Hồ lớn nhất Campuchia mất cả cá lẫn rừng vì khô hạn

Hạn hán và các con đập đẩy Tonle Sap vào đà suy giảm nguy hiểm, đe dọa đến diện tích rừng ngập lũ và nguồn thủy sản cung cấp phần lớn chất đạm cho Campuchia.

Hun Sotharith nhớ lại lúc đến hồ Tonle Sap để đánh cá vào đầu những năm 1990. Lúc đó rừng ngập lũ trên hồ rậm rạp đến nỗi Sotharith dù là cựu quân nhân cũng mất tới một ngày rưỡi mới tìm được đường về ngôi làng nổi nơi anh sinh sống.

Từ đó, trong 6 tháng mùa mưa, vùng đất ngập nước mênh mông thành chốn ẩn mình, kiếm ăn và sinh sôi của nhiều loài cá, kể cả những loài cực kỳ nguy cấp như cá tra dầu.

“Khắp nơi là rừng, cá nhiều vô kể”, Sotharith chia sẻ.

Hiện giờ chỉ còn một mảng hồ có rừng sót lại ở huyện Koh Chivang gồm 5 ngôi làng ở phía tây bắc hồ. Sotharith là phó chủ tịch ở đó. Trận cháy rừng vào mùa khô 2016 thiêu rụi 80% rừng ngập lũ của huyện, phá hủy sinh cảnh thiết yếu của cá khiến phần lớn trong số 13.000 cư dân sống trên các làng nổi phải bỏ nghề đánh cá để chuyển sang trồng ớt và các loại hoa màu.

Ngư dân lái thuyền qua làng nổi ở Tonle Sap. (Ảnh: NatGeo)

Chuyện tương tự xảy ra quanh Tonle Sap – hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và là trung tâm của ngư trường cá nước ngọt năng suất nhất thế giới. Ở nhiều nơi rừng bản địa từng mọc lên từ đáy hồ thì nay những trang trại xám xịt, khô cằn, không có cây (sắp bị nước lũ thường đến muộn những năm gần đây làm ngập) vươn xa hút tầm mắt. Các vụ cháy thường được cố ý đốt để lấy đất sản xuất cũng làm giảm diện tích rừng ngập lũ.

Nhiều nhà bảo tồn cảnh báo rằng khu dự trữ sinh quyển thế giới Tonle Sap đang đối mặt với nguy cơ sống còn. Phá rừng và suy thoái môi trường có thể gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề cho gần một triệu người sống quanh hồ cùng nhiều triệu người phụ thuộc vào cá – nguồn chất đạm chính của Campuchia.

Tại những nơi khác, ví như khu bảo tồn thiên nhiên Prey Lang ở miền trung Campuchia (một trong những khu rừng thường xanh ẩm ướt còn sót lại ở Đông Nam Á) cũng đang nhức nhối nạn phá rừng do khai thác gỗ lậu, còn theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Water, tỷ lệ mất rừng cao nhất xảy ra ở vùng rừng ngập lũ Tonle Sap với 31% rừng bị đốn hạ tính từ năm 1993.

Những nghiên cứu khác cho thấy rừng ngập lũ hấp thụ được nhiều carbon hơn rừng bình thường, có nghĩa là hút và dự trữ một lượng lớn CO2 từ bầu khí quyền, góp phần bù đắp tác động từ biến đổi khí hậu.

“Điều này thật đáng lo ngại bởi chỉ còn rất ít rừng ngập lũ” ở Campuchia so với các loại rừng khác, và “rừng ngập lũ đóng vai trò quá quan trọng với sức khỏe hệ sinh thái thủy sinh”, theo nhà khoa học môi trường Sapana Lohani, tác giả chính nghiên cứu đăng trên tạp chí Water và đang làm việc theo dự án nghiên cứu Wonders of the Mekong của USAID.

