Cần quy định mới để quản lý chặt chẽ nhà, đất phục vụ đối ngoại

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của nhà nước cần phải thực hiện theo quy định mới, để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn, phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
nhà đất

Phải sửa đổi để phù hợp với tình hình mới

Vào năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg về việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý để Bộ Ngoại giao triển khai nhiệm vụ chính trị được giao, phục vụ công tác đối ngoại.

Việc sử dụng tài sản công là nhà đất ngoại giao vào mục đích liên doanh, liên kết phải thực hiện theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: TL.

Bộ Ngoại giao (Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn) đang được giao quản lý 114 cơ sở nhà, đất trên địa bàn thành phố Hà Nội; trong đó có 1 cơ sở nhà, đất sử dụng làm trụ sở làm việc của cục; 113 cơ sở nhà, đất còn lại (gồm 121 biệt thự và 440 căn hộ cao tầng tại các khu Đoàn ngoại giao) để phục vụ hoạt động đối ngoại của nhà nước.

Theo Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì không đóng tiền thuê đất đối với cơ sở nhà, đất hỗ tương và miễn tiền thuê đất các cơ sở nhà, đất phục vụ nhiệm vụ nhà nước giao.

Đối tượng không phải là cơ quan đại diện ngoại giao thuê, hiện nay đối tượng này chỉ thuê một, hai căn hộ hoặc một đơn nguyên làm văn phòng, giá cho thuê khoảng 8,5-9 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng/căn/tháng. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, hàng năm Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn trích lập các quỹ theo quy định đối với đơn vị sự nghiệp nhằm duy trì hoạt động của đơn vị.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg cơ bản còn phù hợp với chính sách về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành và đặc thù của hoạt động đối ngoại, có tính tới quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước, các tổ chức quốc tế; đã tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý, sử dụng cơ sở nhà đất của nhà nước cũng như cung ứng điều kiện làm việc của Đoàn Ngoại giao.

Tuy nhiên, còn một số quy định tại quyết định này đến nay đã phát sinh những bất cập, hạn chế cần phải sửa đổi. Đó là, số tiền cho thuê nhà thu được sau khi trừ chi phí hợp lý, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính được hạch toán quản lý, sử dụng theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp.

Hiện nay, theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì phần trừ chi phí còn bao gồm: nguồn vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân; chưa cập nhật nội dung quy định việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập theo pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với quy định mới…

Theo Bộ Tài chính, cần thiết phải ban hành quy định mới, để đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung quy định về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản pháp hướng dẫn có liên quan.

Sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải tiết kiệm, hiệu quả

Trên cơ sở đánh giá từ thực tiễn, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ hoạt động đối ngoại của nhà nước.

Dự thảo nghị định quy định rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại. Theo đó, việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công, đất đai, về xây dựng và các pháp luật khác có liên quan. Trường hợp các Điều ước Quốc tế mà Chính phủ Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước Quốc tế đã ký.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Các khoản thu chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước và quy định pháp luật có liên quan.

Theo dự thảo nghị định, giá cho thuê nhà, đất phục vụ đối ngoại được xác định theo thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà, đất phục vụ đối ngoại; trừ các trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép miễn hoặc áp dụng giá cho thuê thấp hơn thị trường để bảo đảm quan hệ đối ngoại của nhà nước.

Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại theo chức trách, nhiệm vụ được giao; quản lý nguồn thu, các khoản chi theo quy định.

Về việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ cho thuê; liên doanh, liên kết, dự thảo nghị định nêu rõ: Số tiền thu được từ cho thuê, liên doanh, liên kết được xử lý trên cơ sở căn cứ tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Số tiền thu được sau khi trừ các chi phí liên quan, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước thì đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Về trách nhiệm của các bộ, ngành, theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg thì định kỳ hàng năm (trước ngày 15/3) hoặc đột xuất, Bộ Ngoại giao phải báo cáo tình hình quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ hoạt động đối ngoại của nhà nước.

Ngân sách không bù lỗ nếu đầu tư theo hình thức liên doanh, liên kết

Dự thảo nghị định nêu rõ, việc đầu tư phát triển cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại được thực hiện dưới hình thức liên doanh, liên kết theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn có liên quan được cấp có thẩm quyền quyết định.

Việc đầu tư phát triển cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại theo hình thức liên doanh, liên kết không làm thay đổi chủ sở hữu nhà nước đối với các cơ sở nhà, đất và không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phục vụ đối ngoại được giao. Việc đầu tư phát triển cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại theo hình thức liên doanh, liên kết phải đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch. Ngân sách nhà nước không cấp kinh phí cho hoạt động đầu tư theo hình thức liên doanh, liên kết và không bù lỗ cho hoạt động đầu tư này (nếu có).