Cần sớm tháo gỡ vướng mắc trong giao đất rừng

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp cho hơn 40.000 hộ dân với diện tích 64.927 ha đất rừng. Tuy nhiên, tài sản trên đất lại chưa được giao cho các hộ dân. Do vậy, đã nảy sinh những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang tuần tra bảo vệ rừng.

Tháng 11-2019, Công ty TNHH một thành viên sản xuất và thương mại Hùng Hường (Công ty Hùng Hường), trụ sở tại xóm 4, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm giám đốc nhận ủy quyền của bà Đào Thị Tiệp (trú tại xóm 2, xã Tân Tiến) khai thác lâm sản trên lô rừng trồng mà bà Tiệp là chủ. Lô đất rừng này đã được UBND huyện Yên Sơn cấp GCNQSDĐ số AN 948819 ngày 24-6-2008 có diện tích 65.711 m2, vị trí thửa đất số 545, thuộc lô 24, khoảnh 272 loại rừng sản xuất theo bản đồ điều chỉnh quy hoạch phân ba loại rừng (ban hành theo Quyết định số 1859/QĐ ngày 31-12-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang về việc điều chỉnh quy hoạch phân ba loại rừng). Tuy nhiên, khi Công ty Hùng Hường đang khai thác thì cán bộ Trạm Kiểm lâm Tân Tiến (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Yên Sơn) lập biên bản yêu cầu dừng khai thác lâm sản ở phần đỉnh lô rừng để làm rõ nguồn gốc hình thành; phần diện tích còn lại (giữa và chân lô rừng) đang trồng keo được tiếp tục hoàn thiện thủ tục khai thác.

Công ty Hùng Hường đã có đơn gửi Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Để trả lời văn bản của Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 8-1-2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra hiện trường, lập biên bản trong đó ghi rõ: Trong diện tích 65.711 m2 mà bà Tiệp được cấp GCNQSDĐ có đất rừng trồng keo là 44.711 m2 đã khai thác; đất trống không có rừng (có cây chuối) là 10.000 m2; đất có rừng tự nhiên: 11.000 m2 gồm 85 cây các loại: Ngát, kè, trám trắng, sấu, bông bạc, kháo… chiều cao vút ngọn trung bình là 13 m. Biên bản cũng kết luận: Đối với diện tích rừng trồng (44.711 m2) đã khai thác cây keo là đúng quy định; đối với diện tích 11.000 m2 rừng tự nhiên chưa được Nhà nước giao rừng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Đề nghị bà Tiệp và người được ủy quyền là ông Hùng giữ nguyên hiện trạng.

Đối chiếu với các tài liệu theo dõi, quản lý rừng và đất lâm nghiệp qua các thời kỳ thì trạng thái lô rừng được thể hiện như sau: Theo bản đồ điều chỉnh quy hoạch phân ba loại rừng ban hành theo Quyết định số 310/QĐ-CT ngày 26-2-2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang về việc quy hoạch phân ba loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) tỉnh Tuyên Quang thì lô rừng nêu trên thuộc lô 7-N (nứa), khoảnh 272 chức năng sản xuất. Cũng theo bản đồ điều chỉnh quy hoạch phân ba loại rừng ban hành kèm theo Quyết định số 1770/QĐ-CT ngày 31-12-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang về việc quy hoạch phân ba loại rừng tỉnh Tuyên Quang không điều chỉnh quy hoạch xã Tân Tiến cho nên vẫn thuộc lô 7-N, khoảnh 272 chức năng sản xuất.

GCNQSDĐ do UBND huyện Yên Sơn cấp ngày 24-6-2008 cho bà Đào Thị Tiệp đã ghi rõ: “Mục đích sử dụng đất: đất rừng sản xuất” và không có mục nào ghi tài sản trên đất. Trong giấy ủy quyền cho Công ty Hùng Hường của bà Tiệp cũng nêu: “… khi nhận đất, tài sản trên đất bằng không, gia đình tôi đã phát dọn rồi tự bỏ vốn ra trồng keo, khi trồng keo thấy một số cây gỗ tạp tự mọc đã tỉa ra trồng…”. Giấy ủy quyền này đã được Chủ tịch UBND xã Tân Tiến ký, đóng dấu xác nhận.

Còn trong đơn khiếu nại gửi Hạt Kiểm lâm huyện Yên Sơn, ông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày: Trước khi khai thác, ông đã đến Phòng Thanh tra – Pháp chế của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đề nghị kiểm tra xác minh xem diện tích rừng có đủ điều kiện khai thác không, thì được Phòng Thanh tra – Pháp chế phân công hai cán bộ đến hiện trường kiểm tra và trả lời không bằng văn bản (trả lời miệng) là diện tích rừng trên đủ điều kiện khai thác theo quy định của pháp luật. Nay việc dừng khai thác gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Mục tài sản gắn liền với đất (trên GCNQSDĐ) không ghi gì, là không có tài sản gì trên đất; giao đất không ghi giao tài sản trên đất thì tài sản trên đất thuộc của hộ gia đình? Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Yên Sơn trả lời: Đất có rừng tự nhiên sản xuất là đất rừng sản xuất có rừng tự nhiên đạt tiêu chuẩn rừng theo pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (trích phần II, mục 2.2, bảng 1 số thứ tự 1.2.11 Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT). Như vậy, năm 2008 khi kiểm kê làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, cơ quan có thẩm quyền chỉ thực hiện giao quyền sử dụng đất, chưa giao tài sản trên đất. Hiện nay, theo quy định tại khoản 6, điều 2, chương I, Luật Lâm nghiệp 2017 quy định: Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung. Vì vậy việc có trồng bổ sung cây vào diện tích rừng tự nhiên vẫn được quy định là rừng tự nhiên. Do vậy, bà Tiệp và người được ủy quyền chưa được khai thác lâm sản tại khu vực này.

Thực hiện Dự án thành lập bản đồ địa chính bằng ảnh hàng không, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ đối với đất lâm nghiệp (theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 28-4-2006), đến tháng 12-2011, Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang đã lập 42.061 hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho 23.519 hộ gia đình, cá nhân, trong đó số GCNQSDĐ được UBND các huyện, thành phố cấp là 30.560 giấy. Tuy nhiên, mới chỉ giao đất, còn tài sản trên đất thì chưa giao. Đối với Thông tư số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp thì ban hành khi tỉnh đã tiến hành cơ bản xong việc giao đất rừng, cho nên chưa thực hiện theo thông tư này.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa điều tra, phân loại chất lượng và định giá cây rừng trên đất lâm nghiệp đã giao cho hộ dân, vì thiếu kinh phí. Do vậy, sau hơn 10 năm tiến hành giao đất rừng, nhưng chưa tiến hành việc giao hay xác định tài sản (cây rừng) trên đất rừng cho người dân, đã nảy sinh nhiều bất cập. Để người dân yên tâm phát huy hiệu quả đất rừng được giao; cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cần sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm những vướng mắc nêu trên.

Việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng phải đồng thời với việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Khoản 2, Điều 22, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004)
Diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang rất lớn. Điều tra quy hoạch trữ lượng, chất lượng rừng rồi giao rừng cần kinh phí rất lớn mà hiện nay ngân sách tỉnh chưa thể bố trí được.

Nguyễn Bảo Anh, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang