Bi kịch của bạch hổ

Hổ trắng được tạo ra khi hai cá thể hổ màu cam có dạng gen lặn hiếm gặp của một gen (còn gọi là alen) giao phối với nhau. Hổ trắng trong tự nhiên hiếm đến nỗi chúng chỉ được nhìn thấy một vài lần trong lịch sử với cá thể hoang dã cuối cùng được biết đến bị giết vào năm 1958. Ngược lại, bạch hổ rất phổ biến trong điều kiện nuôi nhốt do kết quả của việc giao phối cận huyết nhưng chính điều này lại gây hại cho loài mèo lớn đặc biệt quý hiếm.

Bi kịch của bạch hổ (Ảnh: Simone Pretolani Getty Images)

Các nhà khoa học vẫn tranh cãi liệu tính hiếm của bạch hổ là do alen lặn – kết quả của đột biến một lần hay do chúng thiếu khả năng ngụy trang hoàn hảo nên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng rình rập con mồi hoặc tránh những kẻ săn mồi khác.

Dù là gì đi nữa thì cũng khó thay đổi được sự thật phũ phàng rằng bạch hổ đang bị các nhà thương mại khai thác triệt để nhằm phục vụ hoạt động giải trí, du lịch.

Cũng chính bởi tính quý hiếm đặc biệt mà các nhà khai thác, trưng bày và sưu tập tìm mọi cách duy trì quần thể hổ trắng hòng thu lợi. Để tiếp tục sinh ra hổ trắng, những cá thể nuôi nhốt có biểu hiện alen hiếm sẽ được lai tạo mạnh mẽ qua nhiều thế hệ. Nói cách khác, bố mẹ được lai tạo với con cái, anh chị em ruột được lai với nhau, và các động vật có quan hệ họ hàng gần khác cũng được lai với nhau. Trên thực tế, tất cả những cá thể hổ trắng bị nuôi nhốt ở Mỹ được cho là hậu duệ của một cá thể hổ Bengal đực duy nhất tên là Mohan.

Bị bắt giữ từ khi còn là một cá thể hổ con bởi một nhóm săn bắn vào năm 1951, Mohan được lai tạo với một cá thể hổ màu cam và sau đó với chính con gái của chính mình. Sự giao phối cận huyết này dẫn đến sự ra đời của một cá thể hổ cái tên là Mohini – một trong hai cá thể hổ trắng trong lứa 4 con do Mohan và con gái sinh ra. Mohini được tặng cho Vườn thú quốc gia Smithsonian vào năm 1960 và sau đó được lai tiếp với người anh cùng cha khác mẹ của mình, sinh ra một cá thể hổ đực và các thế hệ tiếp tục bị ép giao phối cận huyết để tạo ra nhiều hổ trắng hơn.

Điều đáng buồn là thực hành phi khoa học về giao phối cận huyết liên tục vẫn tiếp tục cho đến nay, không phải bởi các vườn thú được Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung Hoa Kỳ (AZA) công nhận như Vườn thú quốc gia Smithsonian mà chủ yếu bởi các doanh nghiệp thương mại phần lớn không được kiểm soát – những người sử dụng hổ trắng để thu hút du khách trả tiền . Hơn 60 năm kể từ khi Mohan và 11 thế hệ hổ ra đời, hổ trắng vẫn phải nếm trải hậu quả vô cùng bi thảm của quá trình giao phối cận huyết trên diện rộng. Chúng khiến các cá thể bị suy giảm thể lực sinh học hay rơi vào trạng thái “trầm cảm cận huyết”, tỷ lệ con non tử vong cao. Đối với những động vật được lai tạo nhiều, hơn 80% con cái chết ngay sau khi sinh. Hổ trắng cũng bị giảm số lượng lứa và thời gian sống trung bình ngắn hơn, dễ bị suy giảm thị lực, dị tật tim, biến dạng cột sống và khuôn mặt nghiêm trọng, hệ thống miễn dịch bị tổn hại.

Năm 2011, AZA đã chấm dứt hoạt động nhân giống hổ trắng với lý do “các điều kiện cùng đặc điểm bên ngoài và bên trong bất thường, suy nhược và đôi khi gây tử vong” do việc lai tạo động vật hoang dã nhằm tăng tần suất các alen quý hiếm.

Tuy nhiên, các cơ sở núp bóng danh nghĩa khu bảo tồn cứu hộ hợp pháp (pseudosanctuaries) vẫn tiếp tục ép hổ sinh sản và lạm dụng hổ trắng dưới chiêu bài bảo tồn. Điều này khác xa so với bảo tồn thực sự. Thực tế bạch hổ được nuôi nhốt hoàn toàn không phục vụ mục đích bảo tồn hay giáo dục. Sự thiếu đa dạng di truyền, mức độ giao phối cận huyết cao và hậu quả đơn đau về thể chất khiến chúng cùng các thế hệ con cháu không được xem xét cho bất kỳ chương trình phóng thích giả định nào. Và điều đáng buồn hơn là những cá thể này cũng không có chỗ trong bất kỳ chương trình bảo tồn nào, không một tổ chức bảo tồn hợp pháp nào xác nhận nuôi bạch hổ.

Lý do duy nhất khiến hổ trắng được nuôi nhốt là vì chúng mang lại nguồn lợi khổng lồ cho các chủ nuôi và các nhà trưng bày – những người sẽ thu phí khách tham quan tại các địa điểm giải trí để được chơi với hổ con cũng như sử dụng chúng làm đạo cụ chụp ảnh. Một khi những cá thể hổ con thoát khỏi trò chơi xấu xa này, chúng sẽ tiếp tục được bán cho công chúng dưới dạng “vật nuôi”, được nhập kho hoặc được lai tạo kỹ lưỡng để tạo ra các thế hệ hổ trắng kiếm tiền tiếp theo hoặc cũng có thể bị đối xử vô nhân đạo theo các cách khác nhau.

Khi nào công chúng còn tin vào các tuyên bố bảo tồn sai lầm của các nhà trưng bày để mua hoặc trả tiền xem hoặc xử lý một cá thể hổ trắng, khi đó, bạch hổ còn gặp nguy. Họ chẳng khác nào đang vô tình cổ súy giao phối cận huyết vô trách nhiệm và các hành vi vô nhân đạo.

Tín hiệu tích cực duy nhất là luật liên bang Hoa Kỳ đã được đưa ra tại Thượng viện bao gồm Đạo luật An toàn Công cộng Big Cat (HR 263 / S. 1210) – hy vọng điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào động lực tài chính quan trọng đằng sau việc nuôi nhốt hổ trắng không ngừng và không được kiểm soát khiến chúng rơi vào trạng thái “sinh sản đến chết”.

Văn hóa đại chúng đã lãng mạn hóa việc nuôi nhốt và sinh sản hổ cùng các loài mèo lớn khác theo một cách vô cùng nguy hại. Điều này cần phải dừng lại ngay để bảo vệ những cá thể mang tính biểu tượng khỏi mối đe dọa lớn nhất của chúng: con người.

Châu Nhi (Theo scientificamerican.com)

Nguồn: