Cập nhật 7h 12/5: Số mắc Covid-19 ở Mỹ giảm, hơn 16.000 ca nguy kịch, Ấn Độ xem xét nới lỏng phong tỏa bất chấp ca nhiễm tăng kỷ lục

Theo trang thống kê Worldometers, đến 6h ngày 12/5, thế giới ghi nhận 4.246.795 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 286.740 ca tử vong, 1.522.034 người bình phục.

Mỹ hiện vẫn là quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới. Tuy nhiên, số liệu thống kê trong 2 ngày qua cho thấy, số ca nhiễm và tử vong mới trong ngày đang có chiều hướng giảm.

Trong ngày 11/5, Mỹ ghi nhận thêm 16.776 trường hợp nhiễm mới và 930 ca tử vong mới, đánh dấu ngày đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm dưới 20.000 và ngày thứ 2 ghi nhận số trường hợp tử vong dưới 1.000 người.

Tính đến nay, Mỹ ghi nhận 1.384.033 người mắc Covid-19, trong đó có 81.703 ca tử vong, 260.355 trường hợp bình phục và 16.481 người đang trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tham gia hội thảo trực tuyến với những người đồng cấp của 6 quốc gia bao gồm Hàn Quốc, Australia, Brazil, Ấn Độ, Israel và Nhật Bản nhằm thảo luận về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các nhà ngoại giao cũng thảo luận về sự hợp tác trong việc ngăn chặn những cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.

* Ngày 11/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định “sự cảnh giác cực độ” là cần thiết bởi nhiều quốc gia bắt đầu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2. Cảnh báo của WHO được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những quan ngại trên toàn cầu về một làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, người đứng đầu chương trình các tình trạng khẩn cấp của WHO – Tiến sĩ Mike Ryan cảnh báo: “Dù khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến ở mức độ ít nghiêm trọng nhưng lại không có khả năng điều tra các nhóm bệnh nhân, thì sẽ luôn có khả năng là loại virus này sẽ bùng phát trở lại”.

Cũng trong cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, việc dỡ bỏ các quy định hạn chế là “phức tạp và khó khăn” và vấn đề then chốt là cần phải thực hiện “một cách chậm rãi và từng bước”. Ông Tedros tin tưởng, Đức, Hàn Quốc và Trung Quốc đều có các hệ thống sẵn sàng ứng phó với bất cứ tình trạng gia tăng trở lại các ca mắc Covid-19.

* Tại Pháp, tính đến tối 11/5 (theo giờ địa phương), số ca tử vong vì Covid-19 đã lên đến 26.643 người, tăng 263 ca so với hôm 10/5, trong đó có 16.820 ca tử vong trong các bệnh viện và 9.823 ca tử vong tại các viện dưỡng lão và các cơ sở y tế khác

Pháp hiện ghi nhận177.423 người nhiễm Covid-19, trong đó có 22.284 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện (giảm 285 ca so với 1 ngày trước đó), trong đó có 2.712 người thuộc diện chăm sóc đặc biệt (giảm 64 ca). Như vậy, sức ép lên khoa hồi sức tích cực tại các bệnh viện ở Pháp tiếp tục giảm xuống suốt hơn một tháng qua. Bên cạnh đó, 56.724 bệnh nhân Covid-19 ở Pháp đã khỏi bệnh và ra viện.

Cùng ngày, Hội đồng Hiến pháp Pháp đã phê chuẩn văn bản luật về vấn đề gia hạn tình trạng y tế khẩn cấp, được Nghị viện Pháp thông qua hôm 9/5.

* Số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho thấy, trong ngày 11/5 chỉ ghi nhận 744 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 lên 219.814. Đây là số ca bệnh mới được phát hiện hàng ngày thấp nhất kể từ hôm 4/3 và là ngày thứ hai ghi nhận số ca bệnh mới ở mức dưới 1.000 người ở Italy.

Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong vì Covid-19 ở Italy hiện đã lên đến 30.739 người (tăng 179 ca), cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Anh. Bên cạnh đó, quốc gia Nam Âu này cũng ghi nhận thêm 1.401 bệnh nhân hồi phục sức khỏe, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 106.587 người. Số bệnh nhân Covid-19 thuộc diện điều trị đặc biệt ở Italy cũng đã giảm xuống mức dưới 1.000 người, với 999 ca (giảm 28 trường hợp).

Tại Nga, ngày 11/5, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh quy định việc kéo dài các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19.

Sắc lệnh hướng dẫn các quan chức cấp cao của Chính phủ và lãnh đạo các khu vực xác định những vùng lãnh thổ có thể kéo dài các biện pháp cách ly và đình chỉ hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp nào ở đó. Văn kiện cũng quy định, khi cần thiết có thể hạn chế hoạt động di chuyển của con người và phương tiện trong những khu vực này.

