Cập nhật 7h ngày 4/6: Toàn cầu còn hơn 3 triệu ca bệnh, Brazil vẫn “chìm trong bóng đêm” Covid-19, Ấn Độ nối dài kỷ lục

Tính đến 6h ngày 4/6, theo trang thống kê Worldometers, thế giới ghi nhận 6.554.192 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 386.278 ca tử vong và 3.157.323 người bình phục.

Brazil vẫn ‘chìm trong bóng đêm’ của dịch Covid-19.

Đây là ngày đầu tiên kể từ khi bùng phát dịch, toàn cầu ghi nhận số người bình phục cao hơn số ca còn dương tính với SARS-CoV-2. Theo đó, số ca dương tính với SARS-CoV-2 hiện tại là 3.010.591, trong đó có 54.374 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Số người mắc Covid-19 ở Mỹ đã vượt mốc 1,9 triệu lên 1.901.103 ca, sau khi ghi nhận thêm 19.898 trường hợp nhiễm bệnh trong 24 giờ qua, trong đó có 109.119 trường hợp tử vong và 684.745 bệnh nhân bình phục.

Trong 24 giờ qua, ‘tâm chấn’ Brazil tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới, với 20.745, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 577.413, cao thứ 2 sau Mỹ, trong đó có 32.117 người tử vong, cao thứ 4 sau Mỹ, Anh, Italy và 266.132 trường hợp bình phục.

Ấn Độ vẫn tiếp đà lập kỷ lục, với số ca nhiễm trong 24 giờ qua đã vượt mốc 9.000, lên 9.633, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 216.824, trong đó có 6.088 người tử vong và 104.071 bệnh nhân bình phục.

* Tại châu Âu, giới chức Hà Lan cho biết, nước này cùng Pháp, Đức, Italy đã thành lập một liên minh để thúc đẩy nỗ lực sản xuất vaccine “trên đất châu Âu” nhằm ngăn ngừa SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Hà Lan nhấn mạnh, 4 nền kinh tế lớn nhất châu lục “đang hợp lực” nghiên cứu các sáng kiến phát triển vaccine đầy triển vọng cũng như đang thảo luận với các công ty dược phẩm nhằm đảm bảo có đủ vaccine cho Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác”, đặc biệt là các nước thu nhập thấp hơn tại châu Phi.

Mục tiêu của “Liên minh vaccine” này là cho phép sản xuất vaccine ngừa SARS-CoV-2 ở bất kỳ nơi nào có thể tại châu Âu. Việc hợp tác 4 nước cùng với các công ty then chốt trong ngành dược phẩm được kỳ vọng sẽ có thể giúp gặt hái những kết quả tốt nhất và nhanh nhất từ những sáng chế vaccine đầy tiềm năng.

Tuyên bố của Bộ Y tế Hà Lan cũng nêu rõ “Đức, Pháp, Italy và Hà Lan tin rằng, một kết quả thành công đòi hỏi một chiến lược và nhiều vốn đầu tư chung”.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa với việc Italy là nước đi đầu mở cửa biên giới cho người dân châu lục này. Trong khi đó, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo chung về việc đi lại vào ngày 15/6 tới và Hà Lan cũng lên kế hoạch thực hiện bước đi tương tự phù hợp với các chỉ dẫn của EU.

* Tại Anh, phát biểu trước Hạ viện chiều 3/6, Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho biết, nước này sẽ áp dụng lệnh cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh, bắt đầu từ 8/6. Theo đó, hầu hết người nhập cảnh vào Anh sẽ phải khai báo địa chỉ liên lạc và nơi sẽ thực hiện tự cách ly 14 ngày.

Mức phạt cho những người vi phạm quy định là 1.000 Bảng (tương đương 29 triệu đồng) hoặc sẽ bị truy tố. Đối với người nước ngoài, nếu không tuân thủ có thể sẽ bị từ chối cho nhập cảnh, hoặc bị trục xuất khỏi Anh nếu không tuân thủ lệnh cách ly đúng quy định.

Những quy định trên không được áp dụng cho những vùng còn lại của Anh gồm Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland.

Bộ trưởng Patel cho rằng, khi tình trạng nhiễm Covid-19 tại Anh đang giảm, việc để lọt trường hợp mang SARS-CoV-2 vào Anh sẽ đem lại mối đe dọa to lớn trước nỗ lực bảo vệ kết quả nước Anh đạt được trong thời gian qua. Đây là điều vô cùng quan trọng để nước Anh tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo đưa đất nước ra khỏi lệnh phong tỏa hoàn toàn.

Lệnh cách ly này sẽ được xem xét đánh giá lại sau mỗi 3 tuần và Chính phủ hướng tới sẽ nới lỏng trong dài hạn, trong đó bao gồm việc thiết lập “những hành lang di chuyển quốc tế” an toàn với các nước có số ca mắc nhiễm thấp.

Quyết định trên được đưa ra vấp phải phản đối từ một số nhân vật cao cấp trong đảng Bảo thủ và quan chức ngành hàng không, du lịch của Anh vì cho rằng “không hiệu quả” khi trên thực tế, việc kiểm tra được người nhập cảnh vào Anh có tuân thủ hay không là điều khó khả thi.

Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) John Allen cho rằng, Chính phủ cần nói rõ cụ thể hơn quy định này khi xem xét đánh giá lại sẽ tiến hành ra sao và người nhập cảnh đến từ những nước nào sẽ được miễn quy định này trong tương lai.

