Cá voi xanh quay trở lại biển ở Tây Ban Nha sau 40 năm vắng bóng

Cá voi xanh đang quay trở lại vùng biển Đại Tây Dương của Tây Ban Nha sau hơn 40 năm tuyệt chủng trong khu vực.

Cá voi xanh. Ảnh: Bottlenose Dolphin Research Institute

Cá voi xanh là loài động vật có vú lớn nhất thế giới với chiều dài trung bình từ 20-24m và nặng 120 tấn – tương đương với 16 con voi. Một số cá thể thậm chí dài tới 30m và nặng 170 tấn.

Con cá voi xanh đầu tiên được nhà sinh vật học biển Bruno Díaz phát hiện ngoài khơi bờ biển Galicia ở tây bắc Tây Ban Nha vào năm 2017. Hai con tiếp theo được phát hiện lần lượt vào năm 2018 và 2019. Chỉ khoảng hơn một tuần trước, một con khác cũng được phát hiện ở Islas Cíes, gần O Grove.

Bruno Díaz cho biết vẫn chưa rõ liệu cuộc khủng hoảng khí hậu có khiến các sinh vật thay đổi thói quen và quay trở lại khu vực nơi chúng từng bị săn bắt nhiều đến mức gần như tuyệt chủng hay không.

Tây Ban Nha đã không cấm săn bắt cá voi cho đến năm 1986, vào thời điểm này, loài cá voi xanh đã biến mất hoàn toàn trong khu vực.

“Tôi tin rằng lệnh cấm săn bắt cá voi là một yếu tố then chốt. Vào những năm 1970, ngay trước khi lệnh cấm được đưa ra, cả một thế hệ cá voi xanh đã biến mất. Giờ đây, hơn 40 năm sau, chúng ta đang chứng kiến ​​sự trở lại của chúng”, Guardian dẫn lời ông Bruno Díaz nói.

Ông Díaz suy đoán rằng những sinh vật này có thể đã trở về vì nỗi nhớ nhà hoặc do có ký ức về tổ tiên.

Ông nói: “Trong những năm gần đây, người ta phát hiện các cuộc di cư của cá voi xanh là do trí nhớ, không phải do điều kiện môi trường”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng coi sự trở lại của những chú cá voi là một tin vui.

Nhà sinh vật biển Alfredo López từ một tổ chức phi chính phủ của Galicia nói với tờ La Voz de Galicia: “Tôi bi quan vì có nhiều khả năng biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến môi trường sống của cá voi xanh”.

“Thứ nhất, chúng không bao giờ mạo hiểm bơi về phía nam của đường xích đạo. Có thể sự nóng lên toàn cầu đã thu hẹp môi trường sống của chúng ở phía bắc. Thứ hai, có thể sự cạn kiệt của nguồn thức ăn đã buộc chúng phải di cư đến đây và điều này không phải là điều để ăn mừng”.