Nhà sinh nghiên cứu sinh vật học về cá Zeb Hogan thuộc Đại học Nevada cho hay: “Chúng ta đang chứng kiến một hệ sinh thái độc nhất vô nhị bị phá hủy, động vật hoang dã mất đi đầy bi kịch, cá mất đi, và cả sinh kế của rất nhiều người cũng mất đi”.

Sinh thái phong phú

Trước thời điểm giữa thế kỷ 20, Campuchia nổi tiếng về rừng, dù diện tích nhỏ hơn Thái Lan và Việt Nam nhưng nước này có nhiều rừng nguyên sinh hơn. Nhưng khi bước qua được cuộc nội chiến và kinh tế bắt đầu phát triển vào đầu những năm 2000, tỷ lệ phá rừng tăng theo. Kế hoạch của chính phủ chuyển đổi 10% diện tích lãnh thổ cho các công ty nước ngoài thuê, chủ yếu để trồng cao su khiến nạn phá hủy môi trường lan rộng.

Ngay cả khi chương trình bị đình chỉ vào năm 2012, nạn phá rừng ở Campuchia vẫn tăng. Theo Global Forest Watch, Campuchia mất 1/4 độ che phủ (tức hơn 2 triệu ha) trong khoảng thời gian 2001 – 2019. Tỷ lệ này cao nhất trong các nước châu Á, thậm chí vượt xa Brazil.

Độ giàu có sinh thái của Tonle Sap dựa vào xung lũ hàng năm từ tháng 6 đến tháng 11 từ sông Mê Kông và các sông khác chảy vào hồ. Khi các khu rừng bao quanh hồ ngập trong nước, diện tích Tonle Sap gấp hơn 5 lần vào mùa khô, năng suất thủy sản hàng năm ở đây còn hơn tất cả sông hồ Bắc Mỹ cộng lại.

Nhưng mọi thứ không còn bình thường ở Tonle Sap nữa. Nhiều năm đánh bắt vô độ khiến sản lượng đánh bắt giảm nhanh, dù không thể biết chính xác là giảm bao nhiêu do chính phủ Campuchia không công bố số liệu đáng tin cậy.

Hiện giờ cả hệ thống Mê Kông đang cạn khô. Từ cuối 2019, mực nước khắp lưu vực hạ nguồn Mê Kông ở mức thấp kỷ lục – hệ quả của hạn hán và các đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn trữ nước. Năm nay, xung lũ lẽ ra phải tới thì vẫn chưa xảy ra, và mực nước ở Tonle Sap còn dưới mực nước cùng kỳ năm ngoái, theo một trạm đo của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (trạm đo này được đặt ở chính điểm sông Tonle Sap chảy vào hồ).

Tình trạng khô hạn khiến rừng thường ngập nước phơi mình hơn nữa trước nạn khai thác gỗ và đốt nương rẫy (cả vô tình và cố ý). Năm 2016, đám cháy lớn thiêu rụi hơn 300.000 ha rừng ngập lũ ở khu vực Tonle Sap. Năm nay, các đám cháy bắt đầu từ tháng 2, dù không như năm 2016 nhưng cũng làm mất đi một diện tích lớn rừng nguyên sinh và vẫn còn cháy ở một số nơi dẫu rằng những cơn mưa đầu tiên tới từ 2 tháng trước.

Mất mọi thứ

Không chỉ cá bị đe dọa từ nạn mất rừng ngập lũ mà cả rùa, bò sát cùng nhiều loài cực kỳ nguy cấp như rái cá lông mũi – một trong những loài rái cá ít được biết tới nhất trên thế giới cũng giảm mạnh. Có những loài bị lửa đốt cháy sinh cảnh như Voọc bạc Đông Dương (trachypithecus germaini), nhiều cá thể bị mắc kẹt trên những thân cây cháy rụi.

Prek Toal là khu bảo tồn chim được quốc tế công nhận ở góc tây bắc Tonle Sap và là nơi sinh sống của quần tộc chim nước lớn nhất Đông Nam Á với ước tính khoảng 100.000 cặp sinh sản. Nơi này bảo vệ nhiều loài cò, cò quăm, cốc, và cả quần tộc bồ nông chân xám duy nhất ở Đông Nam Á.

