Đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước

Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Dân số bùng nổ, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc nước ngọt tiếp tục suy giảm.

Đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước

Trong suốt thế kỷ 20, hơn một nửa các vùng đất ngập nước trên thế giới đã bị biến mất. Các hệ sinh thái nước ngọt mang đậm tính đa dạng sinh học hiện đang suy giảm nhanh hơn các hệ sinh thái biển và đất liền.

Theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến năm 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường tại Johannesburg (Nam Phi), nước được xếp ở vị trí cao nhất trong 5 ưu tiên để phát triển bền vững, đó là: Nước; năng lượng; sức khỏe; nông nghiệp và đa dạng sinh học.

Nghiên cứu của UNICEF và WHO cho thấy từ năm 2000 đến nay, có khoảng 1,8 tỷ người đã được tiếp cận với nước uống bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Thế nhưng vẫn còn một số lượng lớn người dân trên khắp thế giới chưa được tiếp cận với nguồn nước uống bảo đảm chất lượng và sẵn có.

Từ năm 2000 đến nay, có khoảng 1,8 tỷ người đã được tiếp cận với nước uống bảo đảm tiêu chuẩn an toàn.

Ước tính, khoảng 785 triệu người, tương đương 1/10 dân số thế giới, vẫn thiếu các dịch vụ cơ bản, trong đó có 114 triệu người vẫn phải uống nước không sạch.

Hơn 2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nước sạch

Dù tiếp cận với nước sạch là quyền của con người và là một trong những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đề ra, song trên thực tế, việc bảo đảm quyền tiếp cận với nguồn nước sạch vẫn đang là mục tiêu nằm ngoài tầm với của phần lớn dân số thế giới.

Báo cáo toàn cầu về tài nguyên nước do Liên hợp quốc công bố vào tháng 3 vừa qua cho thấy vẫn còn hơn 2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường.

Tiếp cận với nước là quyền mang tính sống còn của mỗi con người. Tuy nhiên, hàng tỷ người vẫn bị tước đoạt quyền đó“, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay nêu rõ.

Đáng chú ý, một nửa số người uống nước từ các nguồn không được bảo vệ trên toàn thế giới là người dân ở châu Phi. Thống kê cho thấy chỉ có 24% dân số ở khu vực châu Phi cận Sahara được sử dụng nguồn nước uống an toàn. Thiếu nước sạch cũng dẫn tới vô vàn những gánh nặng khác ở “lục địa đen”.

Chẳng hạn, phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực này phải dành thời gian thu thập nước nhiều hơn so với thời gian để học tập hoặc làm những công việc khác. Hay như ở Malawi, quốc gia có hơn 4 triệu người (chiếm khoảng 1/3 dân số) thường xuyên không được tiếp cận với nguồn nước sạch, mỗi năm đều phải đối mặt với hàng loạt thách thức do nguồn nước gây ra, như: Dịch tả, bệnh tiêu chảy… Nếu xét trên phạm vi toàn thế giới, số người thiệt mạng vì các bệnh liên quan tới nguồn nước có thể còn cao hơn số người chết vì HIV/AIDS và sốt rét. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước sạch cũng là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng đáng kể các cuộc xung đột về nguồn nước.

Có một thực tế rõ ràng là tình trạng khan hiếm nước sạch không bó hẹp ở bất cứ khu vực, quốc gia hay vùng miền nào. Theo BBC, Chennai-một trong những thành phố lớn của Ấn Độ, hiện cũng đang phải đối mặt với “cơn khát nước ngọt” nghiêm trọng sau khi 4 hồ chứa nước chính của thành phố này đã cạn kiệt. Cuộc sống thường nhật của người dân ở Chennai gần như bị đảo lộn hoàn toàn vì thiếu nước. Trong khi người dân hằng ngày phải xếp hàng để lấy nước trợ cấp từ chính phủ, nhiều nhà hàng, khách sạn, công ty phải tạm đóng cửa vì không có nước sạch để duy trì hoạt động. Tình thế nguy cấp đến mức một quan chức của thành phố này phải nói rằng nếu trong những ngày tới không có mưa, Chennai sẽ đối mặt với một thảm họa thực sự, thậm chí đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Dân số bùng nổ, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc tài nguyên nước ngọt tiếp tục suy giảm. Thế nên, tình trạng thiếu nước sạch ở nhiều khu vực trên toàn thế giới chắc chắn chưa thể chấm dứt và đòi hỏi mỗi quốc gia cùng cộng đồng quốc tế phải nỗ lực hơn nữa nhằm tìm cách làm dịu “cơn khát” dai dẳng ấy.

