EP và các nước thành viên EU đạt thỏa thuận mở đường cho việc thông qua ngân sách dài hạn

Ngày 5/11, EP – nghị viện Liên minh châu Âu (EU) – và 27 quốc gia thành viên đã nhất trí sẽ gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn khối với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU.

Toàn cảnh một phiên họp Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ mới đây. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Diễn biến trên sẽ giúp tháo gỡ thế bế tắc trong việc thông qua ngân sách dài hạn trị giá 1.100 tỷ euro và gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro để phục hồi kinh tế khu vực sau những tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trước đó, EP kiên quyết từ chối thông qua dự luật này nếu không có điều kiện tương tự kèm theo.

Trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức hồi tháng 7 để thống nhất về gói cứu trợ kinh tế “chưa từng có tiền lệ” dưới các hình thức cho vay hoặc trợ cấp, các lãnh đạo EU cũng đã nhất trí về nguyên tắc cần có điều kiện pháp quyền kèm theo dự luật. Tuy nhiên, các nghị sĩ EP cho rằng điều kiện này quá mơ hồ và sẽ không thể đảm bảo rằng một số quốc gia thành viên nhận tiền từ quỹ cứu trợ sẽ tuân thủ các quy định về dân chủ của toàn khối.

Đức, quốc gia đang đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của EU, đã đại diện 27 quốc gia thành viên để đàm phán với các nghị sĩ về vấn đề này và giúp đạt thỏa thuận ngày 5/11.

Thông báo của Hội đồng châu Âu nêu rõ cơ chế mới được thống nhất cho phép bảo vệ ngân sách EU khi xảy ra những sự cố như một quốc gia thành viên vi phạm pháp quyền EU mà vi phạm này trực tiếp gây tác động hoặc có nguy cơ cao ảnh hưởng tới nguyên tắc quản lý tài chính an toàn của ngân sách EU hoặc nguyên tắc bảo vệ lợi ích tài chính của EU.

Đại sứ Đức tại EU Michael Clauss khẳng định đây là một bước ngoặt quan trọng mở đường cho việc thông qua ngân sách EU và gói cứu trợ kinh tế.

Đức nóng lòng muốn dự luật ngân sách dài hạn và gói cứu trợ được thông qua càng sớm càng tốt, đặc biệt trong bối cảnh châu lục này lại đang phải đương đầu với làn sóng dịch bệnh thứ hai được dự đoán là sẽ còn gây tác động nặng nề hơn tới các quốc gia thành viên so với làn sóng thứ nhất.

Tuy nhiên, sau khi vấn đề trên được giải quyết, thách thức tiếp theo sẽ là làm sao để thống nhất được một kế hoạch cụ thể cách phân bổ ngân sách.

Nguồn: