Nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp

Nhiều ý kiến quan tâm đến tính bền vững của Dự án STW, nhất là sau khi kết thúc 5 năm thực hiện và khả năng tối ưu hóa nguồn lực những năm tới.

Toàn cảnh Hội thảo tham vấn cho Dự án STW tại Vườn Quốc gia Ba Vì.

Sáng 18/10, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) và Bộ NN-PTNT cùng một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Kế hoạch hoạt động Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp (STW) năm 2023.

Dự thảo năm tới gồm 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 đặt mục tiêu huy động sự tham gia và cam kết của lãnh đạo các cấp, các ngành, thúc đẩy khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cho tổ chức xã hội nhằm giải quyết vấn đề buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Hợp phần 1 kỳ vọng, 25 cơ quan/cán bộ lãnh đạo các cấp cam kết thúc đẩy hoặc chỉ đạo, hành động cụ thể nhằm bảo vệ động vật hoang dã; 50 doanh nghiệp tư nhân cam kết thực hiện chính sách trách nhiệm xã hội hoặc quy định nội bộ cụ thể hỗ trợ giải quyết nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã; 25 tổ chức xã hội được hỗ trợ nâng cao năng lực vận động chinh sách.

Công tác thông tin tuyên truyền cũng được chú trọng. Trong thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, hợp phần 1 mong muốn có ít nhất 80 phóng viên/nhà báo được tập huấn về điều tra về công tác chống buôn bán động vật hoang dã.

Bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp phát biểu khai mạc.

Hợp phần 2 tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho các bên liên quan về thực thi pháp luật về chống buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã. Trước mắt, là đề xuất phương án tăng cường hợp tác quốc tế với các nước châu Phi trong hoạt động phòng, chống buôn bán động vật hoang dã; đồng thời xem xét nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người tại các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã.

Cụ thể, hợp phần 2 dự kiến tổ chức 2 khóa đào tạo dành cho giảng viên một số trường như Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Kiểm sát, Trường đào tạo cán bộ kiểm lâm…; Tổ chức 3 khóa đào tạo cho cán bộ thực thi pháp luật về phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã và 1 hội thảo cập nhập kiến thức về việc phát hiện buôn bán trái phép tại các điểm nóng, nhất là tại cảng biển.

Với hợp phần 3, dự án phấn đấu giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã và sản phẩm từ nhóm này. Trong đó, giảm tối thiểu 30% số cá nhân có ý định tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp, ít nhất 30% khách du lịch quốc tế được khảo sát cho rằng Việt Nam đang thực thi tốt các luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã.

Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp được thực hiện trong 5 năm với kinh phí 10,5 triệu USD và được khởi động chính thức hồi giữa tháng 6/2022.

Bà Michelle Owen, Giám đốc Dự án STW.

Theo thống kê của USAID, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật ước đạt giá trị 20 tỷ USD mỗi năm. Hoạt động này thường kéo theo những hành vi như rửa tiền, tham nhũng và giả mạo giấy tờ trong chuỗi cung cấp.

“Các hoạt động của dự án sẽ diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam, và được thiết kế cho phù hợp với từng địa phương. Trong đó, những nỗ lực đầu tiên sẽ tập trung vào khu vực nóng vì buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, hoặc nơi đã cam kết xử lý buôn bán trái phép động vật hoang dã”, bà Michelle Owen, Giám đốc Dự án STW bày tỏ.

Tại hội thảo ngày 18/10, bà Michelle cũng chỉ rõ 4 loài có rủi ro bị buôn bán vào Việt Nam gồm: tê giác châu Á, voi, tê tê và mèo lớn. 5 loài có nguy cơ bị buôn bán và vận chuyển khỏi Việt Nam là: linh trưởng, mang lớn, mèo lớn, rùa nước ngọt và rùa cạn.

Buôn bán động vật hoang dã được xem là “mỏ vàng” với tội phạm.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến bày tỏ sự quan tâm đến tính bền vững của dự án, nhất là ở giai đoạn kết thúc và người dân, tổ chức xã hội không còn nhận được hỗ trợ.

Một số gợi mở được đưa ra như: Tổ chức, phối hợp đào tạo với các viện, trường có chức năng, nhiệm vụ liên quan; Tập trung nguồn lực cho các đối tượng tiềm năng, thay vì dàn trải; Xây dựng các kênh truyền thông đa dạng, từ cấp Trung ương đến địa phương, nhằm tối ưu hóa về số lượng người được tiếp cận dự án.

Cảm ơn và ghi nhận những ý kiến quý báu, bà Michelle thừa nhận Dự án STW đặt ra những “tham vọng lớn” cho công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã. Bà hứa sẽ nghiên cứu việc đưa thêm trẻ em, những người trẻ vào đối tượng cần nâng cao nhận thức.

“Sau hội thảo hôm nay, hy vọng chúng ta sẽ có những thay đổi về chiều sâu, sát hơn với thực tế và tăng cường tính khả thi. Tất cả vì một tương lai bền vững cho Việt Nam”, bà Michelle cho biết.

Ông Phí Hải Nam, đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, những kế hoạch của Dự án STW cần quan tâm đến vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng, nhằm thay đổi hành vi của người dân.

Từ kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự với WWF, USAID, ông Nam đề xuất các hình thức tuyên truyền sinh động như phổ biến kiến thức bằng các bài dân ca, hoặc tổ chức các cuộc thi, kêu gọi sự quan tâm, chung tay của đông đảo người dân. “Bảo vệ động vật hoang dã là nhiệm vụ của cả cộng đồng, chứ không riêng một tổ chức, cá nhân nào”, ông Nam nhấn mạnh.