Indonesia đánh đổi gì khi nới lỏng các quy tắc trồng cọ dầu?

Những thay đổi cho thấy một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phải đánh đổi điều gì để có thể tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân.

Các nữ công nhân Indonesia tiến hành bón phân tại một đồn điền trồng cọ.

Nông dân Indonesia Albertus Wawan hy vọng quy định mới của chính phủ khiến mảnh đất nhỏ nơi ông trồng cây dầu cọ trong một khu bảo tồn rừng ở Borneo có thể được công nhận là rừng trồng hợp pháp và đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn.

Nhưng hy vọng của hàng nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ như Wawan về việc trang trại của họ được chấp nhận trong các khu vực rừng được chỉ định là điều đáng báo động đối với các nhóm bảo vệ môi trường và xảy ra vào thời điểm dầu cọ đang bị giám sát ở một số nước phương Tây vì có liên quan đến nạn phá rừng.

Những thay đổi, một phần trong quá trình tự do hóa sâu rộng các quy định của Tổng thống Joko Widodo nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cho thấy các quốc gia phải đánh đổi điều gì để lựa chọn giữa bảo vệ môi trường hay tạo việc làm để nâng cao mức sống.

Trang trại được chấp nhận có tư cách pháp nhân sẽ cho phép Wawan tham gia chương trình cho vay có trợ cấp. Ông cũng lập luận rằng chỉ được biết khu vực canh tác là bất hợp pháp vào năm 2015 khi chính phủ sửa đổi quy hoạch đất nơi sinh sống.

“Chúng tôi bị coi là bất hợp pháp mặc dù chúng tôi tin rằng vùng đất này đã được tổ tiên truyền lại qua nhiều thế hệ từ trước khi Indonesia độc lập”, Wawan nói khi đề cập đến ngày thành lập đất nước vào năm 1945.

Đạt được tư cách pháp nhân cũng sẽ cho phép các hộ nông dân nhỏ tham gia chương trình của chính phủ để thay thế những cây cho năng suất thấp bằng những cây con tốt hơn.

Indonesia là nước sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu vào năm 2020 ước tính đạt khoảng 23 tỷ USD, mặc dù việc mở rộng trồng cọ thường ở những khu vực từng là rừng nhiệt đới phong phú.

Chính phủ cho rằng năng suất sản xuất cao hơn so với các loại dầu thực vật khác giúp việc trồng cọ ít gây tổn hại đến môi trường hơn đồng thời cung cấp việc làm cho hàng chục triệu nông dân và công nhân chế biến.

Tuy nhiên, các quy định mới có nguy cơ xóa sổ nhiều năm nỗ lực chống phá rừng bất hợp pháp của các đồn điền và công ty nhỏ. Có nghĩa là người vi phạm có thể chỉ phải nộp phạt thay vì bị truy tố hình sự, Wahyu Perdana, Giám đốc chiến dịch về các hệ sinh thái thiết yếu của tập đoàn môi trường lớn nhất Indonesia là tập đoàn Walhi, cho biết.

“Nếu hoạt động này tiếp tục, nguy cơ phá rừng sẽ lớn hơn”, ông nói.

Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia không trả lời yêu cầu bình luận.

Nhưng tại phiên điều trần của quốc hội vào tháng trước, Tổng thư ký của Bộ, Bambang Hendroyono đã phủ nhận việc Luật omnibus (tạo việc làm) sẽ xóa bỏ việc sử dụng đất bất hợp pháp và nói rằng nó chỉ cho phép tiếp cận hợp pháp để sử dụng rừng trong một khoảng thời gian nhất định.

Kế hoạch tái canh

Theo các quy định mới, một khu đất tối đa 5 ha (12,4 mẫu Anh) có thể được giải phóng khỏi tình trạng được bảo vệ nếu một người nông dân đã sống trên đó 20 năm. Chủ sở hữu sau đó có thể đủ điều kiện để được trợ cấp tái canh tác.

Một cơ chế khác cho phép nông dân tiếp tục canh tác trong khu bảo tồn rừng cho đến khi cây trồng đạt tối đa 15 năm nhưng họ phải trả lại cho chính phủ chi phí tài nguyên rừng đã tiêu thụ và một khoản phí trồng rừng riêng.

Indonesia cho biết chương trình tái canh tác của họ cho phép các hộ nông dân nhỏ tăng sản lượng và thu nhập từ các mảnh đất hiện có thay vì trồng mới và không khuyến khích việc đốt cây phát triển để dọn sạch đất thường gây ra thảm họa cháy rừng tàn khốc.

Nhưng Hiệp hội nông dân trồng cọ Apkasindo cho biết khoảng 80% thành viên tìm kiếm trợ cấp trồng lại đã không nhận được sự chấp thuận sau khi các trang trại được công bố bên trong các khu vực bảo tồn rừng.

Kanisius Tereng, một nông hộ khác ở Borneo cho biết hợp tác xã của ông đã mất ba năm để xin tham gia chương trình trước khi một số nông dân rút lui vì mảnh đất của họ nằm trong khu bảo tồn.

“Kế hoạch tái canh tác vẫn còn rất nhiều yêu cầu, đó là lý do tại sao không có tiến triển”, người đàn ông 53 tuổi nói.

Musdhalifah Machmud, Thứ trưởng Điều phối các Vấn đề Kinh tế, cho biết các quy định mới sẽ cung cấp giải pháp cho những thách thức mà chương trình tái canh tác phải đối mặt.

Indonesia cho biết, 3,37 triệu ha trồng dầu cọ nằm trong các khu vực bảo tồn rừng.

Một quan chức Bộ cho biết trong số 2,4 triệu ha được nhắm mục tiêu tái canh tác, ước tính khoảng 500.000 ha được cho là nằm trong rừng.

Trong khi chính phủ khẳng định lợi ích của các quy định mới, Wahyu – thuộc nhóm môi trường Walhi chỉ ra hồ sơ theo dõi môi trường kém của Indonesia.

Ông lưu ý rằng các nhà chức trách thường không áp dụng các hình phạt trước đây đối với những hành vi phá hoại rừng, bao gồm cả những đồn điền bị phát hiện gây ra cháy rừng tàn khốc vào năm 2015.