Vụ cháy năm 2016 thiêu trụi gần 10.000 ha rừng – tương đương 1/3 diện tích Prek Toal nhưng không làm chết nhiều chim do chúng kịp di chuyển sang sinh cảnh an toàn. Năm nay, khu bảo tồn có vẻ bình an vô sự trước các đám cháy nhưng giới bảo tồn lo rằng các đám cháy trong tương lai có thể quét sạch nhiều diện tích rừng hơn.

Rừng ở gần khu bảo tồn Phnom Tnout Phnom Pok bị đốt để bắt động vật hoang dã hoặc dọn thực bì làm nông nghiệp. (Ảnh: NatGeo)

Nhà sinh thái học Simon Mahood thuộc WCS và là người hỗ trợ thành lập khu bảo tồn vào những năm 1990 chia sẻ: “Chúng ta có thể mất tất cả. Prek Toal có lẽ là câu chuyện bảo tồn thành công nhất Đông Nam Á”.

Căng thẳng

Đại dịch Covid-19 quét sạch thu nhập của những người trông vào lượng du khách đến thăm Prek Toal và quần thể Angkor nổi danh ở phía bắc hồ, đồng thời khiến nhiều di dân từ Thái Lan quay về. Các nhà quan sát lo lắng tình trạng này sẽ tạo thêm áp lực lên đất đai quanh Tonle Sap do nhiều người trồng cấy hơn.

Hiện mâu thuẫn đang tăng giữa các cộng động sống dựa vào hồ và những người sống sâu hơn trên bờ, có nhiều thông tin về “người ngoài” vào đốt rừng ngập lũ (đôi khi chỉ là làm rơi mẩu thuốc lá cháy dở) để lấy đất canh tác hoặc xua động vật hoang dã ra để săn bắt.

“Những người sống sâu hơn trên bờ rất khó nói chuyện”, Sotharith chia sẻ. “Họ mang theo vũ khí và sẵn sàng dùng bạo lực với chúng tôi”.

Ở Koh Chivang (giáp ranh Prek Toal), Sotharith ước tính tới 70% cư dân – phần lớn trước kia sống bằng nghề đánh cá hiện phải xoay sang trồng trọt trên những mảnh đất bé tẹo cạnh nhà sàn chống lũ. Ớt là cây chủ lực vì bán được với giá cao bất thường.

“Người dân chúng tôi không canh tác xa nhà, chúng tôi bảo họ không chặt cây trong rừng”, Sotharith nói. “Chúng tôi đã rút ra bài học”.

Giới bảo tồn vẫn hy vọng rằng rừng ngập lũ không mất đi. “Là hệ sinh thái nhiệt đới, Tonle Sap rất màu mỡ nên mọi thứ mọc rất nhanh, vẫn còn khả năng hồi phục nếu áp lực được rũ bỏ”, theo nhà sinh thái học Nick Souter thuộc Conservation International. Tổ chức này hỗ trợ các cộng đồng ở Tonle Sap trồng lại rừng ngập lũ và thành lập các đội chữa cháy địa phương để chống cháy rừng.

Những với những người như ngư dân 24 tuổi Nai Sina ở làng Kampong Prohoc, mọi chuyện có lẽ đã quá muộn. Dù 8 năm qua sinh nhai bằng nghề đánh cá, Sina định ra nước ngoài làm việc, khi mực nước trở lại bình thường, anh sẽ về quê đánh cá. Nhưng mọi thứ phụ thuộc vào rừng.

“Có rừng là chúng tôi có cá, có các loài động vật hoang dã khác, tài nguyên thiên nhiên của chúng tôi thật phong phú. Khi phá rừng, bạn phải nghĩ đến tương lai”.

Nhật Anh (Theo National Geographic)

Nguồn: