Thái Nguyên khắc phục bất cập quy hoạch rừng Thần Sa – Phượng Hoàng

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng rộng gần 20 nghìn ha, trải rộng trên địa bàn nhiều xã thuộc huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đang lưu giữ nhiều loài động, thực vật quý hiếm, di chỉ khảo cổ người tiền sử Mái Đá Ngườm là di tích lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, quy hoạch rừng đặc dụng chồng chéo ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tỉnh đang tích cực tháo gỡ bất cập này.

Diện tích tuyến đường từ ngã 3 Ngọc Sơn II vào 2 xóm Xuyên Sơn và Thượng Kim vừa được tỉnh Thái Nguyên đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng.

Năm 1999, tỉnh Thái Nguyên thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, xác lập quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích 19.937 ha. Tuy nhiên, hàng nghìn héc-ta đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng chưa đúng với thực tế, chồng chéo, trùm lên diện tích của nhiều xóm, bản, đất canh tác, nhà dân đã sinh sống lâu đời trước đó, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Gia đình ông Ma Văn Tào sinh sống nhiều đời ở xóm Ngọc Sơn II, xã Thần Sa. Năm 2003, ông Tào trồng 300 cây xoan trên diện tích 1,1 ha đất của mình, những năm gần đây cây đã đến giai đoạn được khai thác, nhưng ông không thể chặt bán vì quy hoạch rừng đặc dụng trùm lên diện tích đất trồng xoan. Nếu quản lý theo quy hoạch, ngân sách nhà nước cần hỗ trợ thu hồi diện tích đất rừng sản xuất và mua diện tích rừng ông Tào đã trồng, nhưng đến nay không thể thực hiện được.

Theo thống kê của Ban quản lý Rừng đặc dụng – phòng hộ tỉnh Thái Nguyên, trên bàn xã Thần Sa có tổng số 31 hộ dân sinh sống lâu đời, hoặc sinh sống từ trước khi thành lập Khu bảo tồn Thần Sa – Phượng Hoàng. Trong đó nhiều hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và đã trồng gần 72 ha rừng sản xuất, nhưng bị quy hoạch rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng trùm lên, cho nên người dân không thể khai thác được.

Quy hoạch Khu bảo tồn Thần Sa – Phượng Hoàng còn trùm lên nhiều thôn, bản, đường đi, đất lâm nghiệp, đất cấy lúa, nhà ở của người dân địa phương. Chi cục Trưởng Kiểm lâm Thái Nguyên Lê Cẩm Long cho biết: Nếu quản lý theo đúng quy hoạch rừng đặc dụng thì sẽ rất khó phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều xóm, bản trong khu bảo tồn, trước đây chủ yếu đi đường mòn, khi xây dựng nông thôn mới, mở đường rộng 2,5-3m để người dân đi lại, phát triển kinh tế – xã hội, dù diện tích mở đường không có rừng, chỉ là lau lách, cây dại, nhưng “đụng” đến quy hoạch rừng đặc dụng.

Quy hoạch rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng trùm lên đất rừng sản xuất và nhà ở của hơn 30 hộ dân xã Thần Sa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Dương Văn Hào cho biết, quy hoạch rừng đặc dụng khu bảo tồn Thần Sa – Phượng Hoàng thường liền khu, liền khoảnh, trùm lên đất canh tác, đất rừng sản xuất, nhà ở, công trình, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân và phát triển kinh tế – xã hội của gần mười xã trên địa bàn huyện.

“Ở khu vực Bản Ná, xã Thần Sa có hai xóm Xuyên Sơn và Thượng Kim với hơn 120 hộ đồng bào H’Mông, Dao, Tày sinh sống lâu đời, cần phải làm tuyến đường từ ngã ba Ngọc Sơn II vào Bản Ná, để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, phát triển kinh tế. Ngân sách nhà nước chưa đáp ứng, địa phương đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long hỗ trợ, huy động người dân đóng góp, hiến đất, nhưng lại liên quan đến quy hoạch rừng đặc dụng”, ông Hào nêu bất cập của quy hoạch rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng.

Khắc phục bất cập này, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2018, Ban quản lý Rừng đặc dụng – phòng hộ tỉnh Thái Nguyên phối hợp huyện Võ Nhai và các xã kiểm kê thực trạng diện tích rừng đặc dụng, rà soát đến từng hộ gia đình, từng xóm, bản để đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch rừng đặc dụng phù hợp với thực tế.

Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng-phòng hộ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuyên chia sẻ: “Từ năm 2018, đơn vị tập trung nhân lực rà soát kỹ, rà soát nhiều lần, cố gắng không bỏ sót một hộ nào, công trình nào, diện tích bất hợp lý nào còn nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng để đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch khu bảo tồn Thần Sa – Phượng Hoàng.

Ngày 19/8/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định 2713/QĐ-UBND, điều chỉnh quy hoạch rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng từ 19.937 ha xuống còn 18.704 ha, giảm 1.233 ha”.

Diện tích 1.233 ha này là đất canh tác, đất rừng sản xuất, nhà ở, công trình của người dân; công trình hạ tầng, văn hóa, tâm linh ở địa phương nên tỉnh Thái Nguyên phê duyệt đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng. Điều này được chính quyền địa phương và người dân đồng tình, vì diện tích rừng đặc dụng được xác lập lại sẽ có điều kiện được bảo vệ rừng bền vững, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.