Miễn áp dụng lệnh cách ly được cho là biện pháp đối đẳng giữa hai bên, do vậy một số ý kiến cho rằng, dù số ca nhiễm và tử vong tại Anh đang giảm nhưng nước Anh vẫn ở trong giai đoạn cảnh báo mức độ 4 (mức 5 là cao nhất) sẽ khiến một số nước chưa chắc đã đồng ý để công dân Anh vào nước họ mà không bị cách ly 14 ngày.

Các nước châu Âu ‘rủ nhau’ thành lập Liên minh vaccine ngừa Covid-19. (Nguồn: CGTN Europe)

* Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự ngày 3/6 công bố ghi nhận thêm 321 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 233.836 trường hợp, trong đó, số ca tử vong tăng lên 33.601 (tăng 71 ca) và số ca hồi phục là 160.938 (tăng 846 ca).

Số ca nhiễm mới Covid-19 vẫn tập trung tại tâm dịch Lombardy với tổng số 89.442 (tăng 237 trường hợp). Cơ quan Bảo vệ dân sự cho biết, số ca nhập viện với các triệu chứng tiếp tục giảm với 5.742 ca (giảm 174 trường hợp), trong đó có 353 ca phải điều trị tích cực (giảm 55 trường hợp).

Trước những dấu hiệu tích cực của biểu đồ dịch bệnh, bắt đầu từ ngày 3/6, Italy đã cho phép “mở cửa trở lại” giữa các vùng và đối với công dân, khách du lịch đến từ các nước thuộc châu Âu, sau gần 3 tháng áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza khẳng định, cuộc chiến chống đại dịch vẫn chưa kết thúc, SARS-CoV-2 vẫn còn rất nguy hiểm, do đó, khuyến cáo người dân cần phải tiếp tục làm việc một cách thận trọng cho đến khi có vaccine phòng bệnh.

* Báo New Straits Times đưa tin, Bộ Y tế Malaysia đang xem xét khả năng cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 ít nhất trong 3 ngày được nhập cảnh vào nước này.

Tổng giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết, ý tưởng nói trên cũng tương tự những gì mà chính quyền bang Sabah (bang nằm ở khu vực phía Đông của Malaysia) thực hiện. Theo đó, công dân Malaysia ở nước ngoài hoặc người nước ngoài sẽ được phép nhập cảnh Malaysia nếu như họ được kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 tại các nước mà họ đang sinh sống.

Ông Hisham cho biết thêm, Bộ Y tế Malaysia cũng đang xem xét tiến hành cách ly công dân nước này trở về tại các trung tâm cách ly hay cho phép họ cách ly tại nhà. Điều này không được áp dụng cho những người chưa được xét nghiệm y tế SARS-CoV-2.

Trước đó hôm 2/6, Thủ hiến bang Sabah Mohd Shafie Apdal nói rằng, công dân Malaysia, bao gồm người dân bang Sabah, nhập cảnh vào bang tự trị này không cần phải cách ly. Điều kiện là họ phải được xét nghiệm trong 3 ngày trước khi nhập cảnh và có kết quả âm tính.

Cũng liên quan đến tình hình dịch Covid-19 tại Malaysia, theo Tổng giám đốc Cơ quan Y tế Noor Hisham, 35 quan chức Chính phủ Malaysia, bao gồm Thủ tướng Muhyiddin Yassin, đã hoàn tất 14 ngày cách ly và đều có kết quả âm tính lần thứ 2. Các quan chức này trước đó đã tham gia cuộc họp hôm 20/5 với sự tham dự của một người bị mắc Covid-19. Dự kiến, Thủ tướng Muhyiddin sẽ trở lại làm việc tại văn phòng từ ngày 4/6.

Tính đến nay, Malaysia đã ghi nhận 7.970 người nhiễm Covid-19, trong đó có 115 trường hợp tử vong và 6.531 bệnh nhân bình phục.

* Truyền thông Ai Cập ngày 3/6 dẫn lời Bộ trưởng Y tế Hala Zayed cho biết đang tiến hành điều trị cho 5.484 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà, đồng thời hơn 5.800 trường hợp khác được điều trị tại các khu ký túc xá đại học.

Theo phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 mới được cập nhật và thông qua, các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình sẽ được điều trị tại nhà hoặc ký túc xá đại học, nhằm tăng số giường bệnh sẵn có dành cho những trường hợp nghiêm trọng hơn tại các bệnh viện công.

Phát biểu tại cuộc họp Nội các dưới hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Zayed thông báo, hơn 5.000 đơn vị chăm sóc y tế trên toàn quốc đang thực hiện cung cấp thuốc điều trị Covid-19 cần thiết cho các bệnh nhân tại nhà hoặc những trường hợp có tiếp xúc với các ca dương tính trước đó.

Cùng ngày, Bộ Y tế Ai Cập thông báo phát hiện thêm 1.079 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 28.615. Bên cạnh đó, số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này hiện là 1.088 người, sau khi có 36 trường hợp tử vong trong ngày.

Tại Việt Nam, tính đến 7h ngày 4/6, đã 49 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, số trường hợp mắc Covid-19 duy trì ở 328 ca, trong đó có 302 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

26 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có 13 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên.