Tết tử tế không thịt thú rừng

Mùa lễ Tết cũng là mùa của tiệc tùng, ăn uống và không ít thú rừng đã bị tước đoạt sinh mệnh để trở thành món nhậu, bất chấp pháp luật. Sau hơn 5 tháng kể từ khi Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã ban hành, tình trạng săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã vẫn đang diễn ra vô cùng phức tạp.

Khánh Vân _ Hoa Hậu hoàn Vũ Việt Nam 2019.

Ăn thịt thú rừng – đẳng cấp không thấy, chỉ thấy hậu họa

Nguyên nhân khiến các loài động vật hoang dã (ĐVHD) bị săn lùng là do những lời đồn thổi về tác dụng bồi bổ, chữa bệnh thần kỳ của chúng.

Nhiều người không tiếc tiền để chi ra có khi tới cả trăm triệu đồng để được thưởng thức những loại thịt thú rừng quý hiếm. Nhiều loài động vật quý hiếm đang bị đưa lên bàn nhậu, bàn tiệc từng ngày, từng giờ với những cách thức vô cùng man rợ.

Nhiều người đồn nhau rằng, voọc là thuốc quý để chữa bệnh, nên phải ăn sống mới bổ. Vì vậy, ngay sau bắt voọc về, nhiều người không ngại giết sống con voọc bằng cách bửa sọ, lột da và moi cả trái tim còn đang thoi thóp để ngâm rượu. Song, trên thực tế, chưa ai chứng minh được tác dụng chữa bệnh của loài động vật này.

Theo Sách đỏ Việt Nam, mỗi năm voọc chà, voọc đen, voọc mũi hếch… chỉ đẻ một con. Đây đang là loài thú rừng bị con người săn lùng, giết hại bạo tàn nhất. Dù biết rằng săn bắn voọc là phạm pháp, thậm chí có thể bị đi tù, nhưng vì món lợi nhuận khổng lồ mà chúng đem lại và vì thú vui chi tiền không tiếc tay của các đại gia mà số phận những con voọc vẫn đang bị đe dọa.

Từ những lời đồn thổi về tác dụng bồi bổ, chữa bệnh của tay gấu, mật gấu… mà loài vật này cũng bị tàn sát, khai thác không thương tiếc. Người ta khai thác, giết hại gấu bằng nhiều cách thức dã man. Kinh khủng nhất là hình ảnh những con gấu đau đớn quằn quại mỗi khi bị hút mật sống. Không chỉ bị lấy mật, gấu còn bị giết hại để lấy thịt, tay, chân.

Ở Việt Nam, hổ cũng là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Những chiếc nanh hổ cũng bị nhổ ra đem bán cho những đại gia thích sưu tập với giá cả chục triệu đồng. Còn thịt, xương hổ được chế biến thành nhiều món nhậu hoặc nấu cao.

Cuối năm 2019, những ca bệnh đầu tiên liên quan đến Covid-19 được ghi nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng bùng phát thành dịch bệnh với tốc độ lây lan nhanh chóng ra toàn thế giới.Dù chưa có kết luận chính thức, nhưng các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy Covid-19 xuất phát từ ĐVHD, được phát hiện đầu tiên từ chợ buôn bán ĐVHD tại Vũ Hán.

Buôn bán ĐVHD là phạm pháp.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người hiện nay đều có nguồn gốc từ ĐVHD. Bằng chứng cụ thể nhất chính là một loạt bệnh truyền nhiễm mà con người liên tục phải đối mặt trong 50 năm qua, khiến hàng tỉ người mắc bệnh và hàng triệu người chết mỗi năm như dịch cúm gia cầm H5N1 bắt nguồn từ các loài chim hoang dã; virus SARS năm 2002 đã truyền từ dơi sang loài cầy hương; dịch MERS, một chủng virus corona bắt nguồn từ dơi… Có thể nói, sự bùng phát dịch Covid-19 là tiếng chuông cảnh tỉnh cả thế giới phải nhìn nhận nghiêm túc về nạn buôn bán ĐVHD.

Người nổi tiếng kêu gọi cộng đồng

Trước thực trạng này, ngày 23/7/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD. Sau hơn 5 tháng kể từ khi Chỉ thị 29/CT-TTg được ban hành, tình trạng săn bắt, vận chuyển ĐVHD vẫn đang diễn ra vô cùng phức tạp.

Số liệu mới nhất do Cơ quan điều tra Môi trường (EIA) công bố năm 2019 cho thấy, khoảng 15 năm gần đây, trong số các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam có ít nhất 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể voi); 1,69 tấn sừng tê giác (khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ, 65.510 cá thể tê tê.

Để đáp ứng nhu cầu thịt thú rừng làm món ăn đặc sản trong khu vực đô thị, bên cạnh nguồn cung cấp từ các đường dây vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam, thì nguồn cung đến từ chính từ các khu rừng ở Việt Nam.