Mối lo an ninh nguồn nước ở Việt Nam

Việt Nam có tổng nguồn cung cấp nước thường xuyên trên đầu người thuộc mức trung bình của thế giới. Hơn 60% lượng nước ở Việt Nam chủ yếu là từ sông Hồng và sông Mê Kông đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Dự đoán đến năm 2025, lượng nước cho đầu người ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3.100 m3, thuộc mức dưới trung bình.

Nguồn nước ngày càng khan hiếm, nhất là phụ thuộc vào chế độ điều tiết từ hệ thống thủy điện của các nước ở thượng lưu cùng với chất lượng ngày một xấu đi do tác động của thiên tai và nhân tai là nỗi lo kép về an ninh nguồn nước.

Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù Việt Nam là đất nước có lượng nước dồi dào, tuy nhiên phần lớn nguồn nước này đến từ các con sông chảy vào Việt Nam. “Trung bình mỗi năm các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào Việt Nam lượng nước khoảng 520 tỉ m3, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng nước nội địa của người dân lại thấp hơn so với mức bình quân của khu vực và thế giới” – ông nói.

Bên cạnh đó, do tác động kép của biến đổi khí hậu khiến cho việc phân bổ nước không đều theo địa lý, theo mùa. Điều này dẫn đến nhiều vùng đất của Việt Nam xưa kia màu mỡ, phì nhiêu nay bị khô hạn, xâm mặn như các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra. Đây không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Bộ trưởng TN&MT cho hay, các nước ở thượng nguồn chiếm đến 20% trữ lượng nước các con sông, suối chảy vào Việt Nam thông qua các hồ chứa, hồ thủy điện. Vào mùa khô hạn, các con sông, suối này mất khoảng 70-80% lượng nước do biến đổi khí hậu và chỉ còn 20 – 30% lượng nước. “Nếu họ giữ lại lượng nước này thì phải nói là chúng ta sẽ mất an ninh nguồn nước” – ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng TN&MT, những nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) đã chỉ ra thể chế về nước của Việt Nam đang có vấn đề. Cụ thể, Việt Nam chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có đầu tư để đảm bảo được hạ tầng về nước; chưa có chính sách kinh tế, tài chính về nước.

Hiện nay, 80% lượng nước sử dụng của Việt Nam là dùng cho nông nghiệp. Hiệu quả sử dụng trên một đơn vị m3 ở nước ta mới có 2,37 USD, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 19,57 USD, thậm chí còn thấp hơn các nước trong khu vực là Lào 2,57 USD, Philippin 2,58 USD. Điều này có nghĩa chúng ta phải làm rất nhiều biện pháp để nâng hiệu quả sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung” – Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.

Còn theo nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam (của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch) dự báo đến năm 2050, nhiệt độ của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 1,5 đến 2oC.

Nền nhiệt độ không khí tăng sẽ dẫn đến bốc hơi mặt ruộng tăng cao, làm thay đổi hệ số tưới của diện tích cây trồng, số lần tưới sẽ nhiều hơn, lượng nước sử dụng nhiều hơn so với giai đoạn trước đây.

Đồng thời một lượng nước lớn từ các hồ chứa bị bốc hơi mặt nước sẽ làm giảm hiệu suất phục vụ của các công trình thủy lợi, hồ đập so với thiết kế ban đầu.