoang dã trái phép

Lực lượng kiểm lâm tỉnh vừa triển khai kế hoạch kiểm tra hàng loạt địa điểm, cơ sở kinh doanh “tiếp tay” cho việc tiêu thụ, mua bán động vật hoang dã trái phép.

Gần đây, cơ quan kiểm lâm phát hiện, lập biên bản xử lý nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán nhậu tàng trữ, mua bán thịt thú rừng. Tại quán Tuấn Mập Sài Gòn (địa chỉ lô A27 đường Bạch Đằng, phường Phước Hòa, Tam Kỳ), lúc kiểm tra, ngành chức năng phát hiện 2 cá thể chồn bạc má bắc còn sống, trọng lượng 1,8kg; 4 cá thể dúi mốc lớn còn sống, trọng lượng 5kg; 0,4kg thịt chồn bạc má bắc và 2,8kg thịt dúi mốc lớn.

Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 thả 47 cá thể chim hoang dã về lại môi trường tự nhiên. Ảnh: Chi cục Kiểm lâm tỉnh cung cấp.

Đáng nói, trước đó nhà hàng này đã ký cam kết với cơ quan kiểm lâm là không tiêu thụ thịt thú rừng. Hay như trong đợt kiểm tra tại quán A Teo (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) vào giữa tháng 7/2022, lực lượng kiểm lâm phát hiện 58 sản phẩm thịt động vật rừng (tổng trọng lượng 19,2kg) gồm dúi mốc lớn, sóc, cheo cheo, chồn bạc má bắc.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ 2 cơ sở nêu trên không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc lâm sản.

Trước đó, ngày 5/7, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Điện Bàn phát hiện, lập biên bản vụ bà Phan Thị Thanh L. trú ở Hà Lam (Thăng Bình) chở một lồng sắt bên trong nhốt 47 con chim hoang dã.

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, từ năm 2016 đến nay, lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng và ngành chức năng của tỉnh đã tuần tra, truy quét tháo dỡ hơn 12.000 bẫy động vật, lập biên bản 36 vụ vi phạm về nuôi nhốt, tàng trữ, kinh doanh thịt động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép trên địa bàn tỉnh, trong đó truy tố 5 vụ án hình sự.

Thời gian qua, nhiều địa phương quyết tâm đấu tranh với các hành vi săn bắn, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD. Điển hình TP.Tam Kỳ vừa phát động xây dựng “Thành phố không thịt thú rừng”, với chỉ tiêu giảm tỷ lệ các nhà hàng buôn bán, kinh doanh trái phép các sản phẩm ĐVHD xuống dưới 5%/tổng số nhà hàng kinh doanh; 100% cơ quan, đơn vị cam kết không tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm ĐVHD; 80% số nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống cam kết không buôn bán trái phép ĐVHD; giảm tỷ lệ người dân có sử dụng các sản phẩm ĐVHD xuống dưới 15%.