Theo báo cáo “Sự im lặng của những chiếc bẫy dây: Khủng hoảng đặt bẫy dây ở Đông Nam Á” của Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), số lượng bẫy dây hiện có tại các khu rừng, khu bảo tồn ở Việt Nam là 110,7 bẫy/ km², đe dọa nghiêm trọng các loài hoang dã.

Những con số này cũng nói một hiện thực là nhu cầu tiêu thụ thịt rừng trong nước vẫn còn rất phổ biến, bất chấp các nguy cơ lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, rừng Việt Nam sẽ sớm trở thành những cánh rừng rỗng, và đa dạng sinh học của Việt Nam sẽ bị tụt hạng.

Chú gấu bị hút mật được lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện, bắt quả tang ngày 15.8.2020. (Ảnh: CSMT Hà Nội).

Để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài hoang dã, để không lặp lại câu chuyện cá thể tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam, cũng như phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ ĐVHD sang người, hơn 20 nghệ sĩ, người nổi tiếng đã đồng hành cùng CHANGE và WildAid đồng loạt đưa tiếng nói của mình đến cộng đồng.

Các nghệ sĩ đã tham gia bộ ảnh thể hiện hình tượng đặt chéo 2 ngón tay gần miệng với từ khóa “Ngưng”, thu hút đông đảo cộng đồng mạng dự đoán ý nghĩa của thông điệp. Một bộ phận lớn những người theo dõi sau đó đã vô cùng bất ngờ và bày tỏ sự thương xót khi thấy bộ ảnh tiết lộ thông điệp “Ngưng thịt rừng, ngừng hậu họa” với khung cảnh hàng loạt các loài ĐVHD bị nhốt trong lồng với ánh mắt kêu cứu, mong cầu sự tự do.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng tham gia một video phỏng vấn, chia sẻ câu chuyện, góc nhìn của riêng mình về vấn nạn tiêu thụ, đặt bẫy thú rừng, và kêu gọi ý thức trách nhiệm bảo vệ ĐVHD khi đi du lịch lẫn trong đời sống hằng ngày.

Nhiều câu chuyện lần đầu được kể bởi Hoa hậu Hoàn vũ (HHHV) Khánh Vân, Á hậu HHHV Kim Duyên, Dustin Phúc Nguyễn, Người mẫu Quang Đại, ca sĩ Quân A.P, biên đạo – vũ công Quang Đăng, ca nhạc sĩ SSAY, blogger du lịch Vinh Gấu, blogger du lịch Quỷ Cốc Tử (Ngô Trần Hải An)…đã khiến cho khán giả có thể cảm nhận rõ nét hơn những nỗi đau liên quan đến vấn nạn tiêu thụ thịt rừng tại Việt Nam,

Nhà báo, đồng thời là blogger, nhiếp ảnh gia du lịch Ngô Trần Hải An, thể hiện sự thương cảm với các loài vật: “An thấy tình trạng bẫy bắt ĐVHD ở Việt Nam thật là khủng khiếp. Gần đây An có đọc 1 bài báo nói trên 1km2 rừng ở Việt Nam có hơn 100 cái bẫy với 5 loại bẫy khác nhau. Mỗi loại bẫy sẽ tiêu diệt và làm con thú chết theo một cách khác nhau, làm chúng rất đau đớn trước khi chết. Bạn cứ tưởng tượng trên 1km đường mà bạn gặp 100 cái hố và bạn cứ phải rớt xuống những cái hố đó để hình dung được độ thảm khốc mà những con thú phải chịu đựng.”

Từ một góc nhìn khác, HHHV H’Hen Niê là người lớn lên với núi rừng Tây Nguyên chia sẻ: “H’Hen nghĩ nhu cầu thịt rừng có thể xuất phát từ những người ở vùng khác đến. Từ đó mới dẫn đến “cung” từ cộng đồng chính nơi H’Hen sinh sống.

Có thể vì người tiêu thụ nghĩ rằng thịt rừng ngon, có vị lạ, nguồn gốc từ tự nhiên. H’Hen hy vọng những người yêu thương H’Hen, những người đang nghe những điều chia sẻ này sẽ tìm hiểu nhiều hơn và yêu thương những loài vật quanh mình, để bảo vệ ĐVHD của đất nước mình.”

Biểu tượng toàn cầu mới “Nguy hiểm, không ăn được” (Hazardous) do CHANGE và WildAid giới thiệu (có hình tam giác màu đỏ, tượng trưng cho sự nguy hiểm, với bên trong là muỗng, đũa, nĩa xếp đặt cạnh nhau khéo léo tạo thành hình đầu lâu) nhằm thể hiện thông điệp “việc tiêu thụ các loài hoang dã tiềm ẩn các mối nguy hiểm tới sức khoẻ, thậm chí tính mạng con người” được cộng đồng tiếp nhận tích cực.

Biểu tượng Hazardous sẽ tiếp tục được truyền tải trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia vẫn đang phổ biến với vấn nạn tiêu thụ thịt rừng.