Theo WMO, việc mức tăng nhiệt độ trung bình của trái đất đạt ngưỡng 1,5 độ C cũng có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên như giết chết nhiều rạn san hô và làm thu hẹp lớp băng bao phủ ở Bắc Cực.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hôm 9-5 đã cảnh báo mức tăng nhiệt độ trung bình của cả thế giới có 50% khả năng sẽ đạt ngưỡng 1,5 độ C vào năm 2026 so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, hãng Reuters đưa tin.
Tuy nhiên, theo WMO, khả năng này sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn, cụ thể là chỉ trong năm 2026 và sẽ không kéo dài thêm nhiều năm. 1,5 độ C là ngưỡng mà các nhà khoa học đã đặt làm mức trần đối với nguy cơ trái đất đối mặt với một cuộc biến đổi khí hậu thảm khốc.
Khả năng mức nhiệt độ trung bình tăng thêm 1,5 độ C trong một thời gian ngắn đã gia tăng kể từ năm 2015, với các nhà khoa học ước tính xác suất xảy ra việc nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm là 20% vào năm 2020 và lên đến 40% vào năm 2021.
Dù mức gia tăng nhiệt độ trung bình đạt ngưỡng 1,5 độ C chỉ xảy ra trong ngắn hạn thôi nhưng việc này cũng có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, chẳng hạn như giết chết nhiều rạn san hô trên khắp thế giới và làm thu hẹp lớp băng bao phủ ở Bắc Cực.
Xét về dài hạn, hiện mức gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu đang ở mức hơn khoảng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã từng cam kết tuân theo Thỏa thuận chung Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu để ngăn chặn việc nhiệt độ trái đất vượt qua ngưỡng 1,5 độ C trong dài hạn, nhưng cho đến nay, các nước vẫn chưa thực hiện được việc cắt giảm lượng khí thải của mình, vốn là một trong những nguyên nhân chính khiến khí hậu nóng lên.
Các hoạt động công nghiệp hiện tại cũng như chính sách hiện hành của các nước có khả năng khiến thế giới ấm lên khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.
“Mất mát và thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra, một số có thể không thể đảo ngược trong tương lai gần” – ông Maxx Dilley, Phó giám đốc WMO cho biết:
“Điều quan trọng cần nhớ là một khi chúng ta chạm ngưỡng 1,5 độ C, chúng ta sẽ phải chịu những tác động tồi tệ hơn khi nhiệt độ tiếp tục tăng dần lên 1,6 độ C, 1,7 độ C và cứ tăng cao hơn nữa” – bà Kim Cobb, một nhà khoa học về khí tượng thủy văn tại Học viện Công nghệ Georgia, nhận định.