Sắc lệnh lưu ý, nếu chính quyền đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, thì nhân viên các tổ chức này vẫn cần được đảm bảo lương.

Tính đến 6h ngày 12/5, Nga ghi nhận 221.344 người nhiễm Covid-19, đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc sau Mỹ, Tây Ban Nha và Anh, trong đó, số ca tử vong là 2.009 trường hợp.

Các nhân viên y tế tại Mumbai, Ấn Độ được “tắm” trong những cánh hoa vàng do một chiếc máy bay trực thăng của lực lượng không quân nước này rải xuống nhằm tri ân những chiến sĩ ở tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: AP)

* Ngày 11/5, Chính phủ Argentina công bố quyết định kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc ít nhất tới ngày 24/5 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Đối với các khu vực có dân số ít hơn 500.000 người, chính quyền địa phương có thể đưa ra một số ngoại lệ trong việc cách ly xã hội nhằm cho phép các hoạt động công nghiệp, dịch vụ và thương mại hoạt động trở lại với điều kiện phải tuân thủ một số quy định bắt buộc như thời gian tăng gấp đôi số ca mắc Covid-19 không ít hơn 15 ngày.

Cùng với đó, các địa bàn này cần phải hội tụ đầy đủ kiều kiện để phản ứng phù hợp với nhu cầu y tế khi cần thiết, được cơ quan y tế trung ương đánh giá tích cực và số người không phải tuân thủ lệnh cách ly bắt buộc không được vượt quá 75% dân số.

Trong khi đó, các địa bàn có từ trên 500.000 dân, ngoại trừ Buenos Aires và khu vực đô thị, cũng được hưởng chế độ ngoại lệ theo đề nghị của chính quyền địa phương với điều kiệu chặt chẽ hơn, trong đó quan trọng nhất là thời gian tăng gấp đôi số ca mắc Covid-19 không được ít hơn 25 ngày. Ngoài ra, các hoạt động muốn mở cửa cần phải có một quy trình dịch tễ được Bộ Y tế thông qua và sẽ chỉ được hưởng quy chế ngoại lệ nếu chủ cơ sở kinh doanh bảo đảm phương tiện được người lao động đến nơi làm việc và trở về nhà mà không phải sử dụng các phương tiện công cộng đông người như xe buýt hoặc tàu hỏa.

Đối với thủ đô Buenos Aires và các khu đô thị phụ cận, những nơi có tới gần 13 triệu dân sinh sống, việc áp dụng lệnh cách ly bắt buộc sẽ được quản lý chặt chẽ hơn do đây là khu vực có số lượng người mắc Covid-19 cao nhất cả nước và bất kỳ hoạt động ngoại lệ nào đều bắt buộc phải có sự đồng ý của Chính phủ.

Thị trưởng Buenos Aires Horacio Larreta cho biết, sẽ mở cửa từng bước một các hoạt động với những yêu cầu dịch tễ cụ thể và trước mắt sẽ là những hoạt động có thể giữ khoảng cách giữa những người tham gia một cách dễ dàng hơn. Kể từ ngày 12/5, một số hoạt động kinh doanh được mở cửa trở lại như hiệu sách, cửa hàng bán đồ chơi, cửa hàng hoa, mỹ phẩm, đồ điện tử điện lạnh…

Theo thống kê chính thức, Bộ Y tế Argentina thông báo đã ghi nhận 6.034 ca mắc Covid-19, trong đó có 258 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua và 305 ca tử vong.

* Ngày 11/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, đang xem xét dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng trong 7 tuần qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, bất chấp việc ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua với 4.214 ca, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 67.152 người, trong đó có 2.206 ca tử vong.

Thủ tướng Modi đang phải đối mặt với ngày càng nhiều lời kêu gọi chấm dứt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với quốc gia 1,3 tỷ dân, bởi các đảng phái, doanh nghiệp và người dân Ấn Độ cho rằng các biện pháp ngăn chặn đã tước đi sinh kế của hàng triệu người.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các thủ hiến bang, ông Modi khẳng định, Chính phủ liên bang sẽ xem xét “dỡ bỏ từng bước” lệnh phong tỏa, vốn đã 3 lần được kéo dài cho đến ngày 17/5.

Tính đến sáng 12/5, Việt Nam ghi nhận 288 ca nhiễm Covid-19, bước sang ngày thứ 26 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó, 249 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

39 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, trong đó, chỉ còn 20 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, 19 bệnh nhân còn lại đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên.