Các hồ chứa thủy điện lưu vực sông Đà thiếu hụt khoảng 15 tỷ m3 nước

Theo tính toán, tổng lượng nước về trong giai đoạn mùa mưa năm nay trên nhánh sông Đà thiếu hụt khoảng 15 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm.

Đến ngày 2/11, hồ chứa thủy điện Hòa Bình đang thiếu khoảng 1,2 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường. Ảnh: VGP

Lượng nước về các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Đà trong mùa mưa năm nay chỉ bằng khoảng 60-70% so với trung bình nhiều năm, đặc biệt các lưu vực giữa của hồ Hòa Bình và Sơn La chỉ bằng 20-60% so với trung bình nhiều năm.Tại thủy điện Hòa Bình, đến ngày 2/11 mức nước hồ Hòa Bình đang thiếu khoảng 6,1 m so với mức nước dâng bình thường (tương ứng 1,2 tỷ m3 nước, quy đổi khoảng 250 triệu kWh). Điều này sẽ rất khó khăn cho giai đoạn cuối mùa khô năm nay, cũng như việc chuẩn bị nước cho công tác phát điện, cấp nước chống hạn trong mùa khô năm 2022.

Theo ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật-Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cả mùa mưa này, khu vực miền Bắc hầu như không có lũ về. Các hồ thuỷ điện lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát trên lưu vực sông Đà hiện cũng chỉ tích được khoảng 60% dung tích hữu ích.

Dù vậy, nguồn nước này đang phục vụ đa mục tiêu, từ bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ, cấp nước xuống hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của người dân cho đến cấp điện mùa khô và “phủ đỉnh”, giữ an toàn cho hệ thống điện.

Đại diện Ban Kỹ thuật-Sản xuất EVN cho biết: “EVN đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ chỉ đạo các địa phương chủ động xem xét nhu cầu mùa vụ, giống cây trồng để chuẩn bị tốt nhất cho các đợt đổ ải vụ Đông Xuân 2021-2022 với diện tích khoảng 600.000 ha. Cùng với nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, thì an ninh năng lượng cũng rất quan trọng. Đồng thời, vừa phải bảo đảm an ninh nguồn nước”.

Trong bối cảnh 10 tháng qua không xuất hiện lũ lớn trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình, mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp. Ngày 8/10, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du lưu vực sông Hồng những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Trên thực tế, theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng nguồn nước của Việt Nam nói chung, lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng còn thiếu hiệu quả. Trong đó, khoảng 5 tỷ m3 nước được xả ra hàng năm từ các hồ chứa thuỷ điện phục vụ gieo cấy, có đến hơn nửa trong số này đã chảy ra biển do thiếu hệ thống tích trữ, hệ thống thuỷ nông, công trình thuỷ lợi chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp cho phù hợp với điều kiện thực tế.