Bảo tồn gene rùa Hoàn Kiếm

Cá thể rùa Hoàn Kiếm mới bắt được vào ngày 22/10/2020 tại hồ Đồng Mô là một cá thể cái, và cho đến thời điểm hiện tại, đây là cá thể  cái duy nhất của loài được biết đến trên thế giới.

Theo ông Hoàng Văn Hà, Điều phối viên Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP/IMC), việc bảo tồn gene rùa Hoàn Kiếm là vấn đề các nhà khoa học luôn trăn trở. Việc phát hiện ra cá thể cái này mang tới niềm hy vọng rằng rùa Hoàn Kiếm sẽ có thêm một cơ hội để tồn tại bằng cách ghép đôi sinh sản.

Rùa Hoàn Kiếm chỉ có ở miền Bắc Việt Nam và phía Nam Trung Quốc. Đây là loài rùa hết sức quan trọng cho công tác bảo tồn. Do đó, Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã nỗ lực tìm kiếm, phát hiện, và bảo vệ các cá thể còn sót lại ngoài tự nhiên của loài từ những năm 2003 cho tới thời điểm hiện tại. Việc cấp bách hiện nay là tiếp tục khảo sát để xác định bất kỳ quần thể nào còn sót lại của loài rùa này ở Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là người dân địa phương gần hồ Đồng Mô và Xuân Khanh về tầm quan trọng của loài rùa mai mềm khổng lồ này cũng như mối quan hệ cùng loài với cá thể rùa có cả giá trị sinh vật học lẫn giá trị văn hoá, tâm linh ở hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội.

Có một số khu vực tiềm năng có khả năng vẫn còn ghi nhận loài rùa mai mềm quý hiếm này ở miền Bắc Việt Nam. Điển hình như khu vực hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh, chúng tôi tin rằng vẫn còn có ít nhất một cá thể của loài này ở mỗi hồ. Nếu có thể xác nhận thêm một cá thể đực của loài rùa quý hiếm nhất thế giới này tại hồ Đồng Mô, việc đưa chúng về cùng một khu vực bán hoang dã hoặc nuôi bảo tồn có thể mở ra cơ hội lớn để hồi phục quần thể của loài rùa này ở Việt Nam.