Chim cánh cụt có nguy cơ mất môi trường sống cao nhất do biến đổi khí hậu

Tờ báo Guardian của Anh vừa đưa tin, báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) về tác động của biến đổi khí hậu cho thấy, khi nhiệt độ Trái đất tăng 1,5 độ C, nhiều loài sẽ phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về tìm kiếm thức ăn và môi trường sống. Trong đó, loài có nguy cơ mất môi trường sống cao nhất là chim cánh cụt, bởi tình trạng băng tan đang diễn ra nhanh chóng ở Nam Cực.

Chim cánh cụt Gentoo tại Cơ sở nghiên cứu Esperanza của Argentina. (Ảnh: Abbie Trayler-Smith/Greenpeace)

Ngoài chim cánh cụt, hải âu và nhiều loài khác cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề như mất môi trường sống và nguồn thức ăn nếu Trái đất nóng lên hơn 1,5 độ C.

Thỏ rừng núi chuyển lông màu trắng vào mùa đông để ngụy trang. (Ảnh: Chanonry/Kho ảnh Alamy)

Tại Anh, nước biển ấm lên khiến nguồn thức ăn chính của loài chim hải âu là cá chình biển bị giảm đáng kể; bộ lông của thỏ núi ở cao nguyên Scotland sẽ chuyển thành màu trắng vào mùa đông và trở lại thành màu nâu vào mùa hè để ngụy trang. Tuy vậy, sự nóng lên toàn cầu đã khiến tuyết tan sớm hơn, trước khi lớp lông của chúng trở lại màu nâu, khiến loài thỏ này dễ dàng bị những kẻ săn mồi phát hiện.

Báo cáo của WWF cũng đề cập đến số lượng loài rùa luýt sẽ giảm mạnh, trứng của chúng có thể không nở vì rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, dù là nhỏ nhất. Ngoài ra, báo cáo nhắc đến số phận của loài khỉ sóc đầu đen sống ở vùng đồng bằng Amazon. Cụ thể, nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên 1,5 độ C, lũ lụt lớn sẽ thường xuyên xảy ra hơn và có thể quét sạch toàn bộ quần thể khỉ này.

Báo cáo của WWF cũng đề cập đến số lượng loài rùa luýt sẽ giảm mạnh. (Ảnh: Graham Eaton/WWF)

Giám đốc điều hành Khoa học và Bảo tồn của WWF, ông Mike Barrett cho biết, khủng hoảng khí hậu đã làm gia tăng sự mất mát về động vật hoang dã, các quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm 68% kể từ năm 1970. “Biến đổi khí hậu gây ra tác động rõ rệt và nếu không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ phải sớm đối mặt với thảm họa”, ông Barrett nhấn mạnh.

Đất khô cằn do hạn hán ở đầm phá Sebkhra de Kelbia ở Tunisia. (Ảnh: Michel Gunther/WWF)

Theo Giám đốc điều hành WWF, bà Tanya Steele, báo cáo đã chỉ rõ nguyên nhân các chính phủ cần tăng cường cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính, các nhà lãnh đạo thế giới phải nắm bắt cơ hội tại cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 26) được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh vào tháng 11 năm nay theo dự kiến.