Số lượng lợn biển chết tăng đột biến ở Mỹ

Một con lợn biển bơi trong hồ bơi ở Tampa, Florida, Mỹ. Ảnh: AFP

Các nhóm bảo vệ môi trường ở Florida, Mỹ cảnh báo số lượng lợn biển chết cao bất thường trong 5 tháng đầu năm.

Một phần nguyên nhân là do tảo phát triển quá nhanh làm ô nhiễm và phá hủy nguồn thức ăn, có thể đe dọa tương lai lâu dài của loài này.

The Guardian đưa tin, các nhóm bảo vệ môi trường cho biết 749 con lợn biển chết đã được Ủy ban Bảo tồn Cá và Động vật hoang dã Florida (FWC) ghi nhận tính đến ngày 21.5, vượt qua 637 trường hợp so với cả năm 2020. FWC khẳng định, tổng số lợn biển chết trong cả năm 2021 sẽ vượt qua mức con số kỷ lục 804 con, được thiết lập vào năm 2018.

Sự chết dần của các khu vực cỏ biển – nguồn thức ăn ưa thích cho các loài động vật có vú di chuyển chậm dưới nước – đã gây ra nạn đói.

Ngoài khơi, sự rò rỉ và xả nước thải độc hại vào vịnh Tampa từ nhà máy phân bón Piney Point, cùng với sự trở lại của mối đe dọa “thủy triều đỏ” (hiện tượng nở hoa của tảo) đã làm nhiễm độc nước.

FWC cho hay, 12 con lợn biển chết trong năm cho đến nay là do các đợt thủy triều đỏ, nhưng con số thực có thể cao hơn nhiều vì không phải con lợn biển chết nào cũng bị hoại tử.

Trong khi đó, Trung tâm Đa dạng Sinh học (CBD) bày tỏ lo ngại về một nghiên cứu hồi tháng Ba, cho thấy dấu vết của thuốc trừ sâu trong hơn 55% lợn biển được kiểm tra.

Bob Graham – cựu thống đốc bang Florida – thông tin rằng, FWS đã thay đổi tình trạng bảo tồn của lợn biển từ nguy cấp sang bị đe dọa vào năm 2019.

“Họ đã lắng nghe các nhóm chống lợn biển và sớm đưa lợn biển ra khỏi danh sách loài nguy cấp, trước sự phản đối của các nhà khoa học và hàng nghìn người Mỹ – những người hiểu rằng tương lai của lợn biển không an toàn và thực tế có thể còn tồi tệ hơn nhiều. FWS nên thừa nhận sai lầm của mình và liệt kê lại lợn biển là loài có nguy cơ tuyệt chủng”, ông Graham nói.

Bên cạnh đó, hai thành viên Quốc hội, Stephanie Murphy – đảng viên đảng Dân chủ và Brian Mast – đảng viên đảng Cộng hòa, đã đề xuất luật tăng cường tài trợ liên bang để bảo vệ loài lợn biển.