Việt Nam đề xuất ISA ưu tiên hoàn thành Bộ quy tắc về khai thác khoáng sản dưới đáy biển

Việt Nam đề nghị Hội đồng ISA dành ưu tiên sớm hoàn thành xây dựng Bộ quy tắc về khai thác khoáng sản dưới đáy biển, bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng và bình đẳng, tuân thủ các quy định của UNCLOS về bảo vệ môi trường.

Tăng cường năng lực và chia sẻ công nghệ

Từ 13-15/12, tại Kingston, Jamaica, diễn ra Khóa họp lần thứ 26 Đại hội đồng Cơ quan quyền lực đáy đại dương (ISA). Khóa họp do Đại sứ Denys Wibaux (người Pháp) làm Chủ tịch và có sự tham dự của đại diện hơn 160 nước thành viên.

Trong cuộc họp ngày 14/12, Tổng Thư ký ISA Michael Lodge đã báo cáo Đại hội đồng về hoạt động của ISA trong năm qua. Theo đó, ISA tiếp tục duy trì các nhiệm vụ được giao tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Hiệp định năm 1994 về thực thi Công ước, bảo đảm các lợi ích và nhu cầu của các nước đang phát triển được lồng ghép đầy đủ vào cơ chế quản lý đáy biển.

UNCLOS là công cụ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương, bao gồm các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường biển tại Vùng. (Ảnh minh họa: Internet)

Ông Lodge cũng chia sẻ thông tin về các chương trình và sáng kiến xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển, dự án “Phụ nữ trong nghiên cứu đáy biển” cũng như nỗ lực của ISA đóng góp vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Đại hội đồng ISA đã bầu các vị trí thành viên Ủy ban tài chính của ISA, thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch hành động của ISA thực hiện Thập niên Liên Hợp Quốc về khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững.

Cũng tại khóa họp, Việt Nam đề nghị Hội đồng ISA dành ưu tiên sớm hoàn thành xây dựng Bộ quy tắc về khai thác khoáng sản dưới đáy biển, phù hợp với nguyên tắc coi Vùng và các tài nguyên trong Vùng là di sản chung của nhân loại, bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng và bình đẳng, tuân thủ các quy định của UNCLOS về bảo vệ môi trường và chú trọng đến lợi ích, nhu cầu của các nước đang phát triển.

Đại diện Việt Nam đề nghị ISA sớm khôi phục các hoạt động hỗ trợ, tăng cường năng lực và chia sẻ công nghệ với các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, Đại sứ Phạm Hải Anh tái khẳng định cam kết của Việt Nam đề cao vai trò của UNCLOS là công cụ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương, bao gồm các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường biển tại Vùng.

Khai thác khoáng sản đáy biển – Lĩnh vực nhiều tiềm năng

Biển sâu là vùng đại dương có độ sâu hơn 200 m, che phủ khoảng 65% bề mặt trái đất. Theo trang Jargran Josh, các nước Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và các đảo quốc nhỏ như Cook Islands, Kiribati đang chạy đua khai thác biển sâu nhằm phục vụ nhu cầu kim loại. Công ty DeepGreen Metals (Canada) cho biết khai khoáng biển sâu có thể cung cấp các khoáng sản trọng yếu cho thế giới, giúp chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch, trong khi tác động môi trường và xã hội ít hơn so với khai thác kim loại trên đất liền.

Khoáng sản dưới đáy biển sẽ có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, nhờ cung cấp nguồn khoáng sản thay thế cho lĩnh vực năng lượng sạch. (Ảnh: Nautilus Minerals)

Nhận định về vấn đề này, ông Peter Ruddock, Giám đốc Công ty UK Seabed Resources (trực thuộc Lockheed Martin Anh) cho biết, các khoáng sản đáy biển sâu sẽ có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, nhờ cung cấp nguồn khoáng sản thay thế đáng tin cậy cho lĩnh vực năng lượng sạch, trong đó có công nghệ pin. Trang DSM Observer đưa tin việc chuyển đổi xe chạy bằng xăng dầu sang xe điện dẫn đến nhu cầu lớn về cobalt, nickel và các kim loại khác nhằm sản xuất pin có tỉ trọng năng lượng cao. Theo Tập đoàn Deme (Bỉ), một trong những tập đoàn tiên phong về nạo vét, khoảng 20 nước đang tích cực tham gia vào lĩnh vực khai khoáng biển sâu trên thế giới.

Tuy nhiên, Tổ chức Bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho rằng việc thỏa thuận về khai thác trong năm tới là hấp tấp vì lĩnh vực này chưa được kiểm soát đầy đủ. Điều tra của tổ chức này cho thấy chỉ vài tập đoàn lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ ngày càng thống trị các hợp đồng, chủ yếu về tìm kiếm và khai thác cobalt và nickel. Thậm chí có những lần các tập đoàn này còn thay thế vị trí đại diện Chính phủ tại các cuộc họp của ISA.

Các đại dương đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới khi ngành khai thác khoáng sản dưới biển sâu ngày càng phát triển. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang “xếp hàng” để kiếm lợi từ một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất trên hành tinh.

Các nhà khoa học cho rằng, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, việc khai thác khoáng sản sẽ đe dọa hệ sinh thái đại dương, đi ngược lại tinh thần toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Bà Louisa Casson – cán bộ của Greenpeace cho biết: “Sức khỏe đại dương có liên quan mật thiết đến sự sống còn của chính con người. Nếu không can thiệp sớm, việc khai thác sẽ gây ra hậu quả tàn khốc cho sinh vật biển và làm rối loạn hệ sinh thái toàn cầu”. Khi tiến hành khai thác, các loại máy móc khổng lồ sẽ được đưa xuống để khoan sâu vào đáy đại dương. Điều này có thể phá vỡ lớp trầm tích, giảm khả năng lưu trữ carbon.

Trong khi đó, ngành công nghiệp cho rằng khai thác biển sâu là cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các nguyên liệu thô từ đáy đại dương sẽ được dùng để sản xuất năng lượng tái tạo, pin, máy tính, điện thoại… Các doanh nghiệp – phía được lợi nhất ra sức khẳng định rằng phương pháp khai thác này ít gây hại cho môi trường và công nhân hơn những cách thức hiện tại.