Máu và nước mắt trong những mỏ khai thác vàng ở Cameroon

Sidonie Maboue cùng 3 trong số 12 đứa con đã nhặt sỏi đựng đầy hàng chục túi vải mang đi từ nhà. “Những túi sỏi này sẽ được nghiền nát rồi đãi để tìm vàng. Nếu may mắn, chúng tôi có thể tìm được vàng nhưng rất khó khăn”, người phụ nữ 45 tuổi nói.

Giống như rất nhiều người dân nghèo ở Cameroon, Sidonie Maboue mưu sinh bằng nghề khai thác vàng.

Năm 2017: 50 người tử vong trong các lỗ khai thác bị bỏ hoang 

Cuộc sống vất vả, Sidonie Maboue mưu sinh bằng công việc khai thác vàng. Đứa bé nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi, cô phải địu con trên lưng làm việc trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Có khi, cả tháng, cô và những đứa trẻ mới kiếm được khoản tiền ít ỏi, khoảng 2,8 USD. “Biết nguy hiểm nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Không khai thác vàng, chúng tôi biết làm gì để sống. Sau cái chết của chồng, tôi vừa là cha, vừa là mẹ của bọn trẻ”, Sidonie Maboue nói.

Sidonie Maboue làm việc tại Kaye – một mỏ từng được người Trung Quốc khai thác nhưng đã tạm dừng hoạt động vào năm 2017. Xung quanh cô, hàng trăm người dân cũng đang đổ xô tìm kiếm vàng, trong những mỏ khai thác ở Ngoe Ngoe – một ngôi làng nằm phía Đông Cameroon với dân số khoảng 2.600 người. Một số người dân múc đất, dùng máy bơm cơ giới hút nước ra khỏi các hố, trong khi đó, một số phụ nữ và trẻ em nhặt sỏi từ nước bùn.

Năm 2017, Sidonie Maboue suýt mất mạng khi một mỏ khai thác vàng ngoài trời khác gần mỏ Kaye đổ sập xuống. Trong vụ tai nạn đó, 9 người đã thiệt mạng. Được biết, đó là mỏ do “Lu & Lang” – một công ty khai thác mỏ của Trung Quốc khai thác. Sau đó, công ty này đã bị cấm hoạt động ở Cameroon.

Theo thống kê của Tổ chức Phát triển rừng và nông thôn – một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường hoạt động tại Cameroon, năm 2017, 50 người tử vong trong các lỗ khai thác bị bỏ hoang ở Ngoura, Bétaré Oya và Ngoe Ngoe. Khoảng 250 điểm khai thác từ năm 2012 đến 2014 chưa được lấp đầy sau khi kết thúc.

Lỗ hổng khai thác mỏ để lại đe dọa tính mạng con người và động vật 

“Thời gian gần đây, một số công ty khai thác mỏ Trung Quốc đã đến đây xin cấp phép để khai thác tài nguyên. Luật Cameroon chỉ cho phép các thợ mỏ thủ công địa phương tìm kiếm vàng bằng các thiết bị thô sơ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà khai thác Trung Quốc đã sử dụng máy xúc, hóa chất… làm cảnh quan thay đổi một cách đáng kể”, Yaya Moussa, lãnh đạo làng Ngoe Ngoe nói và nhấn mạnh, quy định của pháp luật, đơn vị khai thác phải lấp đầy các mỏ sau khi hoàn thành dự án.

Các công ty Trung Quốc thường không làm điều này. Những lỗ hổng để lại là khu vực nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người và động vật. Các công ty Trung Quốc cũng gây ô nhiễm các sông, suối vì hóa chất mà họ sử dụng.

Philiphine Boh – một nông dân và là mẹ của 5 người con nói rằng, thợ mỏ Trung Quốc đã phá hủy đất của mình. “Người Trung Quốc nói với tôi rằng, họ được cho phép khai thác vàng trên khu đất mà gia đình tôi sở hữu và họ sẽ cho tôi 130 USD. Tôi nói rằng, số tiền này không đáng kể so với những gì mà chúng tôi phải trả giá trong tương lai”, Philiphine Boh nói.

Abdoulaye (42 tuổi), thợ khai thác vàng thủ công nói rằng, khi thấy thợ mỏ Cameroon phát hiện ra vàng, các công ty Trung Quốc sẽ tìm cách tiếp cận các mỏ đá. “Chính phủ phải can thiệp bởi những người Trung Quốc đang đe dọa chúng tôi”, Mahamadou Abdoulaye nói.

Các quan chức Cameroon cho biết, họ đang cố gắng giải quyết tình hình bằng cách sử dụng máy bay không người lái để điều tra các vụ khai thác bất hợp pháp khác. Một quan chức đề nghị giấu tên nói rằng, Công ty “Lu & Lang” không được cấp phép khai thác vàng ở Cameroon. Tuy nhiên, theo Victor Amougou, điều phối viên của Trung tâm Giáo dục, đào tạo và hỗ trợ sáng kiến phát triển Cameroon – tổ chức phi Chính phủ có trụ sở tại Yokadouma, “Lu & Lang” đang khai thác một mỏ ở Colomine.

Cho khai thác tài nguyên bằng máy móc cơ giới đã có tiền lệ ở Cameroon. Lần đầu tiên, vào năm 2007, Chính phủ yêu cầu một công ty Hàn Quốc có tên là C & K Mining giải cứu 13 tấn vàng có khả năng bị trôi vì nước dâng cao ở Đập Lom Pangar, miền Đông Cameroon. Đây được coi là tiền lệ cho các công ty Trung Quốc sử dụng máy móc cơ giới để khai thác tài nguyên