Cần đặt tài chính đa dạng sinh học vào trọng tâm nền kinh tế toàn cầu

Các nhà nghiên cứu từ 3 trường đại học Lancaster, British Columbia và Duke vừa công báo báo cáo mới chỉ rõ đa dạng sinh học toàn cầu đang bị tác động mạnh mẽ bởi các động lực phát triển kinh tế.

Nỗ lực bảo tồn ở Kenya và toàn thế giới bị cản trở bởi quá trình cơ cấu kinh tế như nợ nần hoặc thắt chặt chi tiêu, góp phần vào sự suy giảm của các loài như tê giác (Ảnh: Pattrick Bigger/Đại học Lancaster)

Nghiên cứu tập trung giải thích sự thất bại trong việc thực hiện cam kết hướng tới Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), một hiệp ước đa phương nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học cũng như chia sẻ lợi ích công bằng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy cách tiếp cận toàn cầu trong việc thiết lập chính sách đa dạng sinh học đang bị chệch hướng khi những cuộc thảo luận xoay quanh việc làm thế nào để đưa thiên nhiên vào những quy tắc hiện có của trò chơi kinh tế thay vì xem những quy tắc này là cội rễ của vấn đề. Các khoản đầu tư vào những dự án cải thiện thiên nhiên cũng mới thực hiện được nhỏ giọt so với mục tiêu ngăn chặn cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học ngày càng trầm trọng. Các tác giả cảnh báo mặc dù tài trợ cho hành động đa dạng sinh học sẽ tiếp tục tăng lên nhưng để đạt hiệu quả, những động lực kinh tế dưới đây cần được ưu tiên giải quyết:

  • Các quy tắc thương mại và đầu tư đang làm gia tăng suy thoái đa dạng sinh học;
  • Sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong tài trợ công và tư cho các ngành công nghiệp làm suy giảm đa dạng sinh học;
  • Các chính sách thắt lưng buộc bụng và tự do hóa thương mại rộng rãi được áp đặt như các điều kiện để tiếp cận hỗ trợ tài chính;
  • Các khoản nợ chồng chất lên các nước đang phát triển làm cạn kiệt tài chính công và khiến nhiều quốc gia không thể đầu tư vào bảo tồn và sử dụng bền vững;
  • Bất bình đẳng toàn cầu và trong nước gia tăng mà đa dạng sinh học được cho là nguyên nhân làm tổn hại đến phát triển kinh tế;
  • Chi tiêu công cho các khoản trợ cấp làm tổn hại đến đa dạng sinh học và điều này làm lu mờ chi tiêu quốc tế cho các sáng kiến đa dạng sinh học;
  • Tình trạng trốn thuế của tầng lớp giàu có và các tập đoàn làm giảm quỹ công.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các nước giàu đang không tuân thủ nghĩa vụ Công ước CBD về tài trợ. Trong gần 30 năm kể từ khi CBD ra đời vào năm 1992, các quốc gia này mới chi trả khoảng một nửa (58%) những gì đã hứa trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi các chương trình nghị sự kinh tế góp phần gây ra hoặc thậm chí làm sâu sắc các nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học.

Tiến sĩ Jessica Dempsey đến từ khoa Địa lý, Đại học British Columbia, đồng trưởng nhóm  nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không chỉ cần nhiều nguồn tài chính hơn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học mà chúng ta cần suy nghĩ rộng hơn về cách các quy tắc kinh tế đang thúc đẩy đợt tuyệt chủng thứ sáu. Chúng ta cần xem xét kỹ chính sách thuế và sở hữu trí tuệ, thậm chí toàn bộ ý tưởng cách thức hoạt động của nền kinh tế toàn cầu”.

Các tác giả nhấn mạnh sự phân biệt chủng tộc, giới tính, giai cấp không chỉ tác động đến sự mất mát đa dạng sinh học mà còn thúc đẩy sự tuyệt chủng và suy thoái sinh thái bằng cách thúc đẩy các nước đang phát triển và cộng động yếu về tài chính theo đuổi các chiến lược phát triển gây tổn hại cho hệ sinh thái. Công bằng xã hội và công lý môi trường do đó cần phải được coi là trọng tâm trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học.

Ngoài các vấn đề trên, báo cáo cũng nhấn mạnh vào các khoản nợ  – cả về tiền và sinh thái – mà các nước giàu cần chi trả cho người nghèo. Việc hoàn trả các khoản nợ này là rất quan trọng nhưng không thể chỉ bằng cách cung cấp thêm vốn qua những kênh hiện có mà cần xây dựng quy tắc toàn cầu mới để tạo ra nền kinh tế công bằng hơn.

Các tác giả cho rằng bối cảnh Covid-19 hiện nay càng thúc đẩy quá trình tư suy lại về cấu trúc và các quy tắc nền kinh tế toàn cầu. Họ đưa ra 5 khuyến nghị để quá trình chuyển đổi kinh tế toàn cầu không làm suy giảm đa dạng sinh học và kêu gọi 196 chính phủ tham gia Công ước CBD thực hiện theo:

  • Cần chấm dứt các chính sách thắt lưng buộc bụng bởi điều này sẽ thúc đẩy việc khai thác thiên nhiên và cản trở việc thực hiện CBD;
  • Kiểm soát tài chính và xử phạt các ngành công nghiệp gây tổn hại đa dạng sinh học, tổn hại quyền của người dân bản địa và cộng đồng địa phương;
  • Đảm bảo tài chính đa dạng sinh học không cản trở sự thay đổi mang tính chuyển biến cũng như không làm suy yếu các mục tiêu CBD;
  • Giảm thiểu sự chênh lệnh giàu nghèo và bất bình đẳng trong nước và trên thế giới cản trở sự thay đổi mang tính chuyển biến;
  • Xóa bỏ bất bình đẳng giai cấp, tầng lớp, chủng tộc và giới tính vốn là nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học và cản trở bảo tồn, phát triển bền vững.

Tiến sĩ Patrick Bigger đến từ Trung tâm Pentland, Đại học Lancaster, đồng nghiên cứu trưởng dự án cho biết: “Chúng tôi kêu gọi một cách tiếp cận mới khẩn cấp với các nước giàu và hành động đa phương phối hợp để điều chỉnh, chuyển hướng tài chính làm suy giảm đa dạng sinh học theo hướng phục hồi xanh. Điều này đòi hỏi cần củng cố các thể chế công cũng như tiến hành cải cách chính trị và đầu tư công rộng rãi”.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nguồn vốn thường được chuyển vào các dự án không hiệu quả, không được chứng minh, thậm chí phản tác dụng. Nhiều dự án trong số này dựa trên cái gọi là tài chính hỗn hợp nhằm hỗ trợ các tổ chức tư nhân tìm kiếm lợi nhuận thay vì trực tiếp giúp các quốc gia giàu có đa dạng sinh học bảo vệ những hệ sinh thái mong manh cùng những người sống phụ thuộc vào những hệ sinh thái này”, Patrick Bigger chia sẻ.

Sơn Thủy

Nguồn: