Báo động đỏ về cắt giảm khí thải

Khi các nỗ lực trong việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng cao, cam kết của các quốc gia về giảm phát thải carbon vẫn còn cách xa so hiện thực, thì việc tập trung cắt giảm nhu cầu năng lượng của người tiêu dùng mới là bước đi cần thiết nhất trong thời điểm hiện nay.

Khí thải khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng. Ảnh: AP

Bất chấp những cảnh báo về biến đổi khí hậu (BĐKH) do Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) đưa ra từ năm 1990, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ qua. Theo đó, tình trạng nóng lên toàn cầu do con người gây ra đang trên đà vượt qua con số 1,5oC và sẽ chạm mốc 3,2oC vào cuối thế kỷ này.

Hiện tại, chỉ có việc cắt giảm lượng khí thải carbon trong 10 năm tới trên tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, giao thông đến năng lượng mới có thể xoay chuyển được tình hình. Song song với đó, IPCC cũng khuyến nghị các chính phủ cần nỗ lực hơn nữa trong việc trồng cây và phát triển công nghệ loại bỏ một số khí CO2 tồn tại trong khí quyển sau hơn một thế kỷ hoạt động công nghiệp.

Các chuyên gia của IPCC cũng mong muốn rằng, thay vì tập trung giảm thiểu phát thải carbon hay sử dụng nhiên liệu bền vững bằng những lời hứa chưa thể thực hiện được, chính phủ các nước nên tập trung vào việc cắt giảm nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Bởi, nếu không giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, mục tiêu giảm lượng khí thải nhanh chóng vào cuối thập kỷ này để giữ cho mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới 1,5oC sẽ gần như không thể.

Phương pháp “tiết giảm nhu cầu” này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia trong việc thông qua các chính sách khuyến khích các lựa chọn bền vững, như hạn chế số lượng ô-tô vào các trung tâm thành phố, thay vào đó, đầu tư vào các làn đường dành cho xe đạp và phương tiện giao thông công cộng. Việc làm này cũng làm giảm khả năng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng những thiệt hại đó sẽ đem lại hiệu quả tích cực hơn cho con người trong lâu dài.