Đầu tư 1.104 tỉ đồng cung cấp nước sinh hoạt cho 7 tỉnh ĐBSCL

Dự án sẽ thực hiện khoảng 80 công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các vùng khan hiếm nước, hải đảo, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng ven biển, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán thuộc 7 tỉnh ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ban hành quyết định về chủ trương đầu tư dự án Công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Theo đó, mục tiêu đầu tư là xây dựng các công trình trữ nước, tạo nguồn, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân tại các vùng khan hiếm nước, hải đảo, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng ven biển, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán thuộc 7 tỉnh ĐBSCL với khoảng 132.242 hộ dân (bao gồm khoảng 130.242 hộ dân trong đất liền và khoảng 2.000 hộ dân với khoảng 6.000 người dân trên đảo Thổ Châu) để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đồng thời, đảm bảo cung cấp nước phục vụ hậu cần nghề cá cho khoảng 700 tàu, cũng như góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên và phát triển du lịch trên đảo Thổ Châu, Kiên Giang.

Kênh rạch vùng ngọt tỉnh Cà Mau khô cạn vì hạn hán, ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Về quy mô đầu tư, dự án sẽ thực hiện khoảng 80 công trình cung cấp nước sinh hoạt. Trong đó, xây dựng mới khoảng 41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; Sửa chữa, nâng cấp khoảng 38 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; Xây dựng mới 1 hồ chứa nước ngọt trên đảo Thổ Châu, tỉnh Kiên Giang với dung tích khoảng 230.000 m3, trạm xử lý nước và các hạng mục công trình phụ trợ khác.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.104 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý. Dự án sẽ tiến hành xây dựng các công trình trữ nước, tạo nguồn, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân tại 7 tỉnh ĐBSCL, bao gồm: Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Thời gian thực hiện dự án 4 năm kể từ năm khởi công. Dự kiến tiến độ thực hiện và kế hoạch bố trí vốn cho dự án theo các giai đoạn sau: 2020 – 2022: Chuẩn bị dự án; 2022 – 2025: Thực hiện dự án. Về kế hoạch bố trí vốn: 4,2 tỉ đồng giai đoạn 2016 – 2020, 1.099,8 tỉ đồng giai đoạn 2021 – 2025.

Theo quyết định của Bộ NN&PTNT, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiến hành tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Tổng cục Thủy lợi là cơ quan chủ trì (phối hợp với Vụ Kế hoạch và các đơn vị có liên quan) thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Bộ phê duyệt dự án, quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Các đơn vị trực thuộc Bộ xử lý các công việc có liên quan trong quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị của Bộ NN&PTNT.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong mùa khô năm nay nhiều địa phương bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Từ đầu tháng 3 – 4/2021, hơn 16.600 hộ dân ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre sử dụng nước máy sinh hoạt từ Nhà máy nước Lương Qưới phải trả tiền nước là 51.500 đồng/m3, tăng gấp 5 lần so với bình thường. Lãnh đạo nhà máy nước cho hay, trước đây giá nước chỉ có 9.600 đồng/m3 nhưng nguồn nước của nhà máy bị nhiễm mặn, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre phải thuê hơn 10 chiếc sà lan (tải trọng trung bình 700 tấn/chiếc) vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn bơm về để phục vụ người dân.

Ngoài ra, các xã ven biển thuộc 2 huyện An Biên, An Minh (tỉnh Kiên Giang) chưa có công trình cấp nước, giếng khoan nhiễm mặn, nước tích trữ bằng mương, đìa, lu, khạp hết mưa vài tháng là trơ đáy nên người dân phải đổi nước từ các xe bồn tự chế với giá từ 60 – 100 nghìn đồng/m3.

Tại các xã đảo của huyện Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên, người dân lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng hơn. Xã An Sơn, huyện Kiên Hải có hồ chứa 30.000 m3 nhưng nắng kéo dài đang trong tình trạng cạn kiệt. Các xã khác của huyện Kiên Hải như: Hòn Tre, Lại Sơn, Sơn Hải, Hòn Nghệ, Tiên Hải, đặc biệt là đảo Nam Du nhu cầu về nước ngọt của người dân đang rất cấp thiết.